Như vậy, đại dịch lại một lần nữa đe dọa và bùng phát và bao người dân lại lâm vào cảnh khó khăn, không chỉ bởi công việc, cơm áo gạo tiền mà còn là sự lây nhiễm dịch bệnh…
Ở Việt Nam, từ cả tháng nay, cả nước thấp thỏm thương lo hướng về miền Nam ruột thịt. Hầu như gia đình nào, người nào cũng sẽ có người nhà, bạn bè đang sinh sống và làm việc nơi này. Từ những vùng từng là rốn lũ như Quảng Trị quê hương tôi, mọi người sốt sắng phát động và chuẩn bị những rau củ để chuyển vào hỗ trợ đồng bào nơi “rốn dịch” miền Nam. Có cụ già, giữa trưa nắng cũng đạp xe mang theo trái bí đỏ vườn nhà để gửi cùng trong chuyến xe cứu trợ.
Khắp mọi nơi, từ Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng,... những đoàn xe nối đuôi nhau Nam tiến, chi viện thêm để động viên tinh thần cho khúc ruột thân thương. Hơn 33 tấn nông sản của bà con huyện Hải Lăng đã được chuyển gửi tặng cho miền Nam. Con số không lớn nhưng với một huyện nghèo của Quảng Trị, đó là sự gửi gắm của biết bao ân tình, biết bao tấm lòng mong muốn được sẻ chia, chung tay trong đại dịch.
Những ngày mùa hè, trời nóng hầm hập như cái lò nung khổng lồ giữa bệnh dịch loang tràn. Nhưng chúng ta vẫn thấy bao y bác sĩ cần mẫn, lặng lẽ, nhiệt huyết và nhẫn nại trong bộ đồ bảo hộ kín bưng để làm nhiệm vụ giữa tâm dịch.
Chúng ta lại thấy cả những người dân, họ không nhất thiết là những người viết một câu có đủ cả chủ - vị, đúng chính tả hay đúng phép xã giao; họ cũng không nhất thiết ăn mặc lịch sự hợp thời, hát một bài chuẩn lời, chuẩn điệu… Nhưng họ có tình thương lớn, có đức hy sinh để xả thân và giúp đỡ mọi người lúc khó khăn...
Các bạn hữu của tôi, có quý thầy, có người xung phong thành tình nguyện viên để dấn thân vào nơi tâm dịch; có người đang là Chủ tịch, Giám đốc cũng viết thư xin “đầu quân” để giúp đỡ đồng bào. Báo Giác Ngộ đến ngày 18/7 đưa tin, có 500 tăng ni, Phật tử đăng ký tham gia tình nguyện ở tuyến đầu phòng chống Covid-19. Các chùa, các quý thầy, quý sư cô khắp mọi nơi đều thao thức mỗi người mỗi phương cách để tìm cách yểm trợ về tinh thần, về sức người, về nhu yếu phẩm cho đồng bào mình. Có người bạn tôi trân quý vô cùng với những cuốn sách "Café sáng cùng Tony" nổi tiếng, anh đã tận tình giúp đỡ Quảng Trị khi lũ bão tràn về phá hủy vừa mới đây thôi và giờ lại đang bận rộn cùng mọi người chuẩn bị những chuyến xe tiếp nối nhau chuyển nhu yếu phẩm và thực phẩm vào vùng dịch.
Chính phủ, Nhà nước cũng nỗ lực không ngừng trước diễn biến của dịch bệnh. Những quyết định, chỉ thị được liên tục điều chỉnh, ban hành. Các bệnh viện dã chiến và khu cách ly liên tục được gấp rút xây mới và hoàn thành; những biện pháp bảo vệ an toàn tối đa cho người dân và đảm bảo nhu yếu phẩm thường xuyên được điều tiết và có những giải pháp linh hoạt để đảm bảo cung cấp cho nhân dân; những cán bộ chiến sĩ đều tích cực làm nhiệm vụ trong dịch bệnh.
Nhiều hình ảnh khiến chúng ta không khỏi tự hào, không khỏi xúc động và ấm lòng; cũng không khỏi cảm thương. Các chiến sĩ mệt ngủ bờ bụi tranh thủ, nằm vạ vật trong giấc ngủ qua loa cho lại sức để thay nhau canh gác những khu cách ly; những chiến sĩ cả ngày nắng lửa ngồi trực để dẹp các khu chợ tạm, chợ cóc nhằm đảm bảo an toàn và bình yên cho xã hội. Thật đáng quý, đáng trân trọng và biết ơn lắm thay!
Cố nhiên, trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát, sẽ vẫn còn đâu đó những phát sinh khó lường và những hạn chế, bất cập nhất thời. Có thể có những anh hùng bàn phím nói điều công kích, điều vô tâm và lãng xẹt lúc này lúc khác; có thể có những nhận định hay quyết định vội vàng và còn nông cạn; có thể có những hành xử còn vụng về...
Nhưng đó là nhất thời. Điều quan trọng nhất chúng ta đã đang nhìn thấy chính là sự xả thân, sự cẩn trọng, sự linh hoạt và hết lòng che chở, đùm bọc, chia sẻ và tìm cách để bình yên qua đại dịch của toàn dân, toàn xã hội. Thế mới thấy, với người Việt mình, trong khó khăn, tình thương, tình đồng bào và đoàn kết sẽ chiến thắng tất cả.
Dịch đã lan tràn và không phải mới hôm qua, tuần qua, hay tháng qua. Nó đã tính bằng năm. Từ năm này qua năm khác. Chính vì sự dai dẳng và khó lường trước diễn biến hiện nay, đặc biệt là khi từ Nam đến Bắc, khắp các tỉnh thành hầu như dịch bệnh đều đã có mặt, chúng ta càng phải cẩn trọng hơn bao giờ hết. Chấp hành mọi chỉ thị, tin tưởng vào Chính phủ là điều quan trọng. Đồng lòng, quyết tâm cũng như ý thức và nâng đỡ, san sẻ để hướng về tâm dịch, bảo vệ bản thân và cộng đồng là điều vô cùng cần thiết để chúng ta bước qua đại dịch.
Hà Nội đang trong những thời khắc chuyển mình khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. Lúc nước sôi lửa bỏng cũng là lúc cần bình tâm, cẩn trọng và sáng suốt. Có định - tuệ để chiến thắng chính mình, sống có ý thức và biểu hiện lòng thương, sự nhiệt thành, đức hy sinh. Chúng ta đang sống trong thời khắc toàn thế giới đầy biến động, đất nước gặp khó khăn. Điều này cũng có nghĩa, chúng ta đang có cơ hội đóng dấu lên chặng đường của lịch sử dân tộc một mốc son đỏ về sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng” của cha ông sẽ được cháu con hôm nay tiếp nối và phát huy một cách xứng đáng và đầy tự hào.
Nguyện cầu vạn cổ anh linh, hồn thiêng sông núi và tiên hiền liệt thánh, tổ tiên ngàn đời che chở và gia hộ, dịch bệnh sớm qua và tất cả mọi người sẽ được bình an!/.