Chỉ cách đây hơn mươi năm, chắc chả ai lại có thể tưởng tượng được rằng các loại mạng xã hội nó lại phổ biến đến như bây giờ. Nó kéo mọi người xích lại gần nhau, nó tạo nên một xa lộ thông tin khổng lồ, nó cập nhật, nó lan tỏa, nó thành một hiệu ứng xã hội hết sức tiện lợi, nhanh nhạy và hết sức bổ ích.
Nhưng nó cũng vẫn tạo ra những bất an không nhỏ, nó khiến nhiều người e ngại. Mà cũng đúng thôi, nó cũng như cuộc đời thật, cũng có đầy đủ cung bậc hỉ nộ ái ố, cũng có người tốt kẻ xấu, cũng lừa đảo, cũng cả tin, cũng đủ thứ lung tung beng nếu anh không tự trang bị kiến thức cho mình.
Phải thẳng thắn mà nói ra, qua các vụ oánh người tập thể vì nghi... bắt cóc trẻ em, chứng tỏ một số vùng trong xã hội đang hết sức bất an. Hôm nọ rỗi, tôi "vượt rào", tức là "thăm" một số tài khoản facebook không phải bạn mình, thì thấy hết sức buồn cười. Người ta mặc sức share những cái tin hết sức tào lao, kiểu như bắt trẻ con rồi... ướp đá, cho thùng xốp, bắt người mổ lấy nội tạng, máy bay rơi, vân vân...
Tôi có "ngứa tay" còm vào đấy là, này, có muốn lên đồn uống trà và nộp phạt không, nhưng cả ngày vẫn không thấy chủ nhà có ý kiến gì, chỉ thấy dày đặc các comment phía dưới đòi tử hình, giết tội phạm...
Một hôm nào đấy, có vụ hàng nghìn người đốt xe ở Hải Dương mặc sự có mặt của chính quyền và công an, là cháy ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Là có một ông nào đấy lái xe qua làng, tự nhiên có người hét lên: "Bắt cóc trẻ con!". Thế là rất đông người xông ra, đốt xe, xong béng...
Nhưng mặt khác, rõ ràng chính quyền đã không mạnh tay với tội ác hiển nhiên. Cả tuần sau vụ đốt xe ấy vẫn chưa thấy động thái gì từ chính quyền, trong khi nhẽ ra, vừa thực thi nghiêm pháp luật, vừa răn đe, có thể ngay lập tức khởi tố vụ án để điều tra. Vụ hai chị bán tăm bị vu cho bắt cóc trẻ con rồi bị đánh cũng vậy. Khởi tố rồi gọi hỏi, lại chả sợ vãi linh hồn ra, và thường xuyên cung cấp thông tin điều tra cho báo chí, cho cả mạng xã hội, các nơi khác lại chả co vòi lại?
Và cũng thấy, sự ăn năn, áy náy, sự cắn rứt lương tâm của con người thời nay không có. Cũng vẫn từ hai vụ vừa kể là đốt xe và bán tăm, đã có ai trong số những người tham gia đốt xe, tham gia đánh hai người phụ nữ vô tội thừa sống thiếu chết đến xin lỗi người bị hại chưa, bày tỏ sự ăn năn, ít nhất trên một diễn đàn nào đó chưa. Hình như chưa, những con người tàn ác dựa thế bầy đàn này vẫn ăn no ngủ kỹ... Thậm chí trên một số diễn đàn, một vài người còn comment bênh hành động mông muội tàn ác nguyên thủy ấy...
Xóm làng giờ như có chiến tranh, con người nghi kỵ lẫn nhau, dân không tin chính quyền, chính quyền nói dân không nghe. Nhớ thời chiến tranh, ai đi lơ ngơ trong làng cũng có thể trở thành... gián điệp. Hồi học cấp 2, tôi chứng kiến một ông khắc bút về làng Phú Điền, Thanh Hóa, bị bắt, một cô mặc áo trắng đạp xe qua làng bị bắt cởi áo và bị tóm luôn vì lúc cô ngửa cái nón ra, trên chóp nón có một mảnh gương tròn bằng đồng xu trên ấy: Ngửa nón ra dùng đồng xu báo máy bay đến, thế thì là gián điệp rồi. Chiến tranh khủng khiếp thế, nhưng nó đã qua lâu rồi mà?
Mấy năm trước, tôi nhớ, có cái ảnh trên mạng, là có cái xe ô tô dán mảnh giấy rất to trước kính: "Chúng tôi đang đi thăm người nhà, chúng tôi không bắt cóc người"... Xem xong bật cười, nhưng rồi đau, rất đau và rất buồn. Đến thế kia ư, niềm tin vào con người hôm nay.
Nó có nguyên nhân là, một mặt, chính quyền chưa nghiêm với những hành vi sai trái, mặt khác, dân chơi mạng cứ chia sẻ vô tội vạ, chả cần động não xem đúng sai thế nào, và dân ta giờ, đa phần lại tin mạng, mà không phân biệt mạng nào với mạng nào.
Tôi chứng kiến, khi có vụ việc nào xảy ra, bà con lại bảo nhau: "Vào điện thoại xem lên mạng chưa?". Chưa kể, có những người lợi dụng mạng xã hội để làm những việc mà họ cần, bất chấp sự thật, như bán hàng online chẳng hạn. Thì đã chẳng ngay trong giới nghệ sĩ, thi thoảng có người tung ra các scandal để... nổi tiếng đấy thôi, kể cả những việc buồn cười nhất như... hở bạo, thậm chí là "hé lộ" 10 phút sex, chẳng hạn...
Giờ thì đang có trào lưu (ngôn ngữ mạng là trend) làm Vlog để kinh doanh, mà bà Tân Vlog là ví dụ. Trước đấy là Khá Bảnh, là những thánh chỉ nhờ chửi mà nổi tiếng.
Tất nhiên sống ở thời mạng thì nó phải khác cái thời cả làng chỉ có cái radio, nhưng mạng gì thì mạng, sự thật phải luôn được đặt lên hàng đầu. Và, hiểu về nó để làm chủ nó, chứ không bị nó cuốn vào, cũng là tư cách và phẩm chất của công dân thời mạng vậy...