Aa

Đầu tiên, hãy định danh hành vi

Thứ Tư, 08/08/2018 - 06:00

Cải cách tư pháp đôi khi cần bắt đầu từ việc nhỏ là định danh hành vi, gọi ra được bản chất và sự nguy hiểm của hành vi để áp mức hình phạt tương xứng, rồi hãy tính đến những chuyện to lớn khác.

Lâu nay, cả trên các loại văn bản lẫn trong quan niệm, từ lãng phí được hiểu như một lỗi trong sinh hoạt. Nếu có ai đó mắc phải, chỉ cần anh ta nhận lỗi là xong. Lỗi còn xa mới đến tội. Mà chưa thành tội, chưa bị khép tội thì còn khuya mới làm gì được nhau!

Rồi có thêm cặp từ lãng phí của công, nghe cụ thể hơn nhưng cũng chung chung hơn. Thậm chí đôi khi, trong một vài ngữ cảnh, người ta còn dùng để "mắng yêu" nhau. Chính vì không quan niệm thật nghiêm túc về nội dung của cặp từ này mà trong đa số trường hợp không sao định danh được việc làm sai trái của ai đó là lỗi, hay tội. Nhiều khi chỉ là “lỗi” nhưng tác hại, mức độ nguy hiểm, hậu quả gây ra lớn gấp hàng trăm lần cái bị quy là tội. Chẳng hạn như lãng phí nhân tài, chất xám, thời gian, sức dân, tài nguyên, tiền bạc của Nhà nước...

Chẳng hạn như để xảy ra gian lận trong thi cử, gian lận trong xây dựng (trường hợp nhà ở phố Lê Trực chỉ là một ví dụ, để khắc phục lỗi quản lý lỏng lẻo, xã hội mất không biết bao nhiêu là tiền bạc và sức lực)… Những "lỗi" này có thể gặp ở bất cứ đâu, bất cứ ai dưới trăm ngàn hình vẻ: Hội họp linh đình, chơi bời vô độ, xài của công vào những dịp, những việc không cần thiết, cẩu thả, tắc trách, lơ là trong công việc gây thiệt hại...

Nghe nói một ông cán bộ tỉnh nào đó tổ chức cưới cho con hết tiền tỉ; nghe nói một vị thủ trưởng về Hà Nội công tác, cho lái xe đưa ô tô sang trọng về trước chờ đón mình ở sân bay; nghe nói có những cuộc họp, hội nghị ở địa phương hoãn khai mạc vài giờ để chờ bằng được một hai ông khách ở Trung ương về chỉ để làm sang, làm long trọng viên. Hàng ngàn người chờ, còn thế nào vị khách kia cũng "ban ơn" cho tay chân của ông ta bằng cách kéo đi cùng. Thêm xe, thêm người chỉ thêm sang cho địa phương! Tiền rút từ hầu bao dân khác gì bắt cá ở biển, bao nhiêu là ít, là nhiều, nào ai tính được. Thế là người được sang, người được hưởng sự sang, cần gì phải bận lòng đến những lãng phí to lớn do họ gây ra: Thời gian, hao mòn xe cộ, tiền xăng dầu, tiền ăn ở khách sạn và lãng phí lớn hơn cả lại chính là lãng phí chính bản thân họ.

Hình ảnh minh họabr class=

Hình ảnh minh họa                                                                  Nguồn: Internet

Theo Hán - Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh thì lãng phí (dissper) là làm hao phí (một cái gì đó) vô ích. Nó chỉ thói quen cá nhân và do đó hậu quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính cá nhân đó: Quá tay tiêu xài sẽ làm tiêu tan tài sản; chơi bời quá độ làm hao tổn sinh lực... Nói khác đi thì lỗi gây ra hậu quả là ai làm người nấy chịu. Theo đó mà đối chiếu thì lãng phí ngày nay đã rời rất xa nghĩa gốc của nó.

Thứ nhất: Cái mà họ làm hao phí không phải của họ.

Thứ hai: Hậu quả của sự lãng phí không ảnh hưởng đến kẻ gây lãng phí, mà đổ lên đầu người khác.

Thứ ba: Họ thực hành lãng phí mà không hao tổn bản thân, mà ngược lại.

Phàm không phải của mình mà sử dụng như của mình, thậm chí hơn của mình thì đích thị là ăn cắp; sử dụng trắng trợn, ngang nhiên có khác gì ăn cướp; lại còn làm tổn hại đến kinh tế, phong hóa, sức khỏe... người khác thì cần gì phải suy xét lôi thôi mà không gọi luôn là bọn phá hoại, bọn giặc nội xâm! Những thứ đó không thể là lỗi - hiểu như một thứ sơ suất, khiếm khuyết, không hoàn thiện - mà đích thị là tội.

Sự nhập nhằng trong định nghĩa và định danh hành vi, vô tình đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ trốn tội.

Bởi vì “lỗi” chỉ đáng chê trách.

Trong khi đã là “tội” thì phải bị trừng trị.

Vì thế, cải cách tư pháp đôi khi cần bắt đầu từ việc nhỏ là định danh hành vi, gọi ra được bản chất và sự nguy hiểm của hành vi để áp mức hình phạt tương xứng, rồi hãy tính đến những chuyện to lớn khác.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top