Nghe chuyện thu phí tự động qua các trạm giao thông BOT đã lâu, nhưng phải đến khi trải nghiệm nó, mới thấy nó đúng là… trên cả tuyệt vời. Xin đừng ai vội mắng tôi nhà quê, vì tôi nhà quê chính gốc, khi chuyện bình thường thế có gì đâu mà cũng reo lên! Tôi biết nó là bình thường. Thậm chí, ở những nước mà tôi có dịp qua, nó đã là một phần của đời sống từ lâu, từ nhiều thập kỉ trước.
Nhưng ở ta thì vẫn mới toanh. Thế mới có chuyện để mà nói. Thắc mắc đầu tiên là sao nó hay thế, tiện dụng thế, văn minh thế mà việc triển khai nó cứ chậm dề dề. Chính phủ phải năm lần bảy lượt hết khuyên can, nhắc nhở, gây sức ép, thậm chí dọa phạt, nhà đầu tư mới nhúc nhắc làm từ từ, kéo dài qua nhiều năm. Nhưng có lẽ chuyện đó ẩn chứa bí mật gì đó liên quan đến tiền bạc hay đại loại thế, nên tôi không dám đi sâu lạm bàn. Ngạc nhiên hơn cả lại là từ chính người tham gia giao thông.
Theo một vài khảo khát mới đây, thì hiện mới chỉ có vài chục phần trăm các chủ sở hữu ô tô sử dụng dịch vụ thu phí không dừng? Chuyện này là sao nhỉ? Không phải xếp hàng dài mua vé (hoặc lấy thẻ), không phải bận tâm chuẩn bị tiền trả phí, dừng xe trả phí, lại tránh được nhiều cuộc ùn tắc kéo dài hàng cây số chỉ vì quá tải xe qua trạm BOT. Và thêm cái lợi nữa là nó góp phần tạo thói quen minh bạch cho xã hội.
Ô hay, nhiều cái lợi nhãn tiền thế, cả cho từng cá nhân, cả cho đất nước, mà các chủ phương tiện vẫn dửng dưng? Mà họ, các chủ xe có phải làm gì đâu. Thẻ thì dán miễn phí, ở bất cứ đâu. Tiền thì nạp chỉ trong một nốt nhạc qua hàng chục cách khác nhau. Nghĩa là loại trừ lý do phiền toái. Thế thì còn lý do nào nữa? Nhất định phải có vướng mắc gì mà mình chưa biết. Bởi vì người tiêu dùng thông minh lắm. Họ luôn biết chọn cái lợi nhất cho mình mà không cần bất cứ ai phải dạy bảo.
Hóa ra chỉ là thế này. Bạn nạp tiền vào thẻ, cho dù số tiền không lớn, chỉ từ vài trăm đến vài triệu, là coi như nó cứ nằm “chết” ở đó, chỉ có tác dụng trả phí giao thông mà không thể “lấy ra” tiêu vào việc gì khác. Với các doanh nghiệp vận tải, xe lớn, phí cao, thì tiền nạp vào mỗi lần lên tới cả chục triệu đồng (chả lẽ đi chuyến nào nạp chuyến đó thì cái sự tiện dụng giảm đi nhiều quá).
Mà kinh doanh thì một đồng cũng phải tìm cách để nó sinh lời. Tiền trong nhà là tiền chửa, ra khỏi cửa là tiền đẻ cơ mà, các cụ dạy từ xưa thế rồi. Vì vậy, thôi thì xếp hàng, thôi thì ùn tắc, thôi thì tốn thời gian… nhưng không bị đọng một khoản tiền (với nhiều xe cá nhân, cái sự “đọng” ấy có thể tới hàng năm). Trăm sự khó vẫn loanh quanh vì tiền! Nhưng nếu trách người tham gia giao thông, thì cũng không hẳn đúng. Họ có quyền lựa chọn, một khi cái quyền đó còn được thừa nhận.
Vấn đề ở đây thuộc về người cung cấp dịch vụ, tức người bán hàng. Hãy làm sao để ngoài việc lợi nhãn tiền như đã nói, họ, người tiêu dùng phải có thêm cả chút lợi về tài chính. Chẳng hạn, tại sao không giảm giá cho những người trả tiền qua thẻ, một số phần trăm nào đó?
Tôi tin rằng bên cung cấp dịch vụ, bao gồm nhà đầu tư BOT, nơi phát hành thẻ, các ngân hàng… không hề thiệt. Số tiền đọng trong hàng chục triệu tài khoản, nếu được quay vòng đầu tư kinh doanh, không nhỏ tí nào đâu.
Thêm nữa, nếu tiền nạp thẻ VETC, ngoài để trả phí, còn có thể mua cà phê, đồ ăn nhanh, hàng lưu niệm, phí vệ sinh, thậm chí cả xăng dầu… ở mỗi trạm dừng nghỉ, thì sự hấp dẫn người sử dụng sẽ tăng nhanh lắm, mà lại tạo ra thêm một kênh mua sắm.
Và thêm chút này nữa: Nếu xe qua trạm mà vẫn có thể chạy vèo vèo như trên đường, thì cũng hay hơn, hấp dẫn hơn là cách đóng mở barie hiện nay để chờ máy "check" (kiểm tra) thông tin từ phương tiện, với lý do để chống gian lận (ám chỉ việc ngăn các xe không có thẻ cũng cứ lao qua). Chả thiếu gì cách khiến các chủ xe gian lận phải cạch đến già để không bao giờ gian lận nữa. Việc này các nước có trình độ quản trị tốt đã làm từ lâu lắm rồi.
Mong được lắng nghe.