Aa

Duyên quê quan họ

Chủ Nhật, 26/01/2020 - 06:30

Trong giây phút thiêng liêng của đêm hội xuân, trong miên man của đất trời đang mưa bụi, những câu ca quan họ lả lơi tình tứ ngàn đời nay vẫn thế, vẫn cất lên trong đêm dường như da diết hơn, lắng đọng hơn...

Mùa xuân quê tôi là mùa lễ hội, cũng là mùa của trai gái giao duyên tình tự. Vùng Kinh Bắc xưa, Bắc Ninh nay quê hương tôi, vốn là một miền quê đậm đà chất văn hóa làng xã đồng bằng Bắc bộ. Từ phong cảnh làng xóm với những cây đa bến nước sân đình, bên con đê quanh quanh bờ bến bãi sông. Một kiểu phong cảnh điển hình. Cho đến lời ăn tiếng nói, cách cư xử của người dân cũng vậy, theo kiểu cách chân chất của người nông dân nhưng hình như cũng có pha cả cái sâu sắc, lắng đọng trầm tích văn hóa của vùng đất cổ ngàn đời. Chuyện tình duyên đôi lứa gái trai cũng vậy. Vừa đa tình, lúng liếng nhưng cũng vừa nghiêm ngặt, khuôn phép, gia giáo. Nó giống như sợi dây buộc cánh diều ngày hè no gió, cái lãng mạn đa tình chỉ chực vút lên cao thì bất thần lại bị cái dây khuôn phép níu xuống...

Mở đầu mùa lễ hội Kinh Bắc là hội khán hoa mẫu đơn trên núi Phật Tích, ngày mùng 4 Tết. Hội này gắn liền với truyền thuyết về câu chuyện tình của chàng Từ Thức với nàng tiên Giáng Hương từ trời xuống, mải vui thú cảnh đẹp trần gian đến nỗi vương vào lưới tình của chàng trai hào hoa phong nhã. Để rồi họ cùng nhau dệt nên một câu chuyện tình vô tiền khoáng hậu, vượt qua cả không gian và thời gian... 

Mùa lễ hội Kinh Bắc kéo dài từ đầu giêng đến tận tháng tư âm lịch, “Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu/ Mùng chín đâu đâu thì về hội Gióng.”, ấy mới hết mùa hội xuân. Cứ thế, cả ba tháng mùa xuân, cả vùng làng nào, tổng nào cũng đua nhau mở hội, cũng bày trò vui. Nào khán hoa chọi gà, nào cờ người đốt pháo, nào hát quan họ đối đáp gái trai, cho đến tuồng chèo chầu văn trống quân hầu Thánh cửa đình thâu đêm suốt sáng...

Mùa lễ hội Kinh Bắc kéo dài từ đầu giêng đến tháng tư âm lịch. Ảnh: Internet

Lễ hội mùa xuân Kinh Bắc không hẳn là hội giao duyên, bởi làng nào hội nào cũng hầu như gắn với một sự tích, mà đặc biệt là gắn với một nhân vật lịch sử của làng của nước được thờ làm Thành Hoàng. Thế nhưng bởi hội mở vào mùa xuân, khi mà đất trời chuyển mình thức giấc sau một vụ đông dài giá rét, cây cối nảy lộc đơm hoa, lòng người bỗng dưng cũng phơi phới lạ trước cảnh đẹp đất trời. Và các làng các tổng mở hội ra, như là một dịp nghỉ ngơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ sau một năm lao động vất vả, cần được thư giãn nghỉ ngơi. Và đi lại thăm hỏi bạn bè giao lưu kết nghĩa với nhau cho thêm bền chặt. Họ đến làng nhau dự hội. Và đấy là cơ hội cho trai chưa vợ, gái chưa chồng nhìn nhau, liếc nhau, để ướm lời tình trong như đã mặt ngoài còn e, rồi cất lên tiếng hát: “Yêu nhau đứng ở đằng xa, con mắt liếc lại bằng ba đứng gần...”. Ai không hát được thì mời người lúng liếng một miếng trầu tình, mà ai cầm thì như đã bén duyên ưa. Thế là rồi dần dà nên duyên nhau lúc nào không biết...

Thế nhưng duyên quê không chỉ bén khi đi hội hay đợi đến dịp xuân về. Cái duyên tình của lòng người, của trai trẻ gái lớn thì hầu như chẳng đợi đến mùa nào hay dịp nào theo ước định. Duyên quê còn bén nhau ở những chỗ không ngờ.

Đi làm đồng, hò hát đối đáp vài câu lúc giải lao cho quên phần mệt nhọc, có khi cũng bén duyên.

Một chuyến đò ngang sang chợ bên sông, liếc nhìn nhau một cái thôi rồi cũng có khi thành chuyến đò nên nghĩa.

Một chiều gánh nước bên giếng, tiện tay kéo hộ đôi gầu cũng thành ra lưu luyến.

Nhưng duyên quê xưa thường ý nhị, nhẹ nhàng kín đáo, không dám sỗ sàng, bộc trực cầm tay nhìn thẳng vào mắt nhau như cánh trẻ bây giờ. Kín đáo. Kín đáo ngay từ cả trang phục áo mớ ba mớ bảy khi đi hội đến áo cánh nâu non mỗi khi làm đồng. Nhưng duyên con gái vẫn cứ lồ lộ ra ở eo lưng thon thả, ở cái cổ trắng ngần, ở cái yếm đào mẹ mới mua cho... để chàng về bụng dạ chẳng dằn được nỗi xôn xao. Rồi chàng phải ngỏ lời với mẹ tìm bà mối trong vùng đến đánh tiếng nhắm nhe. Được lời của bên gái rồi thì chàng mới dám qua thăm cửa thăm nhà cho thầy mẹ biết. Rồi là chạm ngõ, ăn hỏi, dẫn cưới, đón dâu, bao nỗi niềm hồi hộp, để đến được đêm động phòng hoa chúc là cả một quãng thời gian dài những hò hẹn nhung nhớ khôn tả. 

Ảnh: Internet

Cái thời gian từ khi bà mối đến nói câu chuyện giới thiệu đến khi lễ cưới xưa ở quê tôi khá dài. Có những đôi hàng mấy năm mới cưới. Và cũng có nhiều đôi sau nhiều năm đính ước ăn hỏi, một ngày kia cô gái bỗng đem trả trầu cau, mối duyên tình coi như chấm dứt. Xưa còn bé tôi chẳng hiểu lắm, bởi vẫn thấy các cụ làng tôi ca dao: “Hỏi vợ thì cưới liền tay/ Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha”. 

Nay lớn lên thì tôi thấy hình như người xưa có lý, bởi cái thời gian từ khi biết nhau cho đến khi cưới chính thức nó phải qua nhiều thủ tục thế, hình như là để đôi trẻ có dịp tìm hiểu tâm sự với nhau xem có phù hợp không, xem những chỗ con người gia cảnh của hai bên có kê được cho nhau không. Hiểu nhau, hợp nhau thì rồi về sống với nhau mới mong đầu bạc răng long. Không hiểu không hợp, những chỗ thấp cao kê mãi chả bằng thì cành cau giải thoát ấy cũng là một sự văn minh...

Nay duyên quê của trai gái làng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc cũng khác xưa rồi.

Nhưng hội làng thì vẫn mở. Làng nào đến mùa xuân cũng có hội. Trai gái vẫn dập dìu. Thế nhưng họ chẳng như cha ông xưa đợi đến đêm hội mới liếc nhau qua bập bùng đuốc hoa. Họ làm quen, tán tỉnh nhau bằng facebook, zalo, messenger... rồi họ hẹn hò đón nhau đi hội bằng xe máy phân khối lớn mà chả phải rụt rè xin phép mẹ cha. Nhưng tôi dám chắc là trong giây phút thiêng liêng của đêm hội xuân, trong miên man của đất trời đang mưa bụi, của những câu ca quan họ lả lơi tình tứ ngàn đời nay vẫn thế, vẫn cất lên trong đêm dường như da diết hơn, lắng đọng hơn... Lúc bàn tay họ xiết chặt vào nhau, thân thể trẻ trung của họ chạm nhau thì trái tim nồng nàn yêu đương của họ cũng sẽ vẫn đập dồn loạn nhịp không khác gì người xưa, xưa lắm nữa đã từng. Ấy là cái hồn của duyên quê Kinh Bắc vẫn chảy suốt trong huyết quản họ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top