PV: Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tạm "hạ cánh mềm" khi kết thúc năm 2023. Quan điểm của ông về ý kiến này là gì?
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng, vẫn còn khá sớm để nhận định các doanh nghiệp bất động sản đã đi qua thời kỳ khó khăn, vì số lượng các doanh nghiệp bất động sản nộp đơn phá sản đạt kỷ lục trong năm qua cũng như những doanh nghiệp còn lại vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức để tồn tại.
Tuy nhiên, ở những tháng cuối năm 2023, việc nhiều doanh nghiệp quay trở lại phát hành trái phiếu hay hoãn, giãn nợ thành công đã cho thấy thị trường cũng dần sáng hơn, ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn so với giai đoạn đầu năm. Điều này không chỉ thể hiện nỗ lực xoay xở rất lớn từ bản thân các doanh nghiệp mà còn cho thấy các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng.
PV: Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong năm 2023?
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Nhìn chung, các chính sách của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng và hỗ trợ được phần nào cho các doanh nghiệp bất động sản trong thời kỳ khó khăn như hỗ trợ giãn nợ, hoãn nợ, tái cấu trúc nợ, hay các chính sách hạ lãi suất để làm ấm thị trường...
Tuy nhiên, một số chính sách về dài hạn vẫn cần thêm thời gian như các giải pháp để vực dậy thị trường trái phiếu, các biện pháp nhằm minh bạch và kiểm soát tốt rủi ro cho thị trường… cũng như Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ cần thời gian để đi vào thực tiễn.
PV: Ông đánh giá gì về triển vọng thị trường trái phiếu trong năm 2024?
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Thị trường trái phiếu sẽ ấm dần lên trong năm nay nhưng sẽ không có sự đột phá lớn mà cần thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cũng như cần thêm các chính sách nhằm làm tăng tính minh bạch cho thị trường này cũng như bảo vệ quyền lợi cho các trái chủ. Chỉ khi nào thị trường trái phiếu minh bạch, an toàn thì khi đó thị trường này mới thật sự bùng nổ và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hữu hiệu cho nền kinh tế.
PV: Từ đầu năm 2024, thị trường sẽ phải quay lại áp dụng Nghị định 65/2022/NĐ-CP, do Nghị định 08/2023/NĐ-CP chỉ cho phép tạm ngưng áp dụng 3 nội dung của Nghị định 65/2022/NĐ-CP đến hết tháng 12/2023. Điều này có gây ra khó khăn cho thị trường trái phiếu trong ngắn hạn, thưa ông? Ông nghĩ sao về việc nên gia hạn Nghị định 08 để tiếp tục hỗ trợ thị trường vượt qua được áp lực trái phiếu đến hạn?
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tính toán thì số lượng trái phiếu đến hạn năm 2024 sẽ rất cao, nhiều hơn cả năm 2023. Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 khoảng 310.131 tỷ đồng, trong đó quý I khoảng 44.800 tỷ đồng, quý II khoảng 83.200 tỷ đồng, quý III khoảng 72.400 tỷ đồng, quý IV khoảng 109.700 tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp bất động sản và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm nay, lần lượt là 34,9% và 29,7%.
Chính vì vậy, nếu như không gia hạn Nghị định 08 thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, thậm chí còn trầm trọng hơn năm 2023. Khi đó, "cơn ác mộng" sẽ khó có thể chấm dứt với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường nhìn chung vẫn ảm đạm, nguồn thu chưa đủ để bù đắp chi phí cũng như chi trả các khoản nợ đến hạn.
Do đó, nếu như tình hình thị trường vẫn còn khó khăn, chúng ta cũng cần cân nhắc tiếp tục gia hạn Nghị định 08 để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đến khi thị trường có dấu hiệu hồi phục tốt và dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được cải thiện.
PV: Niềm tin nhà đầu tư là yếu tố quan trọng đối với sự hồi phục của trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, giải pháp cần làm trước mắt và lâu dài là gì để thị trường này lấy lại niềm tin và phát triển an toàn, bền vững?
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một thị trường trái phiếu minh bạch, an toàn, lành mạnh. Trong đó, an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi không ai muốn đầu tư trái phiếu với lãi suất cố định nhưng rủi ro có thể mất toàn bộ số vốn đã bỏ ra.
Nguyên tắc của một tài sản tài chính là lợi nhuận phải tương thích với rủi ro, tức rủi ro cao thì kỳ vọng lợi nhuận cũng phải cao. Trong khi kênh trái phiếu hiện tại đang được xem như là một loại tài sản có lợi nhuận cố định và khiêm tốn, nhưng rủi ro lại rất cao, có thể mất vốn.
Do vậy, nói về tính hấp dẫn thì sẽ khó để có thể cạnh tranh được với các kênh đầu tư khác như ngân hàng (lợi nhuận thấp nhưng an toàn) hay cổ phiếu (lợi nhuận cao, rủi ro cao)… Vậy nên, trong thời gian tới chúng ta cần đưa trái phiếu trở lại với đặc tính vốn có của nó - một tài sản có thu nhập ổn định và an toàn.
Để làm được điều này, cần phải có sự giám sát chặt chẽ và có sự tham gia của các tổ chức định mức tín nhiệm độc lập nhằm đánh giá mức độ rủi ro của các loại trái phiếu và công bố rộng rãi đến công chúng. Kèm theo đó là sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng đối với các đợt phát hành trái phiếu, kể cả phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Ngoài ra, cũng cần cho phép các công ty bảo hiểm và ngân hàng tham gia vào việc bán bảo hiểm cho các loại trái phiếu đã phát hành (trong trường hợp các tổ chức phát hành không trả được nợ thì các công ty bảo hiểm và ngân hàng bán bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bảo hiểm khoản vốn đã mua trái phiếu cho người dân, tương tự như hình thức bảo hiểm tiền gửi tại hệ thống ngân hàng thương mại).
Khi các nhà đầu tư yên tâm về sự an toàn với số vốn họ đã đầu tư, thì tự khắc kênh trái phiếu sẽ trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và phổ biến như các thị trường phát triển trên thế giới. Từ đó giúp giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống ngân hàng thương mại cũng như làm gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn - thứ rất cần cho một hệ thống tài chính an toàn, bền vững và thúc đẩy tăng trưởng bền vững về lâu dài cho nền kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!