Aa

Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực "giữ chữ tín" với trái chủ

Thứ Sáu, 02/02/2024 - 06:01

Dù kết quả kinh doanh khả quan hay kém khởi sắc, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn nỗ lực “làm sạch” nợ trái phiếu, quyết tâm đưa dư nợ trái phiếu về mức 0 đồng để tái cấu trúc cho năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp "sạch" nợ trái phiếu

Thống kê dữ liệu của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tính đến cuối năm 2023, có 35 doanh nghiệp bất động sản xóa sạch nợ trái phiếu nhờ tích cực mua lại trái phiếu trước hạn với tổng số tiền thanh toán hơn 20.000 tỷ đồng.

Trong số này, có nhiều doanh nghiệp bất động sản ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc ở những tháng cuối năm nên có điều kiện tốt để thanh toán nợ. Điển hình như Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), Tập đoàn Hateco,…

Nhờ việc bán công ty con và một số hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ nên quý IV/2023, Phát Đạt đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 68 tỷ đồng, tăng 353% so với quý IV/2022; doanh thu hoạt động tài chính lên đến 421 tỷ đồng, cao gấp 25,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Khoản doanh thu này đã giúp Phát Đạt lãi sau thuế gần 283 tỷ đồng và tạo điều kiện cho Phát Đạt có cơ hội để kịp thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Trong tháng 12/2023, công ty đã chi hơn 421 tỷ đồng để mua lại toàn bộ lô trái phiếu PDR12101 (tổng mệnh giá phát hành là 500 tỷ đồng) - được phát hành vào ngày 23/12/2021 với kỳ hạn 2 năm và đáo hạn vào ngày 23/12/2023. Đồng thời, chi 37,5 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu PDR12204 (tổng mệnh giá phát hành là 300 tỷ đồng) - phát hành vào ngày 25/03/2022 với kỳ hạn 2 năm và đáo hạn vào ngày 25/03/2024.

Nhờ vậy, tính đến hết năm 2023, Phát Đạt đã không còn nợ dư trái phiếu, chính thức đưa dư nợ trái phiếu về mức 0 đồng, trong khi trước đó vào thời điểm cuối 2022, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này đạt mức hơn 4.300 tỷ đồng.

Tương tự, nhờ doanh thu thuần quý IV/2023 đạt gần 1.094 tỷ đồng, lũy kế cả năm gần 5.645 tỷ đồng, gấp 6 lần năm 2022 nên Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP đã có điều kiện để tất toán toàn bộ 2.400 tỷ đồng nợ trái phiếu ra khỏi sổ sách khi kết thúc năm 2023.

Cụ thể, Kinh Bắc đã trả nợ đúng hạn lô trái phiếu KBCH2123001, trị giá 400 tỷ đồng và mua lại trước hạn hai lô trái phiếu là KBCH2123002 và KBCH2123004 với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản nỗ lực "giữ chữ tín" với trái chủ- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chính thức sạch nợ trái phiếu trước khi bước sang 2024. (Ảnh minh hoạ)

Tập đoàn Hateco, cuối năm vừa qua cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc khi lãi đậm 421 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tất toán đúng hạn lô trái phiếu 310 tỷ đồng.

Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi mà nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong năm qua vẫn nỗ lực thanh toán nợ sớm cho trái chủ so với kế hoạch, qua đó "làm sạch" nợ trái phiếu.

Đơn cử như CTCP Địa ốc Sacom (SLD), dù lỗ 15 tỷ đồng nửa đầu năm 2023 vẫn hoàn thành nghĩa vụ đối với 237,5 tỷ đồng nợ trái phiếu. Hay Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản LC lỗ gần 100 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, nhưng sau đó vẫn chi 1.000 tỷ đồng để xóa nợ trái phiếu, sớm 1 năm so với kế hoạch.

Một trường hợp khác là Công ty TNHH Đức Việt. Mặc dù lỗ sau thuế 50 tỷ đồng, đồng thời âm vốn chủ sở hữu tới 514 tỷ đồng, nhưng công ty vẫn dành 812 tỷ đồng để thanh toán dứt điểm khoản vay từ trái chủ.

Các doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh khả quan thì việc trả nợ trái phiếu là điều dễ hiểu. Nhưng với những doanh nghiệp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, vẫn quyết thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn thực sự là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn để triển khai dự án, nhưng dự án chậm thực hiện, gặp vướng mắc sẽ dẫn đến việc sử dụng vốn đã huy động không theo kế hoạch trước đó. Song các doanh nghiệp vẫn buộc phải thanh toán đầy đủ tiền lãi hàng kỳ nên nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án sớm trả lại tiền cho trái chủ, mặc dù tình hình tài chính không mấy khả quan.

Chưa kể, lãi suất trái phiếu giai đoạn trước ở mức cao, nhưng hiện lãi suất trái phiếu cũng như lãi vay ngân hàng giảm nên doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn sẽ giúp giảm chi phí.

Đặc biệt là niềm tin trên thị trường trái phiếu chưa hoàn toàn phục hồi sau các sự kiện như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh... Vì vậy, có những doanh nghiệp quyết định trả nợ trái phiếu trước hạn và tạm thời không vay nợ trái phiếu dù đang có lãi suất thấp để đảm bảo danh tiếng, thuận lợi cho các đợt huy động vốn sau này.

"Đây là những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp dù có bức tranh tài chính chưa khởi sắc, thậm chí là khó khăn vẫn chấp nhận xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu trong năm 2023", ông Hiếu nhìn nhận.

Vẫn nặng gánh trong năm 2024

Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, ông Hiếu cho biết, trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn lập kỷ lục mới là 238.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022. Hoạt động mua lại trái phiếu có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư, tuy nhiên áp lực đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 vẫn còn lớn và vẫn là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp.

Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 khoảng 310.131 tỷ đồng, trong đó khu vực doanh nghiệp bất động sản và các tổ chức tín dụng có tỷ lệ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trong năm nay, lần lượt là 34,9% và 29,7%.

Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần lưu tâm và phải có hướng xử lý cụ thể trong năm 2024. Trong đó, việc lấy lại niềm tin từ phía nhà đầu tư là điều quan trọng.

"Để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, cần tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý để phát hiện sớm những dấu hiệu thiếu minh bạch, thiếu thông tin, thậm chí lừa đảo từ các nhà phát hành. Cùng với đó, kể từ năm 2024, cần quy định xếp hạng tín nhiệm cho tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kể cả những doanh nghiệp nhỏ", ông Hiếu nói, 

Ngoài ra, các nhà phát hành cũng cần rút kinh nghiệm và bài học từ vết xe đổ. Trước đây, các doanh nghiệp phát hành sử dụng lãi suất và hình ảnh hào nhoáng để hấp dẫn các nhà đầu tư. Hai công cụ này sẽ không còn hữu hiệu trong năm nay vì nhà đầu tư đang trở nên rất thận trọng. Do vậy, các nhà phát hành phải có thực lực, phải chứng minh được năng lực, khả năng trả nợ - đây là vấn đề chính, vấn đề trụ cột trong thị trường trái phiếu thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top