Aa

Giải bài toán nâng chất môi giới địa ốc

Chủ Nhật, 21/04/2024 - 06:10

Khi thị trường và nhu cầu của khách hàng thay đổi, lực lượng môi giới bất động sản cũng cần phải thay đổi theo hướng chất lượng hơn.

Nhu cầu môi giới bán hàng tăng trở lại

Trong hai năm 2022 và 2023, Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (Đất Xanh Services) mạnh tay cắt giảm hơn 3.700 nhân viên môi giới do thị trường bất động sản khó khăn (năm 2022 cắt giảm hơn 2.700 người và năm 2023 là 1.000 người), đưa lực lượng này giảm xuống còn gần 2.300 người.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, Đất Xanh Services có nhu cầu tăng gấp đôi đội ngũ bán hàng lên khoảng 4.000 nhân sự vào cuối quý II/2024 nhằm đón đầu sự phục hồi của thị trường.

Báo cáo cập nhật thị trường bất động sản của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI) cũng cho thấy, nhu cầu về nhân sự ngành bất động sản bắt đầu tăng trở lại khi trong quý I/2024, tỷ lệ doanh nghiệp bất động sản ngưng hoạt động chỉ chiếm 2,9%, thấp hơn nhiều so với mức sụt giảm mạnh 30,2% của cùng kỳ năm ngoái, đồng thời số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 900 doanh nghiệp và số doanh nghiệp quay lại thị trường là hơn 1.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ nhân sự ngành bất động sản quay trở lại với công việc cũng thuộc nhóm ngành phục hồi nhanh nhất, bao gồm cả nhân sự môi giới lẫn nhân sự chuyên môn nghiệp vụ.

Theo ông Phạm Anh Khôi, Thành viên Hội đồng quản trị Đất Xanh Services, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu chuyển biến từ những tháng cuối năm 2023 và dấu hiệu này ngày càng rõ nét hơn khi bước sang năm 2024, thậm chí một số khu vực còn xuất hiện tình trạng hưng phấn cục bộ.

Ông Khôi cho biết, cơ chế hoạt động của Đất Xanh Services khá linh hoạt. Khi thị trường khó khăn, Công ty tiến hành tái cấu trúc để tối ưu hóa nguồn lực và ngược lại, có sự chuẩn bị đồng bộ cả về sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, nguồn nhân lực… khi thị trường hồi phục.

“Hai năm qua, thị trường diễn biến trầm lắng, có đến 70-80% doanh nghiệp môi giới địa ốc phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động nên số lượng môi giới mất việc, chuyển nghề cũng không phải con số nhỏ. Đến nay, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào chu kỳ hồi phục, Đất Xanh Services đang tập trung đẩy mạnh tuyển dụng lại đội ngũ môi giới, đồng thời đa dạng hóa tệp khách hàng, phân khúc sản phẩm và vùng thị trường của mình trên toàn quốc”, ông Khôi cho hay.

Giải bài toán nâng chất môi giới địa ốc- Ảnh 1.

Người làm môi giới là cầu nối giữa sản phẩm và khách hàng. Ảnh: Dũng Minh

Ngoài Đất Xanh Services, nhiều công ty môi giới nhà đất lớn như Vietstarland, Newstarland, Đông Tây Land, DKRA, TeraLand, Cenland… cũng liên tục đăng thông báo tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng ngàn nhân viên để đón đầu đà hồi phục của thị trường. Yêu cầu chung của các doanh nghiệp môi giới không chỉ là có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết thị trường, mà còn cả khả năng kiêm nhiệm nhiều hoạt động, phụ trách nhiều vị trí cùng lúc...

Các chính sách tuyển dụng dành cho đội ngũ môi giới bất động sản hiện được đánh giá có nhiều ưu ái hơn trước. Nghiên cứu từ Đất Xanh Services cho thấy, mức lương cơ bản của môi giới thay vì 4-10 triệu đồng/tháng như trước đây, hiện tăng lên 6-20 triệu đồng/tháng tùy vị trí. Mức thưởng nóng cho nhân viên kinh doanh cũng tăng từ 5-10 triệu đồng/sản phẩm lên 10-25 triệu đồng/sản phẩm.

Sự điều chỉnh này được xem như là cách thức thu hút nhân sự giỏi của các công ty địa ốc trong bối cảnh thị trường có thanh khoản kém, việc thuyết phục người mua nhà chịu “dốc hầu bao” không còn là chuyện các môi giới tay ngang có thể dễ dàng làm được.

“Nắn mình” theo luật

Dữ liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện có khoảng 100.000 cá nhân môi giới đang hoạt động, nhưng chỉ khoảng 40% có chứng chỉ hành nghề, còn lại đều là “tay ngang”, chưa được đào tạo bài bản.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam đánh giá, kinh tế vĩ mô còn tồn tại những yếu tố không chắc chắn, niềm tin của người mua chưa hoàn toàn quay trở lại… là những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản hồi phục chậm. Trong bối cảnh thị trường còn đối mặt với thách thức, không ít doanh nghiệp còn đang chật vật để tồn tại, song cũng có nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho giai đoạn sau khủng hoảng.

Theo ông Quốc Anh, trước đây, việc nhà đầu tư cá nhân ra quyết định mua bán trên thị trường bất động sản vẫn thường theo tâm lý đám đông, dựa trên cảm tính nhiều hơn là thực sự am hiểu thị trường, sản phẩm... Tuy nhiên, hiện tại, sự biến động của cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài nền kinh tế đã làm thay đổi thị trường bất động sản, từ đó tác động lên hành vi mua bán. Theo đó, người mua đã quan tâm nhiều hơn đến pháp lý dự án, tiến độ xây dựng và khả năng hoàn thành cam kết của chủ đầu tư. Chỉ khi chủ đầu tư đáp ứng được mọi yêu cầu thì người mua mới xuống tiền.

Điều này cũng được thể hiện trong quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản 2023, đó là chủ đầu tư phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và đảm bảo hoàn thành tiến độ để mở bán sản phẩm, đồng thời các nội dung liên quan đến đặt cọc cũng chặt chẽ hơn... Do đó, vai trò của môi giới ngày càng trở nên quan trọng trong việc tạo ra sự kết nối hiệu quả giữa người mua và người bán trên thị trường.

Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng quy định, môi giới địa ốc phải có chứng chỉ hành nghề và phải hoạt động trong một tổ chức hoặc phải đăng ký kinh doanh. Điều này góp phần củng cố, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất của người hành nghề, giúp hoạt động môi giới ngày càng theo hướng chuyên nghiệp và chất lượng hơn.

Dữ liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hiện có khoảng 100.000 cá nhân môi giới đang hoạt động, nhưng chỉ khoảng 40% có chứng chỉ hành nghề, còn lại đều là “tay ngang”, chưa được đào tạo bài bản.

Do đó, ông Phạm Lâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc DKRA Group ủng hộ quy định bắt buộc môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, mã số hành nghề. Khi đó, môi giới làm việc qua phòng công chứng phải để lại mã số hành nghề, bởi hiện nay, giao dịch mua bán diễn ra tại phòng công chứng chỉ xuất hiện 3 bên trên văn bản hành chính gồm bên mua, bên bán và phòng công chứng, trong khi môi giới có vai trò liên quan mật thiết lại không xuất hiện.

Mặt khác, việc cấp mã số hành nghề cho môi giới và phải để lại mã số ở mỗi giao dịch giúp theo dõi được thu nhập phát sinh của người hành nghề. Đây là căn cứ để cơ quan nhà nước thuận tiện hơn trong quản lý thuế thu nhập cá nhân của người làm môi giới, hạn chế tình trạng lách thuế, trốn thuế, lừa đảo...

Lãnh đạo một công ty môi giới tại TP.HCM cũng cho rằng, trải qua giai đoạn khó khăn lần này, không chỉ thị trường bất động sản và người mua nhà thay đổi, mà cả đội ngũ kinh doanh cũng cần thay đổi để thích nghi. Do đó, điều doanh nghiệp cần tập trung lúc này là đào tạo một đội ngũ kinh doanh chuyên nghiệp, hiểu biết về thị trường và vững pháp lý, có trình độ, có khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng...

Theo vị này, môi trường khó khăn sẽ thử thách bản lĩnh kinh doanh, nên việc tìm ra các giải pháp vững chắc mới là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tiến lên bền vững. Khi thị trường sàng lọc, doanh nghiệp có cơ hội nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự bằng cách tuyển dụng những ứng viên mới với các tiêu chuẩn tương xứng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top