Vừa qua, tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời với chủ đề "Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng", Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết chỉ ra, hiện thành phố có gần 60.000 công trình nhà cho thuê với hơn 629.000 phòng cho thuê.
Cụ thể, có hơn 555.000 phòng đáp ứng được tiêu chuẩn, còn lại hơn 74.000 phòng chưa đạt tiêu chuẩn với khoảng 185.000 người đang ở. Trong đó, số lượng phòng chưa đạt chuẩn chủ yếu tập trung ở Quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân và TP. Thủ Đức…
Ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết, khi biên soạn Đề án, Sở Xây dựng nhận thấy có sự tác động, ảnh hưởng rất lớn đối với nhóm đối tượng thuê để ở có diện tích bình quân dưới 4m² sản/người. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sự an toàn cần thiết, tối thiểu cho người thuê trọ và tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất đối với người thuê ở trọ theo mục tiêu của Đề án đã đề ra, việc triển khai thực hiện Đề án là việc làm cấp thiết trong tình hình hiện nay với các tiêu chí an toàn cần thiết tối thiểu.
"Về hướng giải quyết đối với các trường hợp không đạt chuẩn, Sở Xây dựng yêu cầu các chủ nhà trọ cải tạo, sửa chữa để đảm bảo tiêu chí. Đồng thời, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan khi thực hiện các biện pháp xử lý không áp dụng biện pháp cực đoan như tháo dỡ, đóng cửa, tránh gây xáo trộn đời sống dân cư", ông Huỳnh Thanh Khiết nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thông tin thêm, thời gian qua, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất các giải pháp, chính sách để hỗ trợ cho chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ cho thuê trọ, nhằm tạo điều kiện cải tạo nâng cấp nhà trọ đạt chuẩn quy định tối thiểu như hỗ trợ lãi suất về vay ưu đãi, hỗ trợ về tiền điện, nước, các chính sách ưu đãi về thuế…
Liên quan đến vấn đề giải quyết cấp phép xây dựng, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM yêu cầu Sở Xây dựng TP.HCM triển khai đồng bộ và áp dụng các giải pháp mới, công nghệ hiện đại để trong việc quản lý trật tự xây dựng nhằm đảo bảo xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là loại hình chung cư, nhà trọ. Đồng thời, tổ chức thực hiện các Quyết định xử lý vi phạm tồn đọng trên địa bàn theo đúng tiến độ.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cần sớm tham mưu UBND thành phố hướng dẫn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu vực đất quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.
Còn bàn về tình hình vi phạm xây dựng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Ngọc Hải cho rằng, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, bình quân số vụ vi phạm về trật tự xây dựng đã giảm hơn 80%. Theo đó, bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày so với trước.
Để kéo giảm vi phạm trật tự xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Hải cũng khẳng định, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, không để phát sinh các điểm nóng. Ngoài ra, việc cưỡng chế xử lý vi phạm trật tự xây dựng hiện còn một số khó khăn trong áp dụng quy định pháp luật vào thực tiễn; thực tế việc vận động các cá nhân, tổ chức vi phạm khắc phục còn khó khăn.
Thời gian tới, Sở Xây dựng đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, đề xuất ngưng cung cấp điện, nước với các công trình vi phạm. Cùng với đó, đề xuất tăng mức phạt trong lĩnh vực vi phạm xây dựng nhằm tăng cường ý thức chấp hành quy định về quản lý trật tự xây dựng; xây dựng và triển khai hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng và các quận, huyện, TP. Thủ Đức; xây dựng ứng dụng "Sở Xây dựng trực tuyến - App mobile SXD247"; phối hợp UBND các quận, huyện rà soát, thống kê dữ liệu dùng chung đối với các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố; triển khai, gắn mã "QR code" trên giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp./.