Aa

Giá của một ký ức đẹp

Thứ Tư, 25/04/2018 - 06:01

Giá của cái đẹp, giá của sự tử tế không thể và không nên định lượng bằng tiền, bằng vàng, bằng kim cương, bằng biệt thự, ô tô du thuyền đắt tiền… mà phải bằng tình yêu, lòng nhân ái, sự khoan dung, trách nhiệm xã hội vô điều kiện của mỗi thành viên trong cộng đồng.

Tôi nảy ra ý định viết bài này sau khi đọc xong tập tản văn "Chờ bay" của nhà văn Trần Đức Tiến. Vào tuổi 66, ông nhà văn có đủ sự từng trải, những thực tế cuộc đời để suy ngẫm về muôn mặt của cuộc sống. Hơn thế, ông lại là nhà văn nổi tiếng, nhiều thành tựu, mà chủ yếu bạn đọc ghi nhận ở ông một cái nhìn lạnh lùng vào hiện thực, gọi tên, cũng một cách lạnh lùng, những khuyết tật ẩn sâu trong tâm hồn con người. Có thể đó là lý do chính để tờ báo nọ đặt ông giữ chuyên mục cần nhiều sự sắc sảo, tinh tế của người viết.

Có thể nói đó là một chuyên mục thành công về mặt thu hút bạn đọc.

Nhưng tôi lại thích quan tâm đến khía cạnh khác.

Suốt cả tập sách hơn 200 trang, bằng thứ giọng văn tưng tửng rất hóm, nhiều năng lượng, nhiều vốn sống, với một bút pháp vượt qua mọi thể loại, Trần Đức Tiến bay vụt qua đủ thứ nhếch nhác hàng ngày của đời sống, bỏ lại bên dưới đôi cánh ký ức mọi vực sâu và bóng tối, thẳng một lèo về miền tuổi thơ của riêng ông và cũng là của chung những người cùng thế hệ ông. Tại đó, vẫn nguyên vẹn những kỉ niệm đẹp như trong mơ, đủ để ông tha thẩn, trò chuyện một mình, tìm lại những hình bóng của mình còn lưu dấu nơi mỗi con đường, bến phà, dòng sông, khu vườn. Những cánh diều thả lên trời từ ngày thơ bé, vẫn no gió bay mải miết, vẫn đêm ngày nhả ra tiếng sáo mà theo ông chính là âm thanh vọng lên từ đất gửi tới trăng sao, khiến một người già nua vẫn có thể hớn hở như trẻ nhỏ.

Ký ức đẹp trong tâm hồn một đứa bé, ngoài những gì lấy từ thiên nhiên nguyên bản, còn lại không bao giờ là món quà miễn phí.

Đó là sự thức dậy, là tiếng nói của ký ức, thứ sẽ theo chân mỗi cuộc đời cho đến tận điểm mút mà con đường họ phải đi qua.

Tôi bỗng nghĩ: Giả sử như ngày thơ bé ấy, Trần Đức Tiến không được nuôi dưỡng, ấp ủ bởi một gia đình trọng lễ nghĩa, tràn ngập lòng yêu thương và biết sống vì người khác? Giả sử thời hơn nửa thế kỉ trước, khi còn là cậu bé, Trần Đức Tiến không có một miền quê sạch tinh tươm, mà ngập tràn ni lông, các loại rác, nước thải với những cánh đồng trơ ra mầu chết chóc? Nếu như khi cắp sách tới trường, cậu bé Tiến đã phải chứng kiến cảnh học trò bị biến thành món hàng, có thể bị thầy cô bạo hành, đánh đập hoặc ép uống nước giặt giẻ lau, hay cảnh học trò thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với thầy cô, đánh trọng thương bạn bè... Thì chắc chắn sẽ không thể có một nhà văn Trần Đức Tiến với nhiều ưu tư về đạo đức và vẻ đẹp như những gì chúng ta thấy từ các tác phẩm của ông. Có thể lớn lên, cậu sẽ đem theo niềm căm ghét cuộc đời, nghi kị đồng loại và sẵn sàng xổ toẹt tất cả để bay vào bóng tối của tội ác, chìm ngập trong thế giới thù hận và hủy hoại.

Đây không phải là bài giới thiệu sách. Tôi đọc và lọc được thông điệp cho riêng mình từ những trang sách ấy: ký ức đẹp trong tâm hồn một đứa bé, ngoài những gì lấy từ thiên nhiên nguyên bản, còn lại không bao giờ là món quà miễn phí. Nó là quà tặng của các bậc làm cha làm mẹ, làm thầy, làm người lớn cho con em, học trò, gọi chung là thế hệ tương lai của mình. Và muốn có món quà ấy, cần rất nhiều sự hi sinh. Nhiều vô kể!

Giá của cái đẹp, giá của sự tử tế không thể và không nên định lượng bằng tiền, bằng vàng, bằng kim cương, bằng biệt thự, ô tô du thuyền đắt tiền… mà phải bằng tình yêu, lòng nhân ái, sự khoan dung, trách nhiệm xã hội vô điều kiện của mỗi thành viên trong cộng đồng. Bởi vì không gì thiêng liêng và cấp bách hơn việc kiến tạo tương lai cho chính mình.

Vấn đề mà bài viết này muốn nhắm tới, chỉ gói gọn trong đúng một câu: Chúng ta gieo nhân nào, thì sẽ gặt quả ấy. Ngay từ bây giờ, trong mỗi gia đình, làng bản, trường học, trong mong ước của mỗi người và cả xã hội về một tương lai đáng để về già nương tựa, hãy làm tất cả để tặng cho bọn trẻ những thứ có thể xây nên trong tâm hồn chúng một ký ức đẹp. Đấy là thứ vô giá, trong mọi xã hội, mọi thời đại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top