Với sự thận trọng, kỹ lưỡng và trách nhiệm, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội quyết lùi thời điểm thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để đánh giá kỹ tác động chính sách, bảo đảm các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, đặc biệt không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác. Điều này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của ĐBQH.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, việc kéo dài, chưa thông qua Luật Đất đai sẽ gây khó khăn cho người dân: "Chưa thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tôi nghĩ rằng hết sức cần thiết. Tuy nhiên, Luật đất đai phải thông qua trong năm 2023 hoặc là đầu năm 2024 chứ không thể kéo dài được. Kéo dài chừng nào thì sự bất cập trong Luật Đất đai sẽ gây khó khăn, bức xúc cho người dân ngày đó. Cho nên Luật Đất đai chưa thông qua được thì có một cuộc họp bất thường cuối năm hoặc đầu năm 2024".
Đến cuối tháng 12/2023, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã rà soát kỹ lưỡng được 232/265 điều. Sau rà soát, còn 35 nhóm điều, khoản được các cơ quan đã thống nhất tiếp tục sửa đổi, bổ sung. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, trường hợp tổ chức Kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng 1 năm 2024, với khối lượng công việc rất lớn, thời gian rất gấp, việc trình Quốc hội biểu quyết thông qua là rất thách thức.
Hiện có 3 nội dung tiếp tục báo cáo Ủy ban TVQH đề nghị Chính phủ làm rõ hơn cơ sở, có ý kiến chính thức và thiết kế phương án cụ thể: về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung dự án luật này đã qua 3 kỳ họp rồi nhưng vẫn còn nhiều nội dung tiếp tục được cân nhắc. Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét lại các quan điểm và nguyên tắc xây dựng luật. Trong các nội dung lớn, chỉ còn thảo luận về 3 nội dung lớn và một số vấn đề khác. Như vậy, đã có cơ sở để có thể tiến tới trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong Kỳ họp bất thường lần thứ 5 (dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 1/2024).
"Không lùi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) được nữa. Vì Nghị quyết 18 nêu rõ phải cơ bản hoàn thành xong Luật đất đai trong năm nay. Nếu có để lại đến Kỳ họp thứ 7 thì có phải mỗi 2 luật này nữa đâu. Mà Kỳ họp thứ 7 dự kiến thông qua 9 luật. Nếu cộng hai Luật này để thành 11 dự án luật thì còn nhiều nội dung nữa", Chủ tịch Quốc hội nói./.