Aa

"Hai thái cực" trên đường đua bất động sản

Chủ Nhật, 27/04/2025 - 06:30

Sự đối lập trong chiến lược kinh doanh năm 2025 phần nào phơi bày rõ "sức bền" tài chính và bản lĩnh điều hành của từng doanh nghiệp trên đường đua bất động sản đầy biến động. Đây cũng chính là thời điểm để nhà đầu tư sàng lọc, nhận diện những cái tên thực sự đủ lực và đủ tầm để bứt phá dài hạn.

Doanh nghiệp bất động sản phân hóa mục tiêu kinh doanh 2025 

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều biến động và chưa có sự phục hồi đồng đều, sự phân hóa trong định hướng và chiến lược kinh doanh năm 2025 của nhiều doanh nghiệp đang khá rõ ràng. 

Một số doanh nghiệp chọn cách đi chậm, chủ trương thận trọng để bảo toàn nguồn lực. Trong khi đó, một số khác lại chủ động tăng tốc, mạnh dạn đẩy vốn, mở rộng đầu tư và đặt ra những mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng. 

Tiêu biểu trong nhóm doanh nghiệp "tăng tốc", có thể kể đến Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã: KDH). Năm 2025, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt 3.800 tỷ đồng doanh thu và 1.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 16% và 23% so với kết quả thực hiện năm 2024. Trong năm 2024, Khang Điền đã ghi nhận mức doanh thu 3.279 tỷ đồng, tăng mạnh 57% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 810 tỷ đồng, tăng 13% và vượt 3% so với kế hoạch đề ra. Đây được xem là nền tảng tích cực để doanh nghiệp tự tin bước vào năm tài chính mới với định hướng táo bạo hơn. 

Tương tự, Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã: DIG) cũng thể hiện tham vọng lớn trong năm 2025 khi đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 3.500 tỷ đồng - mức cao kỷ lục từ trước đến nay, gấp 2,7 lần so với kết quả thực hiện năm 2024. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế hợp nhất được kỳ vọng chạm mốc 718 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 4,5 lần so với năm trước. Không chỉ dừng ở các chỉ tiêu tài chính, DIC Corp còn lên kế hoạch giải ngân 6.600 tỷ đồng trong năm 2025, tăng tới 152% so với cùng kỳ. Nguồn vốn lớn này sẽ được tập trung cho các dự án trọng điểm, bao gồm Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Long Tân và Bắc Vũng Tàu, đây đều là những dự án được kỳ vọng tạo động lực tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp. 

"Hai thái cực" trên đường đua bất động sản- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp BĐS thể hiện rõ sự phân hóa trong định hướng và chiến lược kinh doanh. (Ảnh minh hoạ)

Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp bất động sản niêm yết lại lựa chọn chiến lược thận trọng, thậm chí chủ động "đi lùi" trong kế hoạch kinh doanh năm 2025. 

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL), lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, doanh nghiệp này đưa ra kế hoạch không lợi nhuận cho năm tài chính 2025. Cụ thể, Novaland xây dựng 2 kịch bản tài chính cho năm 2025. Trong đó, kịch bản thứ nhất kỳ vọng đạt doanh thu 13.400 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ nhẹ 12 tỷ đồng; kịch bản thứ hai thận trọng hơn, với doanh thu 10.400 tỷ đồng và lỗ sâu 688 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù đặt kỳ vọng phục hồi doanh thu sau cú sốc lỗ hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2024, Novaland vẫn chưa thể quay lại đường đua lợi nhuận. Thay vào đó, doanh nghiệp này tiếp tục dồn toàn lực cho quá trình tái cơ cấu toàn diện trong trung và dài hạn. 

Một trường hợp khác là Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã: TDC), dù đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng mạnh gần 140%, lên mức 3.100 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại dự kiến giảm gần 46%, chỉ còn 239 tỷ đồng. Nguyên nhân chính theo TDC, đến từ áp lực chi phí vốn, giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí triển khai dự án gia tăng đáng kể. 

Tương tự, Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành (mã: SZL) cũng đưa ra kế hoạch doanh thu tăng nhẹ, song lợi nhuận sau thuế lại sụt giảm so với năm 2024. Dẫu vậy, doanh nghiệp này vẫn giữ quan điểm đầu tư dài hạn khi lên kế hoạch rót 610 tỷ đồng cho các dự án mới, trong đó gần 202,5 tỷ đồng dành cho xây dựng cơ bản và 376 tỷ đồng cho chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. 

Chọn lọc "cơ hội vàng" từ sự phân hóa thị trường 

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, sự phân hóa sâu sắc trong mục tiêu kinh doanh giữa các doanh nghiệp đã và đang phần nào hé lộ rõ bức tranh "sức khỏe" tài chính, chất lượng quỹ đất cũng như năng lực ứng biến trước biến động. 

Giới chuyên gia nhận định, đây chính là một "bộ lọc tự nhiên" giúp nhận diện những doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, chiến lược rõ ràng và khả năng thích ứng linh hoạt. Khả năng thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp bất động sản là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư chính xác. Những doanh nghiệp có khả năng chuyển mình nhanh chóng trước các biến động của thị trường, từ việc điều chỉnh chiến lược phát triển, thích ứng với những thay đổi trong chính sách vĩ mô đến việc ứng phó với những yếu tố tác động từ kinh tế toàn cầu, sẽ là lựa chọn an toàn. 

Đồng thời, việc lựa chọn phân khúc đầu tư tiềm năng cũng là yếu tố then chốt. Các phân khúc như bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội và khu đô thị tích hợp đang dần trở thành tâm điểm nhờ dư địa tăng trưởng dài hạn và phù hợp với định hướng phát triển hạ tầng đầu tư công. Đây là các "kênh trú ẩn" an toàn cho dòng vốn đầu tư trung và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chưa phục hồi đồng đều.

Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) nhận định, năm 2025 sẽ là dấu mốc quan trọng, thời điểm thị trường từng bước củng cố nền móng cho chu kỳ phục hồi bền vững, dự kiến khởi sắc rõ nét từ năm 2026. Những cú hích từ chính sách tín dụng, giải ngân đầu tư công và phát triển hạ tầng trọng điểm sẽ là động lực giúp thị trường vận hành theo hướng tích cực hơn, song hành cùng tâm lý dần ổn định của nhà đầu tư. 

"Hai thái cực" trên đường đua bất động sản- Ảnh 2.

Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI).

Theo đó, đây được đánh giá là thời điểm "vàng" để những nhà đầu tư bản lĩnh, có tầm nhìn dài hạn triển khai chiến lược "gạn đục khơi trong", chủ động chọn lọc những "hạt giống" tốt - tức những doanh nghiệp có năng lực tài chính lành mạnh, pháp lý minh bạch và chiến lược phát triển dài hạn, bền vững.

"Những doanh nghiệp không vướng nợ xấu, sở hữu nền tảng nội lực mạnh mẽ sẽ trở thành đối tác đầu tư đáng tin cậy trong giai đoạn tới", ông Tiến phân tích. Ngoài ra, yếu tố tầm nhìn cũng đóng vai trò then chốt, bởi chiến lược phát triển của doanh nghiệp cần vượt qua các nhu cầu ngắn hạn để đáp ứng được xu hướng trung và dài hạn của thị trường.

Tuy nhiên, ông Lưu Quang Tiến cũng lưu ý, sự phân hóa thị trường đồng nghĩa với việc rủi ro và cơ hội luôn song hành. Nhà đầu tư cần trang bị kiến thức vững vàng, theo dõi sát sao các chỉ số tài chính, pháp lý và đặc biệt là các chính sách vĩ mô tác động đến thị trường. Đồng thời, cần phải thận trọng và chọn lọc kỹ càng để tận dụng tối đa những cơ hội từ sự phân hóa thị trường này. 

"Thị trường bất động sản năm 2025 sẽ là một "sân chơi" của những nhà đầu tư chiến lược, những người có khả năng đọc hiểu đúng xu hướng và tận dụng các yếu tố hỗ trợ từ chính sách và thị trường. Đây chính là cơ hội để tạo dựng lợi thế, nắm bắt những cơ hội vàng và chuẩn bị cho chu kỳ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2026", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh nhận định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top