Aa

Điều gì "cản đường" cáp treo ở Việt Nam?

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Năm, 26/10/2017 - 06:05

Nhìn lại những hệ thống cáp treo đã xây dựng thành công ở Việt Nam, có lẽ ít hệ thống cáp treo nào trước khi xây dựng mà không vấp phải sự phản đối. Vậy điều gì khiến phát minh ấn tượng của nhân loại trở thành sự lo ngại ở Việt Nam?

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa chuyển các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của Hội Cổ sinh - Địa tầng (Tổng hội Địa chất Việt Nam) kiến nghị dừng dự án cáp treo vào vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Hội này cho rằng việc xây dựng tuyến cáp treo vào vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với công suất hàng nghìn người/ngày sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, lo ngại tiếng ồn của động cơ, lượng rác thải sinh hoạt khó kiểm soát, những hành vi vô ý thức thường gặp ở số đông du khách sẽ tác động xấu đến môi trường.

Nhìn lại những hệ thống cáp treo đã xây dựng thành công ở Việt Nam, có lẽ ít hệ thống cáp treo nào trước khi xây dựng mà không vấp phải sự phản đối. Vậy điều gì khiến phát minh ấn tượng của nhân loại trở thành sự lo ngại ở Việt Nam như vậy?

Tuyến cáp treo lên Yên Tử

Tuyến cáp treo lên Yên Tử

Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng (Singapore) lý giải, sự phản đối của người dân đến từ việc họ nhìn thấy những dự án không tốt, tức là sau khi thực hiện xong, môi trường tự nhiên bị phá hủy nhiều hơn là giữ gìn nên tâm lý chung là thường lo ngại. Cụ thể ở đây là lo ngại vào năng lực và cái tâm của chủ đầu tư. Thế nên mới sinh ra tâm lý, giờ không làm được thì để cho con cháu sau này có trình độ tốt hơn làm. Và tâm lý phản đối là điều dễ hiểu.

Nói cụ thể về câu chuyện xây cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Dũng cho rằng, rõ ràng ai cũng thấy, nếu xây dựng hệ thống cáp treo ở đây sẽ đem lại nguồn lợi về mặt kinh tế, đồng thời, giúp cho nhiều người được tiếp cận với địa danh này hơn. Vấn đề ở đây không phải là làm hay không làm, mà quan trọng là cách làm như thế nào. Với những công trình như di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, đòi hỏi chủ đầu tư phải làm một cách chu đáo. Và quan trọng nhất là năng lực quản lý kèm theo những chế tài của Nhà nước phải đủ chặt chẽ, để tất cả các bên thực thi đúng theo quy định của pháp luật, nếu sai thì đương nhiên phải phạt.

Một lãnh đạo ở Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam phân tích, các quốc gia đều phải đứng trước lựa chọn giữa mục tiêu phát triển trước mắt và bảo tồn lâu dài. Có những nơi, vì nhu cầu phát triển bức bách thì buộc phải hy sinh bảo tồn, đó là lựa chọn của chính mỗi quốc gia chứ không phải cứ di sản thì phải bao tồn. Tuy nhiên, với những di sản đã được UNESCO công nhận mà mình đụng vào thì phải hết sức thận trọng. Bởi khi công nhận di sản, người ta đã ghi nhận toàn bộ hiện trạng bấy giờ là bất khả xâm phạm. 

Vị lãnh đạo này đánh giá, việc làm cáp treo ở những nơi địa hình hiểm trở không phải là một ý tưởng tệ. Bởi nếu đã xác định phát triển du lịch ở những khu vực này thì kiểu gì, sau một thời gian, quán xá hai bên đường cũng sẽ mọc lên vô tội vạ, thiếu kiểm soát, rồi phát sinh nhu cầu làm đường, phá huỷ cây cối môi trường. Vì thế, rõ ràng nếu so sánh sẽ thấy việc xây dựng cáp treo văn minh hơn bởi chỉ cần làm các cột trụ từ dưới đất lên. Môi trường xung quanh mặt đất sẽ không bị phá huỷ. Vấn đề còn lại là khi có cáp treo, lượng khách du lịch tăng đột biến thì liệu chính quyền có quản lý được không và các luật lệ để đảm bảo không vi phạm giá trị bảo tồn là như thế nào.

“Chúng ta phải tính toán được sau cáp treo sẽ là gì. Nếu sau khi xây xong, 1 tháng có khoảng nửa triệu du khách đến có được không? Điều nay cần phải được tính toán kỹ lưỡng, không thể ngồi một chỗ nói mò được. Cũng có thể họ có phương pháp để giải quyết. Nếu đơn vị thực hiện cam kết giữ gìn được cảnh quan, đóng góp ngược trở lại bằng thu nhập du lịch thì rất tốt”.

Tuy nhiên điều mà vị lãnh đạo này lo lắng nhất chính là việc du lịch hiện nay của Việt Nam đang hoàn toàn tự phát, nhiều chủ đầu tư làm theo kiểu tận thu, chưa có ý thức đóng góp lại để bảo tồn di sản, cảnh quan thiên nhiên. Đặc biệt trình độ quản lý của nước ta rất kém và thiếu các chế tài xử phạt: “Hiện nay đúng là Quảng Bình chỉ trông vào du lịch để thúc đẩy kinh tế, nhưng nếu cho phát triển mà Nhà nước, chính quyền địa phương không tính toán, kiểm soát được thì chẳng khác nào chính mình tự hại mình. Ai dám bảo đảm khi xây dựng xong cáp treo, các di sản vẫn bảo tồn được? Đó là dấu hỏi lớn đòi hỏi các nhà chính sách, cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về cái đó. Đáng sợ nhất ở Việt Nam là khi làm xong chẳng ai chịu trách nhiệm cả. Phản ứng của người dân với cáp treo có thể hơi quá, nhưng lúc này cần có người lên tiếng khẳng định rằng, tôi có can đảm làm và tôi sẽ có can đảm chịu trách nhiệm”.

Cùng quan điểm, PGS. TS Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, thách thức lớn của dự án này chính là sự tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để làm sao có một quy trình kiểm soát tốt nhất. Vì ở Việt Nam thường xảy ra việc khai thác cạn kiệt tài nguyên, làm không đến nơi đến chốn và người thực thi không tận tâm.

“Đây là cuộc đấu của phát triển bền vững, làm như thế nào đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu cực kỳ bài bản, đánh giá các tác động có thể xảy ra, đầu tư làm thử rồi mới làm thật”.

NSƯT Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ

Một số công trình cáp treo ở Việt Nam đã trở thành điểm nhấn, thay đổi diện mạo du lịch của cả một vùng, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong nước và quốc tế. Nhưng một số ít người có sức khoẻ và thích chinh phục lại cho rằng, xây cáp treo làm giảm đi tính kỳ vỹ của tự nhiên, cản trở niềm đam mê của họ. Họ không nghĩ, nhờ có hệ thống cáp treo đó mà bao nhiêu người như tôi, những người có tuổi, những người sức khoẻ không tốt có thể đặt chân lên những kỳ quan của tự nhiên. Những điều tốt đẹp đó của cáp treo, tại sao không được ghi nhận? Tôi nghĩ đó là vì sự đố kỵ và ích kỷ.

Theo tôi, chúng ta phải rạch ròi. Công trình nào là bảo tồn, công trình nào là phát triển. Cái gì chỉ để phục vụ văn hoá và cái gì phục vụ du lịch. Cá nhân tôi, tôi ủng hộ sự đổi mới và phát triển

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top