Doanh nghiệp bất động sản khó "bám" vốn ngân hàng
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động của khối ngân hàng. Nhìn nhận về dòng vốn chính của thị trường BĐS hiện nay, tổng giá trị của thị trường BĐS Việt Nam ước đạt khoảng 25 tỷ USD, trong đó 80% nguồn vốn là từ hệ thống ngân hàng, tương đương 20 tỷ USD (tức khoảng 450 nghìn tỷ đồng).
Như vậy, để duy trì hoạt động của thị trường BĐS, khối ngân hàng giữ vai trò quyết định. Cũng vì thế, bất kỳ sự điều chỉnh nào trong chính sách tiền tệ từ phía ngân hàng cũng tác động trực tiếp lên thị trường BĐS. Dễ thấy nhất là trong 1-2 tháng gần đây, hoạt động của thị trường BĐS chững lại thấy rõ khi ngân hàng áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ.
Hiện tại theo chính sách của Ngân hàng Nhà nước, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã hạ xuống mức 45% và tới 1/1/2019 giảm còn 40%. Dòng vốn ngắn hạn lại chiếm đến 70% vốn huy động của ngân hàng, vậy nên một khi siết vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dòng vốn chảy vào BĐS sẽ tiếp tục bị co hẹp lại, thị trường BĐS sẽ chịu tác động lớn.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 41/2016, khối ngân hàng sẽ áp dụng chính sách quản lý mới về tỷ lệ an toàn vốn thay vì chỉ tính theo dòng vốn vay. Điều này có thể khiến hệ số rủi ro cho vay BĐS tăng cao nên ngành ngân hàng điều chỉnh để không cho vay quá nhiều vào BĐS.
Sắp tới, khối ngân hàng sẽ tìm hướng hoạt động nhằm gia tăng nguồn vốn tự có song song với động thái giảm tổng tài sản có rủi ro, đưa dòng vốn vào sản xuất thay vì BĐS. Thông thường chứng khoán sẽ là kênh dẫn vốn trung dài hạn thay thế cho nguồn vốn ngân hàng nhưng chức năng này đang khựng lại cùng với sự trầm lắng của thị trường chứng khoán.
Như vậy, các ngân hàng sẽ ngày càng thận trọng trong chính sách quản lý rủi ro. Thị trường BĐS khó có thể duy trì thói quen dựa dẫm vào tín dụng ngân hàng như trước, các doanh nghiệp buộc phải đẩy mạnh tự tìm kiếm nguồn vốn mới để có thể phát triển lâu dài.
Xem chi tiết tại đây.
M&A kỷ nguyên mới: Tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản vẫn là “điểm nóng“
Theo thống kê trên, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017. Nhóm nghiên cứu dự báo, giá trị M&A năm 2018 sẽ giảm so với năm 2017 do thiếu vắng những thương vụ lớn tương tự như Sabeco.
Giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 có thể đạt 6,5-6,9 tỷ USD, bằng 58,8% so với năm 2017 (nếu ngoại trừ thương vụ Sabeco thì sẽ tăng trưởng 15,3%). Với kịch bản thận trọng, giá trị M&A thị trường Việt Nam sẽ vẫn duy trì mức trên 6 tỷ USD.
“Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản. Các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam giai đoạn tới. Ngoài ra, cũng có thể trông đợi vào các thương vụ thoái vốn của những doanh nghiệp nhà nước lớn”, Nhóm nghiên cứu nhận định.
Cơ hội M&A tại Việt Nam là nhiều, nhưng để thúc đẩy dòng vốn chảy vào thị trường này mạnh hơn, Việt Nam cần có thêm nguồn hàng tốt cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, khi mà hiện tại, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước dù đã cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn ở mức cao và nhiều năm vẫn chưa tìm được nhà đầu tư chiến lược. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần minh bạch hơn về tình hình tài chính nói riêng và thông tin doanh nghiệp nói chung để nhà đầu tư có thể nắm bắt.
Một yếu tố không thể thiếu khác là hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư và hoạt động M&A cần được nhanh chóng hoàn thiện để tháo gỡ các rào cản về giới hạn sở hữu, quy hoạch, thuế... cho các giao dịch mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, từ đó giúp thu hút nhiều hơn dòng vốn vào thị trường M&A Việt Nam.
Xem chi tiết tại đây.
TP.HCM: Nhiều dự án “ma” dụ khách hàng
Giai đoạn gần đây, đường dây nóng Báo Đầu tư Bất động sản nhận được nhiều thông tin từ phía khách hàng khu vực phía Nam cho biết, thị trường bất động sản liên tục xuất hiện tình trạng nhân viên môi giới của nhiều công ty địa ốc chào bán dự án đất nền. Tuy nhiên, khi khách hàng liên hệ với các cơ quan chức năng có liên quan, cụ thể là lên Phòng Tài nguyên - Môi trường quận kiểm tra thông tin, thì không hề có dự án bất động sản nào ở vị trí mà nhân viên môi giới quảng cáo chào bán.
Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thu Trang, ngụ tại quận 3, TP.HCM cho biết, giữa tháng 5 vừa qua, chị được nhân viên môi giới địa ốc gọi điện giới thiệu là nhân viên kinh doanh của một công ty đất nền. Môi giới này cho biết, hiện công ty đang có dự án tại quận 12 giá rẻ, gần chợ, gần khu công nghiệp, ngân hàng… chào bán. Vì đang có nhu cầu mua đất nền đầu tư, chị Trang rất quan tâm đến dự án này.
“Khi hỏi cụ thể tên công ty của nhân viên môi giới là gì thì bạn này nói công ty đất nền có trụ sở trên đường Hà Huy Giáp, quận 12. Hỏi về vị trí dự án thì nhân viên này nói dự án trên đường Dương Thị Mười đối diện Bệnh viện quận 12, lô đất có giá 34 triệu đồng/m2.
Sau khi hẹn đi coi dự án, ngày 20/5, bạn môi giới tên Tuấn đưa xuống một bãi đất trống đối diện Bệnh viện quận 12 nói đây là đất dự án, chủ đầu tư chuẩn bị làm hạ tầng và phân lô bán, pháp lý đã xong. Nhưng khi tôi lên UBND phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 hỏi về dự án này thì đơn vị này trả lời là khu đất đất thuộc quy hoạch công trình công cộng và một phần là hành lang an toàn lưới điện.
Hiện nay, chưa có cơ quan chức năng nào phê duyệt hoặc thỏa thuận cho bất kỳ dự án nào ở khu vực này cả và đây chỉ là chiêu lừa đảo của các cò đất bất lương”, chị Trang nói.
Xem chi tiết tại đây.
"Làng" biệt thự triệu đô Hà Nội ngập lụt vì bị bỏ rơi?
Ông Nguyễn Hoàng Trường-Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) xác nhận, trong mấy ngày qua cơn mưa lớn kéo dài đã khiến cho nhiều đoạn đường, khu vực dân cư, khu đô thị (KĐT) mới tại địa bàn Hoài Đức như nút giao Thiên Đường Bảo Sơn-Lê Trọng Tấn với đoạn đường gom Đại lộ Thăng Long xảy ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng, có đoạn ngập sâu cả mét.
Theo ông Trường, đây không phải lần đầu mà liên tục trong thời gian gần đây tình trạng ngập úng khi mưa lớn liên tục xảy ra ở khu vực này. Theo vị này, qua khảo sát, hiện nay các KĐT mới xung quanh như: Khu đô thị Bảo Sơn; khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, khu đô thị Lê Trọng Tấn- Geleximco, khu đường gom Láng Hòa Lạc ..., nước mưa đều đổ dồn không tiêu thoát kịp nên xảy ra ngập úng nghiêm trọng.
Lý giải về nguyên nhân, theo ông Trường có một số nguyên nhân chính. Đầu tiên là do quy hoạch hạ tầng thoát nước của khu vực này không đồng bộ. “Dự án KĐT Lê Trọng Tấn - Geleximco, KĐT Nam An Khánh Sudico, khu Thiên đường Bảo Sơn..., đều được triển khai từ thời điểm trước khi Tây Hà sát nhập về Hà Nội. Do vậy đến khi điều chỉnh lại quy hoạch, quy hoạch phân khu thì giữa quy hoạch mới và quy hoạch cũ có sự “đá” nhau về các mạng hệ thống thoát nước ngay ở các KĐT mới này”, ông Trường nói.
Nguyên nhân thứ hai theo ông Trường, có những hạng mục về hạ tầng ở khu vực này chậm triển khai. Thậm chí có những “xôi đỗ” khi không được triển khai đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của thành phố. Trong đó cũng có nguyên nhân, chủ đầu tư các KĐT chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán mà không xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ khiến khu vực cứ mưa là ngập nghiêm trọng.
Xem chi tiết tại đây.
Hà Nội: Doanh nghiệp chiếm dụng đất để xây khách sạn
Nhiều cư dân phản ánh về việc khu đất có hình lưỡi mác toạ lạc tại ngõ 102, phố Hoàng Như Tiếp (quận Long Biên, Hà Nội) hiện đang bị doanh nghiệp quây tôn chiếm dụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường tại khu vực này...
Cụ thể, người dân bày tỏ nỗi bức xúc về việc UBND phường Bồ Đề có dấu hiệu ''bật đèn xanh'' cho Công ty cổ phần Thương Mại và Kinh doanh (TM&KD) bất động sản Golden Star (có địa chỉ tại KĐT mới Việt Hưng, quận Long Biên) chiếm dụng không đúng chủ trươngkhu đất E.2/P1 và E.2/CC6 phố Hoàng Như Tiếp.
Được biết, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 khu đất này cho công ty Golden Star. Người dân cũng phản ánh về việc hiện khu đất này đang được Công ty Golden Star sử dụng sai mục đích và làm trái với quy hoạch của UBND TP. Hà Nội.
Đại diện tập thể các hộ dân cho biết, theo bản đồ quy hoạch được UBND thành phố công bố từ những năm 2000 thì khu đất E.2/P1 được quy hoạch để sử dụng làm bãi đỗ xe. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên khu đất này vẫn bị để trống nhiều năm qua.
Xem chi tiết tại đây.
Siết chặt quản lý sau vụ mất 1.000 phôi sổ đỏ ở Phú Quốc
Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) vừa ban hành công văn nhằm chấn chỉnh lại việc quản lý, sử dụng phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương để xảy ra tình trạng quản lý không chặt chẽ hoặc mất, thất lạc phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có biện pháp giải quyết theo quy định pháp luật, tiềm ẩn các nguy cơ phức tạp trong quản lý đất đai.
Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Quản lý đất đai yêu cầu các Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện ngay việc tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh và chỉ đạo sát sao việc quản lý phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn tỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Không để xảy ra tình trạng sử dụng phôi giấy chứng nhận tự do, không có cán bộ chuyên trách quản lý, không lập sổ theo dõi sử dụng phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thu hồi giấy chứng nhận đã hư hỏng để tiêu hủy…
Xem chi tiết tại đây.
Động lực của người mua sẽ quyết định sản phẩm trên thị trường
Theo tìm hiểu, thời gian qua phần lớn nhà đầu tư đang có xu hướng chuyển sang đầu tư căn hộ để cho thuê do lợi nhuận căn hộ cho thuê đang tăng tại nhiều nơi. Cụ thể, ghi nhận từ CBRE, riêng tại Hà Nội, so với năm 2017 hiện nay lợi nhuận cho thuê căn hộ đang cao hơn khoảng 0,4% đạt mức từ 4 - 5,7%/năm.
Trong đó, căn hộ có lợi nhuận cho thuê cao nhất đang thuộc về khu vực phía Tây Hà Nội với 5,7%/năm, trong khi năm 2017 tỷ suất lợi nhuận chỉ nằm ở mức hơn 5%/năm. Bên cạnh đó, các khu vực như Đống Đa - Ba Đình đang có tỷ suất lợi nhuận cho thuê là 5,4%. Quận Tây Hồ nơi luôn được xem là khu vực có tỷ suất lợi nhuận căn hộ cho thuê cao nhất hiện đạt 5,5%. Tại phía Nam, các căn hộ cho thuê tại khu vực này đạt 5,4% tỷ suất lợi nhuận.
Nắm bắt được xu hướng đầu tư mới của nhà đầu tư hiện nay, các chủ đầu tư đang có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ nhà đầu tư mua căn hộ cho thuê như gia tăng các dịch vụ tiện ích xe đưa đón, dịch vụ dọn phòng... thậm chí miễn phí dịch vụ cho khách mua nhà, cam kết thuê lại căn hộ với mức lợi nhuận cao cho khách.
Cũng theo tổng kết số liệu từ các đơn vị phân tích thị trường cho thấy, hiện nay khách hàng đang có nhu cầu tìm kiếm nhà phố và nhà riêng. Một số quận Hà Nội như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy là những khu vực có lượng tìm kiếm nhiều nhất.
Theo tìm hiểu, việc tìm kiếm nhà mặt phố tại những quận nội đô có thể đến từ mục đích vừa để kinh doanh vừa đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân. Trong khi đó, lượng tìm kiếm cao tại Cầu Giấy trong thời gian vừa qua là thông số chứng minh khu vực này đang dần trở thành một trung tâm mới ở khu vực phía Tây Hà Nội, với nhiều dự án nhà ở và hạ tầng đô thị. Đáng chú ý, trên số trang tìm kiếm cho thấy khu vực Phố Huế, Xã Đàn và Nguyên Hồng đang đứng đầu danh sách về giá. Trong đó, Xã Đàn khoảng 400 triệu đồng/m2, Nguyên Hồng 378 triệu đồng/m2, Phố Huế 500 triệu đồng/m2. Lý giải cho mức giá cao đó là những tuyến phố này có hàng quán kinh doanh nhiều và lưu lượng giao thông lớn tại Hà Nội.
Xem chi tiết tại đây.