Aa

Kỳ 4: Thất vọng về một địa chỉ khoa học hàng đầu

Mai Đình Toàn
Mai Đình Toàn thuongtruhue@gmail.com
Thứ Ba, 30/08/2022 - 06:09

Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế là một địa chỉ đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng về khoa học nông lâm nghiệp hàng đầu miền Trung nhưng tại đây hiện đang có hàng chục héc-ta đất bị sử dụng lãng phí.

Lời tòa soạn:

Công nghệ cao (CNC) là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Luật Công nghệ cao có hiệu lực đã 14 năm, xác định nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được chú trọng ứng dụng CNC và các giải pháp, chính sách kèm theo đã được luật hóa. Trong đó bao gồm tiêu chuẩn để hình thành doanh nghiệp ứng dụng CNC và những ưu đãi kèm theo; khâu chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; phòng, trừ dịch bệnh; trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC; phát triển dịch vụ CNC phục vụ nông nghiệp…

Trên thực tế ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay với các mô hình, những vùng, khu nông nghiệp ứng dụng CNC (sau đây gọi tắt là NNCNC). Đã 14 năm trôi qua, nhưng cả nước vẫn bị xé lẻ, “vỡ vụn” khi chưa có một quy hoạch tổng thể về NNCNC. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp tại phần lớn các địa phương bị cắt gọt, “bóp nhỏ dần kế hoạch sử dụng đất” để hình thành các khu đô thị, bất chấp những cảnh tỉnh của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách…

Mặc dù NNCNC chưa mang lại hiệu quả, chưa tạo ra các chuỗi liên kết giá trị, mô hình nổi bật nhưng không ít tỉnh, thành phố lại tiêu tốn ngân sách khá lớn cho việc ứng dụng hay triển khai các nhiệm vụ, đề tài về nghiên cứu, ứng dụng NNCNC. Bên cạnh một số ít doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xông pha, đi đầu ứng dụng CNC vào nông nghiệp thì phần lớn các tỉnh, thành phố vẫn loay hoay trong việc lựa chọn mô hình, khu vực và vùng nông nghiệp ứng dụng CNC để tạo sản phẩm đạt các tiêu chí như chủ trương của Đảng và Nhà nước. Không chỉ thế, việc triển khai không đầu không cuối, không thiết thực đã nảy sinh tình trạng “xí phần” trong ngân sách về nghiên cứu khoa học ứng dụng CNC nói chung và NNCNC nói riêng.

Trên tinh thần nghiên cứu, phản biện, Reatimes khởi đăng loạt bài về Bất động sản nông nghiệp - NNCNC, trong đó nêu lên những thực trạng, góp ý và đề xuất của nhà quản lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển bền vững NNCNC hiện nay.

Mong muốn thông tin những tiến bộ, thành tựu trong nghiên cứu khoa học về nông nghiệp, lâm nghiệp tới độc giả, PV Reatimes đã tìm hiểu và tìm đến một số cơ sở nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học, cơ sở thực hành đầu tư tiền tỷ từ ngân sách tại Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế. Tuy nhiên, thực tế khá thất vọng...

Nông dân tận dụng từng mét đất ven tường của cơ sở Trường Đại học Nông Lâm Huế tại Tứ Hạ, thị xã Hương Trà để sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Mai Đình Toàn)

Cỏ dại um tùm là để... sinh viên học tập?

Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế là địa chỉ tập trung trí tuệ về nghiên cứu khoa học nông, lâm nghiệp hàng đầu hiện nay tại miền Trung nói chung và Huế nói riêng. Ngoài cơ sở chính đóng tại đường Phùng Hưng, TP. Huế, trường có 4 cơ sở khác bên ngoài nhằm phục vụ nghiên cứu, thực hành cho cán bộ và nâng cao tay nghề cho sinh viên nhà trường.

Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp thuộc Khoa Nông học nằm tại địa bàn phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (gọi tắt là trung tâm) là một cơ sở được Nhà nước giao đất cho nhà trường phục vụ mục đích nêu trên trong hàng chục năm qua. Cơ sở này có diện tích 18ha, xung quanh trung tâm hầu hết là đất nông nghiệp trồng lúa, rau màu của nông dân địa phương.

Vào đầu tháng 6/2022, thời điểm PV đến tìm hiểu thì nơi đây là địa điểm mà cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường đã, đang nghiên cứu thực hành một số đề tài khoa học về cá koi, cây atiso, dưa lưới, cây thanh trà, ốc bươu đen... Ngoài ra, lãnh đạo trung tâm cho biết, tại đây có một khu hồ tự nhiên khá lớn trong khuôn viên đang dự kiến triển khai mô hình du lịch sinh thái phục vụ cộng đồng; thu hoạch một số sản phẩm của các đề tài nghiên cứu mới như lúa hữu cơ, ngô, đỗ tương. Bên cạnh đó, trung tâm đang tiếp tục liên kết với doanh nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ, xây dựng mô hình lúa hữu cơ...

Cây trồng còi cọc, khô héo cùng với cảnh hoang hóa sau các đề tài nghiên cứu, đào tạo tại cơ sở của Trường Đại học Nông Lâm Huế tại Tứ Hạ, thị xã Hương Trà. (Ảnh: Mai Đình Toàn)

Đáng chú ý, khác với hình dung và trí tưởng tượng của PV trước khi tìm đến địa chỉ này, tại đây các hạng mục thiết bị phục vụ cho học tập nghiên cứu, ứng dụng đều bị gỉ sét; một khoảng không gian rộng lớn nhưng không có sự hiện diện của các mô hình trình diễn hay công trình khoa học kiểu mẫu nào. Thay vì trở thành điểm đến của các nhà quản lý, nông dân hay lãnh đạo chính quyền các địa phương đến học tập, nghiên cứu trau dồi kiến thức, phần lớn diện tích của trung tâm này cỏ mọc um tùm; một số khu nhà màng, nhà lưới chỉ còn những khung sắt, mái lợp nằm phơi nắng giữa vùng cỏ dại.

Tại khu nhà lưới, qua kẽ hở vải che chắn bên ngoài, PV thấy được bên trong là những cây trồng đang có dấu hiệu khô héo cùng với cỏ dại bao phủ, nhiều giống cây trồng còi cọc, nhiều hạng mục thiết bị phục vụ cho học tập nghiên cứu, ứng dụng xuống cấp trầm trọng...

Khi PV hỏi lãnh đạo trung tâm về việc vì sao có những loài cây trồng thân gỗ nhiều năm tuổi chết khô, cằn cỗi, cỏ mọc um tùm, thì được giải thích “đó là những loài cây từng là đối tượng nghiên cứu của các đề tài khoa học trước đây, sau khi hoàn thành nghiệm thu đề tài thì chúng tồn tại như thế”.

Theo quan sát của PV Reatimes, gần 18ha tại cơ sở nói trên hầu hết được xây tường rào cao, xung quanh là ruộng lúa, đất nông nghiệp của người dân canh tác. Trong khi diện tích đất của trường rơi vào cảnh hoang hóa, đầy cỏ dại thì bên ngoài, người nông dân Tứ Hạ lại thiếu đất sản xuất nên phải tận dụng từng mét đất ngay bên tường bao bọc của trung tâm để trồng rau màu, khoai, sắn, đậu (đỗ), vừng...

“Nhà tôi hiện đang ở khu vực 4, phường Tứ Hạ. Thời gian trước, họ thu hồi đất của nhà tôi rồi giao cho nhà trường. Bà con ở đây nhiều người cũng đã nhường đất cho trường để phục vụ giảng dạy nghiên cứu. Tuy nhiên những năm gần đây, xảy ra tình trạng bỏ hoang đất, cỏ dại mọc um tùm nên người dân đã kiến nghị xin lấy đất lại hoặc cho nông dân chúng tôi sử dụng kẻo lãng phí đất. Nhưng Nhà nước chưa đồng ý vì họ nói đất đó đã giao cho trường rồi”, vợ chồng ông Hương, nông dân ở khu vực 4, phường Tứ Hạ - người nhiều năm tận dụng đất trồng rau màu ven tường của Trung tâm Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp thuộc Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm Huế bộc bạch.

Mang những tâm sự của người nông dân Tứ Hạ chia sẻ với PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế thì được biết, không có việc đất đai Nhà nước giao cho nhà trường tại các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy, thực hành bị bỏ hoang, mà thực tế luôn đảm bảo mục đích sử dụng đất; các cơ sở đều phát huy được mục đích là đào tạo tay nghề cho sinh viên, nghiên cứu khoa học... Thông thường, cán bộ, giảng viên nhà trường được tạm giao đất để triển khai các đề tài nghiên cứu; sau vài năm sẽ trả lại cho nhà trường để trường giao lại cho người khác.

“Làm nông nghiệp có mùa vụ nên có những điều có thể PV thấy vậy nhưng không hẳn như vậy. Thật sự nhà trường sử dụng đất khá tốt và đúng mục đích... Chúng tôi khẳng định đó không phải là đất nông nghiệp mà là đất phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục đào tạo. Chẳng hạn có những môn học về cỏ dại thì sinh viên cần biết về nhiều loại cỏ khác nhau. Khu đất có nhiều cỏ dại mà mọi người vẫn thấy là để cho sinh viên nhận biết các tác nhân gây bệnh...”, PGS.TS. Trần Thanh Đức quả quyết.

Gần 40ha chỉ có một mô hình CNC của nước ngoài?

Trường Đại học Nông Lâm Huế cho biết, trường có một cơ sở chính tại đường Phùng Hưng (6,7ha) và 4 cơ sở trực thuộc nằm bên ngoài thuộc phường An Tây, TP. Huế (UBND tỉnh giao hơn 7,2ha, bị lấn chiếm hiện còn quản lý hơn 1,15ha); 1 cơ sở tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (4,48ha); 1 cơ sở thuộc phường Hương Vân và 1 cơ sở tại thị trấn Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (gần 40ha). Phần lớn các cơ sở của trường đều được Nhà nước giao đất từ cách đây hàng chục năm.

Thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp tại cơ sở nghiên cứu, thực hành, ứng dụng của Trường Đại học Nông Lâm Huế. (Ảnh: Mai Đình Toàn)

Lãnh đạo nhà trường khẳng định, ngoài giảng đường, phòng thí nghiệm được xác định là địa bàn học tập, nghiên cứu thì 4 cơ sở ngoài trụ sở chính của trường đều có vai trò quan trọng trong việc đào tạo, thực hành, nghiên cứu, nâng cao tay nghề cho các kỹ sư tương lai trên các lĩnh vực như: Cây rừng, chăn nuôi, trồng trọt, nông học, thủy sản, thực hành đo vẽ bản đồ... Cùng với đó, các cơ sở này cũng là nơi triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng của cán bộ giảng viên nhà trường, một số địa chỉ còn cung ứng dịch vụ nông nghiệp, cây giống, con giống phục vụ thị trường nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản...

PV Reatimes đã tiếp tục tìm hiểu cơ sở thứ 2 của Trường Đại học Nông Lâm Huế ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà. Đó là cơ sở được giao đất sử dụng để đào tạo, học tập từ những năm 1980. Năm 2011, Viện Nghiên cứu phát triển (Viện NCPT) - đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ (trực thuộc Trường Đại học Nông Lâm Huế) - đã được giao quản lý khu đất và bắt đầu có những chương trình, kế hoạch đầu tư trọng điểm.

Theo đó Viện NCPT có mục tiêu “huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; triển khai các hoạt động sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các dịch vụ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường”; cung cấp vật liệu (cây trồng, gia súc, gia cầm, động vật thủy sản, lâm sản…) phục vụ thực hành, thực tập cho các môn học theo kế hoạch của các đơn vị; xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường, các mô hình xử lý chất thải nông nghiệp hiệu quả; cung cấp các dịch vụ chuyên ngành, tư vấn kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực nông thôn, môi trường, quản lý tài nguyên và biến đổi khí hậu.

Khu chăn nuôi công nghệ cao của doanh nghiệp Thái Lan trong cơ sở giáo dục của Trường Đại học Nông Lâm Huế tại phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Mai Đình Toàn)

Tháng 6/2022, PV Reatimes tìm đến Viện NCPT - một khung cảnh khá vắng lặng, thiếu vắng cán bộ, giảng viên, sinh viên. Được biết, cơ sở này được Nhà nước giao khoảng 38ha để sử dụng lâu dài, trong đó có khoảng 25ha là cây rừng hỗn loài, phần còn lại là hạ tầng đường, nhà làm việc, học tập, ao hồ vườn ươm... Đến nay, đã có khoảng 25 tỷ đồng được dùng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng tại địa chỉ này.

Đáng chú ý, trong khuôn viên của cơ sở có 2ha dành cho khu chăn nuôi lợn CNC của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (doanh nghiệp Thái Lan). Khu chăn nuôi nằm lọt thỏm và biệt lập giữa khu rừng, đây là mô hình hợp tác giữa Trường Đại học Nông Lâm Huế với doanh nghiệp ứng dụng CNC. Theo đó, Trường Đại học Nông Lâm Huế đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sau đó Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đến triển khai việc chăn nuôi lợn và hoàn toàn làm chủ công nghệ (chủ yếu sản xuất giống hậu bị). Đây được xem là mô hình nhằm phục vụ việc sản xuất của doanh nghiệp kết hợp với việc học tập, nghiên cứu của sinh viên, cũng là điểm sáng duy nhất giữa khu đất gần 40ha. Mặc dù công suất của khu chăn nuôi chỉ khoảng 3.000 con lợn mỗi năm nhưng đây cũng là địa chỉ “công nghệ cao” duy nhất trên khu đất gần 40ha.

ThS. Ngô Mậu Dũng, Viện trưởng Viện NCPT cho biết, cơ sở vật chất cũng như nông trại là để phục vụ cho nghiên cứu đào tạo nên hiệu quả kinh tế không cao. Tại viện cũng từng có trại nuôi bò quy mô lớn, chuồng trại hiện đại nhưng bị thua lỗ nên bỏ; cũng từng có việc sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng nhưng không cạnh tranh nổi với thị trường bên ngoài nên cũng không thực hiện nữa mà chủ yếu là phục vụ nghiên cứu thực hành cho sinh viên.

Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, Viện NCPT cũng làm việc với một doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư nhưng họ muốn có được diện tích 10ha trở lên để trồng cây ăn quả bằng công nghệ của Úc và đây là mô hình thí điểm cho khu vực miền Trung. Tuy nhiên, do tính chất là đất và rừng trồng để nghiên cứu, học tập nên không thể giao đất để doanh nghiệp trồng cây ăn quả, dẫn đến dự án bị huỷ bỏ.

Hàng chục tỷ để “nghiên cứu”, hiệu quả về đâu?

Trường Đại học Nông Lâm Huế tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp II, là trường đại học đào tạo lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp hàng đầu trong cả nước. Trường có sứ mệnh là “đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học - công nghệ tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển”.

Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, trường đã có những đóng góp lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng, phát triển nền nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Những cây trồng còi cọc, héo hon trong nhà màng của một đề tài nghiên cứu tại cơ sở của Trường Đại học Nông Lâm Huế ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà. (Ảnh: Mai Đình Toàn)

Trường Đại học Nông Lâm Huế cũng là cơ sở giáo dục thuộc Đại học Huế được Nhà nước giao đất với diện tích lớn bậc nhất để phục vụ cho công tác đào tạo, thực hành, nghiên cứu và trình diễn mô hình, thí nghiệm đề tài khoa học. Thế nhưng, những gì mà cơ sở giáo dục này cống hiến lại không được như kỳ vọng, thậm chí có những dấu hiệu lãng phí tài nguyên đất, ngân sách...

Trao đổi với PV Reatimes, PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế cho biết, nhà trường có quy mô đào tạo hàng năm khoảng 4.000 sinh viên, trong đó 3.800 sinh viên chính quy và 200 sinh viên sau đại học, nghiên cứu sinh. Trường có 115 tiến sĩ, trong số đó có 42 người đã được phong hàm giáo sư và phó giáo sư.

Nhà trường có 25 ngành đào tạo đủ các lĩnh vực ngành nông, lâm, ngư, nghiệp, tài nguyên môi trường, đất đai, phát triển nông thôn... đặc biệt là đào tạo đại học nông nghiệp công nghệ cao là một ngành mới của nhà trường. Trong số các ngành đào tạo, trường cũng có nhiều ngành mang tính ứng dụng công nghệ như: Thiết bị không người lái phục vụ đo đạc đo vẽ bản đồ, phun thuốc trừ sâu, quản lý tài nguyên rừng, lĩnh vực canh tác công nghệ cao trong nông nghiệp như thủy canh, nghiên cứu các chế phẩm xử lý bệnh hại cây trồng, nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm sạch an toàn, công nghệ cao.

Ngoài chức năng đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm Huế còn có sứ mệnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cho các địa phương, vùng miền trên cả nước với nhiều lĩnh vực về nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên môi trường, công nghệ thực phẩm... Theo đó, nhà trường thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp Đại học Huế; liên kết các dự án nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế xã hội trên các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên môi trường, phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung.

Trong 5 năm vừa qua (2016 - 2021), cán bộ, giáo viên Trường Đại học Nông Lâm Huế đã tham gia thực hiện 631 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 7 nhiệm vụ quốc gia, 17 đề tài cấp bộ; 22 đề tài Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia); 48 đề tài nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh (7 nhiệm vụ khoa học của tỉnh Thừa Thiên - Huế; 15 nhiệm vụ tại Quảng Ngãi; Quảng Nam 8 nhiệm vụ, Quảng Trị 5 nhiệm vụ, Quảng Bình 4 nhiệm vụ, Gia Lai 5 và Hà Tĩnh 1 nhiệm vụ, tất cả đều thuộc các ngành nghề của 7 khoa có tại trường như: Công nghiệp thực phẩm, tài nguyên môi trường, phát triển nông thôn, quản lý đất đai, bảo quản chế biến, nuôi trồng thủy sản...); 85 đề tài cấp Đại học Huế; 164 quy trình khoa học công nghệ. Tổng kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học là 85 tỷ đồng. Hầu hết những đề tài, công trình này đều được nghiệm thu, chuyển giao cho các địa phương, cơ sở sản xuất. Ngoài ra mỗi năm nhà trường có trên 60 bài báo xuất hiện trên các tạp chí có uy tín của thế giới. “Chúng tôi tự hào là một trong những ngôi trường có đề tài ứng dụng trong thực tế nhiều nhất Đại học Huế”, PGS.TS. Trần Thanh Đức cho biết.

Cũng theo PGS.TS. Trần Thanh Đức, trong các trường của các địa phương trên cả nước, Đại học Nông Lâm Huế có nhiều chương trình hợp tác nhất. Cụ thể là tham gia đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh, đề án về nông nghiệp hữu cơ; hợp tác với Sở Khoa học Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường trong các dự án, đề tài; trường cũng được ghi nhận qua những giải thưởng sáng tạo về khoa học kỹ thuật của tỉnh, giải thưởng Cố đô; các huyện cũng nhận nhiều tư vấn từ nhà trường... Bên cạnh đó, nhà trường cũng đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp về khoa học, công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Chế phẩm từ trầu - Bokashi phục vụ phòng trị bệnh cho tôm cá (hơn 10 năm trước), một số chế phẩm trị bệnh cho cây tiêu, cây trồng khác và gia súc gia cầm, đối tượng thủy sản; một số quy trình về làm thức ăn cho gia súc; kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao trong trồng dưa lưới, mô hình chăm sóc cây trồng tự động trong nhà (điều khiển qua điện thoại).

Với số lượng lớn các công trình nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiêu tốn hàng chục tỷ đồng đã được thực hiện trong các lĩnh vực nêu trên, nhưng thực tế hiện nay miền Trung thiếu vắng nhiều mô hình sản xuất NNCNC, nông nghiệp hữu cơ bền vững, kể cả những địa phương là “vùng trũng” lĩnh vực NNCNC, trong đó có Thừa Thiên - Huế - vốn là nơi có Trường Đại học Nông Lâm Huế và nhiều trường đại học khác hoạt động.

Liệu rằng có phải những đề tài mà giảng viên, cán bộ sau khi nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng bàn giao cho các địa phương, sở ngành, đối tác và nhận kinh phí thực hiện xong là hết trách nhiệm, không chịu trách nhiệm khi hiệu quả kém? Về vấn đề này, PGS.TS. Trần Thanh Đức nói rằng, họ đều “có trách nhiệm”, tuy nhiên thời gian theo dõi bao lâu là tùy đề tài, tùy nhiệm vụ.

“Tôi nghĩ không hẳn cái gì cũng áp dụng CNC vì còn liên quan đến môi trường, dịch bệnh... mà còn cần xem các phân khúc thị trường phát triển như thế nào mới hợp lý. Chẳng hạn ở Huế thì chú trọng về nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và không phải chạy theo số lượng lớn. Có khi Huế chú trọng gìn giữ những loài cây trái, vật nuôi quý có tính sản vật cần bảo tồn cũng sẽ là hướng đi cần tính toán lựa chọn”, PGS.TS. Trần Thanh Đức nói thêm./.

Trường Đại học Nông Lâm Huế cho biết, giai đoạn 2015 - 2022, nhà trường đã có 25 đề tài chuyển giao thành công các quy trình công nghệ cho các địa phương và doanh nghiệp; 65 quy trình công nghệ đã được áp dụng, chuyển giao và 126 quy trình công nghệ đã được hoàn thiện, có khả năng chuyển giao để áp dụng trong thực tiễn.

Thông qua các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, nhà trường đã tiến hành thương mại hóa, xây dựng sản phẩm có thương hiệu như: Trà hoa Sen Huế, măng muối chua, nấm sò, nấm vân chi, giống cá dìa, hoa chuông và mô hình hoa hướng dương kết hợp du lịch nông nghiệp, phân bón hữu cơ HUAF, dưa lưới HUAF…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top