Aa

Đôi điều về Azithromycin

Chủ Nhật, 29/03/2020 - 07:00

Những tia hy vọng tươi sáng trong cuộc chiến của nhân loại với một kẻ thù vô cùng nhỏ bé nhưng cũng vô cùng hiểm độc - Cuộc chiến mà có lúc tưởng như không có lối thoát này.

Nó được coi là kháng sinh thế hệ 3 của nhóm Macrolid. Thế hệ đầu có một thứ thuốc khá quen thuộc với người Việt Nam, đến nay vẫn dùng: Erythromycin, trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp là chính.

Thế hệ hai đông đảo hơn: Spiramycin,Clarithromycin... Cũng dùng để trị viêm nhiễm đường hô hấp nhưng ngoài ra người ta còn dùng phối hợp với các kháng sinh khác để trị viêm răng lợi (Spiramycin với biệt dược Rodogyl), hoặc trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori: Clarithromycin, có mặt trong rất nhiều loại biệt dược thường gồm 3-4 loại kháng sinh khác nhau.

Nhưng đến thế hệ ba của nhóm Macrolid với đại biểu là Azithromycin thì tác dụng đã mạnh và phổ rộng hơn rất nhiều. Nó có tác dụng trên rất nhiều loại vi khuẩn, cả gram âm và gram dương. Và được dùng để trị các căn bệnh do nhiễm khuẩn ở các bộ phận như phổi, phế quản, tai mũi họng, thận, tuyến tiền liệt, đường sinh dục...

Do có bàn tay can thiệp của con người vào cấu trúc hóa học mà Azithromycin có tác dụng mạnh với nhiều loại vi khuẩn, ít độc tố hơn (Ảnh: Internet)

Azithromycin là một kháng sinh bán tổng hợp, khác với thế hệ đầu của nhóm Macrolid như Erythromycin hoàn toàn được chiết xuất từ nuôi cấy vi khuẩn. Do có bàn tay can thiệp của con người vào cấu trúc hóa học mà Azithromycin có tác dụng mạnh với nhiều loại vi khuẩn, ít độc tố hơn, liều dùng cũng thấp hơn và thường bệnh nhân chỉ phải dùng một lần trong ngày, khá tiện lợi. Đặc biệt Azithromycin còn được người ta dùng phối hợp dự phòng sốt rét với một số thuốc trị ký sinh trùng sốt rét khác. Thậm chí có nơi còn sử dụng Azithromycin cho bệnh nhân HIV để đề phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Azithromycin bị cản trở hấp thu bởi thức ăn (tới 50%), nên phải uống lúc đói (trước bữa ăn 1h hoặc sau bữa ăn 2h). Thuốc hấp thu vào máu và phân bố nhiều ở mô phổi, rồi thải trừ qua gan, mật, nước tiểu.

Azithromycin có tác dụng phụ ít hơn hẳn các kháng sinh cùng nhóm Macrolid đời trước. Nó có thể gây tiêu chảy, đau đầu, đau ngực, phát ban... Tuy nhiên các triệu chứng này thường nhẹ và sẽ hết sau một thời gian ngắn cơ thể thích ứng với thuốc. Rất hiếm gặp trường hợp phải xử lý.

Nghiên cứu về dược lực của Azithromycin, người ta cho rằng thuốc này khi vào cơ thể, gặp vi khuẩn bèn xâm nhập và kết dính vào Riboxom (là bộ máy tổng hợp ARN) của chúng và ngăn cản quá trình tổng hợp nên ARN, khiến cho chúng không sinh sôi được và bị hủy diệt.

Như vậy ở đây ta thấy cũng lại có sự tương đồng kha khá về dược lực của hai loại thuốc: Chloroquine cũng tác động vào Riboxom và cản trở quá trình tổng hợp Nucleoprotein (NP) của tế bào vi khuẩn, virus. Mà như chúng ta biết, trong nhân của vi khuẩn, virus có một phức chất cực kỳ quan trọng cho sự tồn tại, sinh sôi nảy nở của chúng, viết tắt là RNP, được tạo thành bởi sự kết hợp giữa NP và ARN:

ARN + NP = RNP

Không có cả NP lẫn ARN, vi khuẩn, virus không tạo được nhân RNP của chúng, chúng sẽ không sinh sôi nảy nở được và bị hủy diệt.

Nhân của coronavirus gây ra dịch Covid-19 hiện nay là một loài chỉ có ARN. (Ảnh: Internet)

Nhân của coronavirus gây ra dịch Covid-19 hiện nay là một loài chỉ có ARN. Hai loại thuốc Azithromycin và Chloroquin đều có ái lực với Riboxom. Mà Riboxom chính là “nhà máy” sản xuất nhân bản ra ARN mới, để tạo ra virus mới. Rất có thể tác dụng tương đồng này giữa hai loại thuốc đã gợi ý cho nghiên cứu thử nghiệm của các nhà khoa học trên thế giới: kết hợp Chloroquine và Azthromycin vào cùng nhau, tạo thành một “khẩu súng” hai nòng, công phá toàn diện quá trình tổng hợp nhân của con virus corona quái ác đang hoành hành trong cơ thể kia.

Tuy nhiên mọi kết quả công bố dù cho thấy khả quan nhưng mới chỉ là bước đầu, sẽ còn nhiều thời gian nữa mới cho ra một phương thuốc hoàn hảo để chống lại dịch bệnh Covid-19. Dù sao đó cũng là những tia hy vọng tươi sáng trong cuộc chiến của nhân loại với một kẻ thù vô cùng nhỏ bé nhưng cũng vô cùng hiểm độc. Cuộc chiến mà có lúc tưởng như không có lối thoát này, đã khiến những người theo chủ nghĩa bi quan nghĩ đến ngày tận thế!

Cánh cửa cho đường hầm tối tăm dịch bệnh trong những ngày này đang dần được hé... (Ảnh: Internet)

Còn chúng ta, những người duy lý luôn tin rằng, cánh cửa này đóng thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Và hình như cánh cửa cho đường hầm tối tăm dịch bệnh trong những ngày này đang dần được hé...

Trên thị trường dược phẩm trong nước, Azithromycin được biết khá phổ biến với các biệt dược như Zithromax 500mg, Azicine 250mg... Các Công ty dược phẩm trong nước như Hậu Giang Pharma, Traphaco... cũng sản xuất nhiều mặt hàng này nên nguồn cung chữa bệnh không thiếu. Thế nhưng cũng phải nhắc lại điều này ở đây không sợ thừa: Tất cả mọi loại thuốc kháng sinh chữa bệnh, dùng thế nào, khi nào, liều lượng bao nhiêu đều phải có chỉ định của bác sĩ và sự tư vấn hướng dẫn cụ thể của dược sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh, đó là nguyên tắc bất di bất dịch.

Cho đến giờ phút này, dịch bệnh Covid-19 đã bao phủ khắp quả địa cầu. Tại nước Việt Nam ta, dù đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận nhưng đây đang là một giai đoạn hết sức căng thẳng, quyết định cho việc chống dịch của nước ta.

Các y bác sĩ, cán bộ nhân viên của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM truyền đi thông điệp ý nghĩa, tiếp thêm hy vọng và cổ vũ mọi người cùng vững tâm vượt qua đại dịch. Ảnh: Thiện Tâm
Các y bác sĩ, cán bộ nhân viên của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM truyền đi thông điệp ý nghĩa, tiếp thêm hy vọng và cổ vũ mọi người cùng vững tâm vượt qua đại dịch. Ảnh: Thiện Tâm
Thông điệp đáng yêu của y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM giữa mùa dịch Covid-19:
Thông điệp đáng yêu của y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM giữa mùa dịch Covid-19: "Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin bạn hãy ở nhà vì chúng tôi". Ảnh: Thiện Tâm
97 sinh viên năm cuối ngành Bác sĩ dự phòng và 27 sinh viên năm cuối hệ cử nhân Y tế công cộng của Trường đại học Y Hà Nội được chuẩn bị sẵn sàng để tham gia hỗ trợ tại tuyến đầu về phòng chống dịch Covid-19.
97 sinh viên năm cuối ngành Bác sĩ dự phòng và 27 sinh viên năm cuối hệ cử nhân Y tế công cộng của Trường đại học Y Hà Nội được chuẩn bị sẵn sàng để tham gia hỗ trợ tại tuyến đầu về phòng chống dịch Covid-19.
Bức tranh của một em học sinh lớp 8 với slogan
Bức tranh của một em học sinh lớp 8 với slogan "Chống dịch như chống giặc" khá ấn tượng - Ảnh: Nguyễn Thông
Tranh của em Lê Thanh Hữu Lộc - lớp 8 với mong muốn Việt Nam và thế giới sẽ luôn đoàn kết và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn! Vì đây là cuộc chiến mà không một ai bị bỏ lại! Ảnh: Dân trí
Tranh của em Lê Thanh Hữu Lộc - lớp 8 với mong muốn Việt Nam và thế giới sẽ luôn đoàn kết và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn! Vì đây là cuộc chiến mà không một ai bị bỏ lại! Ảnh: Dân trí
Tranh của em Nguyễn Đào Kim Xuân, lớp 7 với tác phẩm
Tranh của em Nguyễn Đào Kim Xuân, lớp 7 với tác phẩm "Quyết tâm điều chế vắc xin chống Corona". Ảnh: Dân trí

Mỗi người công dân có trách nhiệm phải luôn đồng hành cùng cả nước chống dịch. 

Mỗi người công dân có trách nhiệm phải luôn đồng hành cùng cả nước chống dịch. Tuân thủ nghiêm túc triệt để các quy định của Chính phủ, làm theo các khuyến cáo tự bảo vệ mình và cộng đồng của ngành y tế.

Ở nhà - Cách ly - Khẩu trang - Rửa tay, đó là những từ khóa mà giờ đây mọi người dân phải thuộc và thực hành thuần thục như những kỹ năng sống thông thường. Cùng nhau thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tin tưởng vào đội ngũ thầy thuốc đang làm tất cả những gì có thể để chống lại dịch bệnh, chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top