Aa

Giữa lụt miền Trung, nhớ chuyện Tư Hồng

Thứ Năm, 29/10/2020 - 07:00

Nói đến lịch sử, lại nhớ một câu chuyện xa xưa, cách đây hơn 100 năm, cũng là chuyện lụt bão ở miền Trung với tấm tình chia sẻ và cả sự phiền lòng.

Miền Trung của đất nước đang oằn mình chịu trận trước thiên nhiên. Cả nước dõi theo từng giờ phút. Khắp nơi bảo nhau chung tay góp sức chia sẻ với đồng bào. Nhiều câu chuyện và tấm gương về chia sẻ, về nghĩa đồng bào trong những ngày hoạn nạn. Nhưng cũng có những phiền lòng, băn khoăn…

Lụt chồng lụt, bão đè lên bão, con người càng nhỏ bé, mỏng manh… Người ta nói trận lụt vừa rồi ở miền Trung là lớn nhất trong vòng 20 năm đã qua. Rồi cơn bão số 9 mới đổ bộ vào là lịch sử, cũng là lớn nhất trong vòng 20 năm qua.

Nói đến lịch sử, lại nhớ một câu chuyện xa xưa, cách đây hơn 100 năm, cũng là chuyện lụt bão ở miền Trung với tấm tình chia sẻ và cả sự phiền lòng.

Tung tin giả hay giả mạo kêu gọi cứu trợ là trái với pháp luật và đạo đức - Cần phải nghiêm trị!

Đó là trận lụt rất lớn xảy ra vào năm 1904. Bão vào chồng với lụt trên núi cao dồn nước xuống, làm cả dải đất kéo dài từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế chìm trong biển nước. Nhà cửa sụp đổ, tan hoang, dân tình chết chóc, sau đó là trắng tay cùng nạn đói và dịch bệnh vì bao nhiêu thóc lúa, rau màu, lợn gà, trâu bò đã hòa trong nước lũ với bùn non… Miền Trung hồi đó còn là kinh thành. Vua nhà Nguyễn đã ban chiếu chỉ kêu gọi, người dân cả nước chung lòng đáp lại. Thời ấy, xuất hiện một người đàn bà xinh đẹp và tài giỏi ra tay nghĩa hiệp. Đó là bà Trần Thị Lan, tức cô Tư Hồng.

Tư Hồng, sau bao nhiêu chìm nổi, từ một cô con gái nhà nghèo, đi ở đợ, rất xinh đẹp nên lọt vào mắt ông chánh tổng già góa vợ, rất thần thế, mà phải trốn chạy, rồi mấy lần gá nghĩa, rồi kiên trì làm ăn mà thành đạt. Bà là người lập công ty đầu tiên ở An Nam, dám đấu thầu thành công để phá dỡ thành Hà Nội cũ, lập đội tàu thủy Bắc Nam chở khách, mua thóc gạo để xuất khẩu và cung cấp lương thực, thực phẩm cho các trại lính ở khắp Bắc kỳ. Sẵn có ba tàu thủy chở đầy gạo mua từ trong Nam bộ, trên đường đi ra Bắc thì gặp bão, phải ghé vào tránh, bão xong thì đáp lời vua, Tư Hồng cho luôn đoàn tàu ấy cập bến vào vùng hoạn nạn, phân phát bằng hết cho dân chúng, giúp họ kịp chống lại nạn đói.

Đây không phải là lần đầu tiên làm việc thiện mà cô Tư Hồng đã nổi tiếng từ lâu vì hay cứu đói, phát chẩn cho dân nghèo. Có đợt, cô cho giết hàng chục con bò, chia mỗi suất một cân gạo cùng một lạng thịt bò cấp cho người vùng đói nấu cháo. Rồi cô phát thuốc cho dân vùng dịch bệnh, cô can thiệp với nhà chức trách đòi giảm án hay tha bổng những người vì nghèo đói mà phạm tội…

Sau khi hiến ba tàu gạo cứu đói dân miền Trung, vua Thành Thái đã ban cho Tư Hồng hàm “Ngũ phẩm nghi dân” với biển vàng “Lạc quyên nghĩa phụ”. Sắc phong của vua viết: “Nữ trung phong nhã chi bảo, hồng trần bạt tục, thế thượng vân lôi chi hội, bạch thủ thành gia”, nghĩa là: “Hào hoa phong nhã bậc nhất chị em, đàn bà khác thường, gặp thời mây tuôn sấm dậy, tay trắng nên nhà”. Cùng với đó, vua cũng truy phong cho người cha khốn khổ đã mất của cô sắc “Hàn lâm thị độc”.

Thế nhưng Tư Hồng vẫn không thoát khỏi những điều tiếng, thị phi. Thứ nhất, cô là đàn bà mà dám phá thành cổ của ông cha, mặc dù ai cũng biết, cô không phá thì người khác cũng phá, chẳng thể khác được. Có nhà Nho đã viết như thế này: “Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long/Vượng khí nghìn năm có nữa không/Hai cửa còn trơ hai thánh miếu/Một thành sót lại một hoàng cung/Nhường ngao ngán nỗi công ông Bạch (Mã)/Cũng ghê gớm cho của chị Hồng/Còn biết đâu là nền đế bá/Than ôi! Đệ nhất cảnh Thăng Long”. Thứ hai là người ta đồn thổi chuyện cô hút hồn đàn ông, cô lấy nhiều chồng, trong đó có chồng Tây, thành me Tây.

Việc cô hiến gạo cứu dân, người ta tung ra câu chuyện vì vua cấm chuyển thóc gạo ra Bắc sau bão lụt nên cô đành phải đem cho, để hạ thấp việc làm này. Tại buổi đón sắc phong của vua Thành Thái, quan đốc học Hà Nội gửi tới đôi câu đối chữ Nôm: “Ngũ phẩm sắc phong hàm cụ lớn/Ba thuyền tế độ của bà to”, giọng đầy ẩn ý giễu cợt. Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến thì gửi đôi câu đối chữ Nho: “Có tàn có tán có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh/Nào biển nào cờ sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người”, dưới đó đề ba chữ “chi chi giã”, nói lái thành “cha cha đĩ”. Không chỉ thế, Nguyễn Khuyến còn viết bài ca trù "Đĩ cầu Nôm" để chửi khéo cô.

Cuộc đời của người đàn bà đẹp thuộc vào hàng “Hà Thành tứ mỹ”, lại giỏi giang, nhiều ý chí, sống ân tình, thế mà sau này trở nên bi thảm, chết buồn giữa cô đơn, là do những ác khẩu của người đời, trong đó có cả những người danh giá, được xã hội trọng nể như cụ Nguyễn Khuyến đấy. Thế có buồn lòng không?

Bây giờ, lại nói về những phiền lòng mới xảy ra. Trong lúc tai họa đang thử thách đồng bào, trong lúc người người đang hợp lực lại để chia sẻ hoạn nạn, thì có những người ngồi trước bàn phím tung ra những status dè bỉu lòng nhân của người khác hay cố tình soạn ra những tin giả, rồi lục lọi tìm lấy những tấm ảnh cũ ở những đâu đâu ghép vào nhằm “câu like”… Cá biệt, còn có những kẻ lừa đảo lấy tiền của người khó bằng công nghệ máy tính, rồi tung nick ảo mạo danh để kiếm tiền hay ăn chặn tiền cứu trợ. Bây giờ, chưa điểm lại hết, chưa kịp xử lý hết. Mới có một kẻ bị bắt, mới có một “Huấn hoa hồng” bị răn đe…

Hơn một trăm năm sau câu chuyện Tư Hồng, vẫn còn những kẻ đi ngược lại căn tính của đồng bào. Chúng tạo ra một cơn lũ ngược, một kiểu bão ngược rất nguy hại. Dư luận xã hội rất cần phải lên tiếng phê phán nghiêm khắc và pháp luật phải nghiêm trị đám người này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top