Aa

Kỳ cuối: Loay hoay tìm hướng phát triển bền vững

Chủ Nhật, 28/05/2023 - 06:06

Sự hồi sinh của du lịch và xu hướng du lịch sinh thái cộng đồng dẫn đến sự bùng nổ nhiều mô hình với đa dạng sản phẩm du lịch đã và đang gây ra nhiều tác động tiêu cực.

LTS: Thời gian qua, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một hướng phát triển mới tại khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tìm đến những địa điểm gần gũi với thiên nhiên để trải nghiệm. Nhu cầu lớn kéo theo nguồn cung phong phú, nhiều mô hình du lịch sinh thái với quy mô, đa dạng loại hình khai thác được triển khai, thu hút lượng lớn du khách. Trong đó, nhiều mô hình được xây dựng trên những giá trị cảnh quan tưởng chừng như đã quá quen thuộc với mọi người, tạo ra sức hút và mang lại nhiều giá trị về kinh tế. 

Reatimes xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về Bất động sản du lịch sinh thái đa dụng - một mô hình phát trển kinh tế tại vùng nông thôn.

Suối Lương bị tàn phá để làm... du lịch sinh thái. (Ảnh: Nhân Nghĩa)
Suối Lương bị tàn phá để làm... du lịch sinh thái. (Ảnh: Nhân Nghĩa)

Hoạt động trái phép, thiếu sự quản lý, thiếu cơ chế chính sách làm kìm hãm sự phát triển… là những khó khăn hiện hữu, cần tìm những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới nếu muốn những mô hình, xu hướng du lịch này vừa tạo ra giá trị cho địa phương, vừa phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường.

Du lịch tự phát và những hiểm họa…

Thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến xây dựng trái phép tại nhiều điểm du lịch tàn phá giá trị cảnh quan thiên nhiên để thu hút du khách. Tháng 3/2023, tại Khu du lịch sinh thái suối Lương (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) có hơn 10 điểm, khu du lịch tự phát mở cửa đón du khách tới vui chơi, tắm suối, và chụp ảnh. Ở những điểm du lịch này, các hộ kinh doanh đã xây dựng, chặn dòng chảy của suối Lương, tạo thành các hồ nước để phục vụ kinh doanh du lịch.

Ông Hà Thúc Nhơn, Chủ tịch UBND phường Hoà Hiệp Bắc cho biết, khu vực suối Lương có tổng cộng 11 điểm du lịch tự phát và 1 khu du lịch được UBND TP. Đà Nẵng cấp phép là Khu Du lịch sinh thái suối Lương thuộc Công ty Cổ phần Danatol. Việc các khu và điểm du lịch thực hiện chặn dòng suối Lương là sai quy định. Phường đã kiểm tra và phát hiện có tình trạng khu du lịch, hộ kinh doanh tự ý xây dựng đập ngăn dòng chảy suối Lương. UBND phường Hòa Hiệp Bắc đã có đề nghị Công ty Cổ phần Danatol và các hộ kinh doanh khác chấp hành việc tự giác tháo dỡ toàn bộ các công trình ngăn suối tại khu vực suối Lương.

Chia sẻ thêm, ông Nhơn cho rằng, khu vực Suối Lương là nơi có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện đang vướng nhiều những quy định cũ nên rất khó trong việc quản lý. Để tránh tình trạng lãng phí tài nguyên du lịch, phường đề nghị chính quyền các cấp có chủ trương giao về cho địa phương quản lý để phát triển du lịch tại đây.

Vẫn cần cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nông nghiệp.
Vẫn cần cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nông nghiệp.

Ngoài việc tự phát trong xây dựng, phát triển mô hình kinh doanh du lịch thì tự phát trong các tour du lịch cũng đang là nỗi trăn trở lớn của nhiều địa phương. Xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thời gian qua nổi lên như một địa điểm du lịch sinh thái với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, thu hút lượng lớn du khách đến trải nghiệm. Tuy nhiên, ngoài những điểm du lịch đã được cấp phép, được đầu tư thì vẫn còn nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm tại những điểm tự phát.

Theo ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, trên địa bàn xã có nhiều khu vực sông suối, nhiều nơi phong cảnh đẹp được những đoàn du lịch lựa chọn để cắm trại, giải trí theo hướng tự túc. Những địa điểm đó thường là những bãi bồi ven sông, ven suối, thậm chí có nhiều điểm nằm sâu trong rừng, cách xa khu dân cư làm cho công tác quản lý của chính quyền có phần khó khăn.

Theo ông Hồ Phú Thanh, với đặc điểm thời tiết của vùng núi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể lường trước, đặc biệt là những khu vực ven suối, ven sông vào ban đêm. Lực lượng chức năng của xã hàng ngày đều thực hiện tuần tra, nhắc nhở các đoàn du lịch về giờ giấc, yêu cầu không lưu trú trái quy định, tránh các nguy cơ về mất an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, với đặc điểm địa bàn rộng, di chuyển khó khăn nên cũng gây ra rất nhiều khó khăn đối với các lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ du lịch tự phát cũng hiện hữu. Nhiều đoàn du lịch tự phát thường vứt rác bừa bãi tại khu vực cắm trại, vui chơi giải trí, gây nên sự mất mỹ quan và ô nhiễm. UBND xã Hòa Bắc thường phải vận động người dân cùng lực lượng của xã đến thu gom rác thải, đảm bảo cảnh quan tại địa phương.

Vẫn cần cơ chế…

Trong giai đoạn 2020 - 2021, xã Hòa Bắc đón nhận khoảng 5.000 - 7.000 lượt khách/năm, con số này đã tăng lên nhiều lần trong năm 2022 với khoảng 25.000 - 30.000 lượt khách/năm. Đặc biệt, trong tuần lễ du lịch Hòa Bắc 2023 (từ ngày 25/4 - 1/5), hơn 15.000 lượt khách đã đến với Hòa Bắc, doanh thu ước đạt gần 5 tỷ đồng. Với những con số nêu trên, có thể thấy được sức hấp dẫn ngày càng lớn của du lịch sinh thái cộng đồng tại Hòa Bắc là như thế nào. Tuy nhiên, nếu muốn sự phát triển đó mang tính bền vững, khai thác hiệu quả được mọi thế mạnh thì vẫn cần nhiều cơ chế chính sách.

Ông Hồ Phú Thanh cho rằng, cần có nhiều cơ chế giúp cho người dân địa phương phát triển các mô hình du lịch tại Hòa Bắc. Thực tế thì UBND xã đã có nhiều kiến nghị đến UBND huyện Hòa Vang về vấn đề này. Đơn cử như các khu đất ven sông, ven suối thuộc diện quản lý của Nhà nước, có thể có chính sách cho phép người dân địa phương sử dụng để phục vụ khai thác du lịch, vừa hạn chế được hình thức du lịch tự phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình phục vụ du lịch trên đất nông nghiệp vẫn phải mang tính chất tạm bợ, thô sơ. Với đặc điểm của địa phương là xã miền núi thì vào mùa mưa bão, những công trình đấy sẽ bị thiệt hại. Có nhiều trường hợp chỉ mới đầu tư xây dựng, chưa thu hồi đủ vốn thì mưa bão đã cuốn trôi.

Một điểm du lịch gắn với đất nông nghiệp thu hút du khách tại Quảng Nam.
Một điểm du lịch gắn với đất nông nghiệp thu hút du khách tại Quảng Nam.

Khó khăn về phát triển du lịch dịch vụ trên đất nông nghiệp cũng đã được nhiều người chỉ ra. Chị Lê Thị Thanh Nga (38 tuổi), chủ quán Lò Gạch Cũ Farmstay - mô hình khai thác dịch vụ trên đất nông nghiệp tại cánh đồng lúa ở huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho rằng: “Nếu muốn nông nghiệp, nông thôn phát triển thì phải cởi trói cho đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp chỉ trồng rau bán thô thì nó giống như vàng ở trong tay mà không biết sử dụng vậy”.

Thực tế, TP. Đà Nẵng cũng đã có những cơ chế thí điểm triển khai những mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp. Trên địa bàn huyện Hòa Vang, trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ được triển khai thí điểm không quá 15 mô hình khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Một số nguyên tắc, yêu cầu để triển khai thí điểm như phải tuân theo nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu 70% diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; mô hình thí điểm phải có diện tích từ 3.000m2 trở lên đối với đất nông nghiệp (gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm), đất nuôi trồng thủy sản; 10.000m2 trở lên đối với đất rừng sản xuất.

Nguồn vốn thực hiện các mô hình thí điểm do các tổ chức, cá nhân tham gia thí điểm tự bảo đảm. Không sử dụng ngân sách nhà nước. Tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại đối với cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm (bao gồm thiệt hại do thiên tai). Khi cơ quan có thẩm quyền đề nghị chấm dứt mô hình thí điểm, tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ và không được bồi thường thiệt hại về cơ sở vật chất trong mô hình thí điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top