Tôi nhớ sau năm 1975, có một vị lãnh đạo đã giục giới điện ảnh: Nên sớm làm phim về đường Trường Sơn, về chiến dịch mùa xuân 1975... Bây giờ đường Trường Sơn và các địa bàn vẫn còn nguyên vẹn, hiện trường và tình tiết còn nguyên. Nếu sau này sẽ nhiều cái nhòa đi, sẽ khó làm chân thực được.
Dĩ nhiên, đó chỉ là mong muốn. Tác phẩm nghệ thuật không ra đời theo kế hoạch được. Và cần thời gian để có độ lùi nào đó, giúp hiểu và cảm sâu hơn về những gì đã qua.
Hơn nưa, khi đó chúng ta quá nghèo để có tiền làm bộ phim lịch sử thật sự có tầm vóc.
Rồi chúng ta đã nghĩ chẳng chóng thì chày sẽ có những bộ phim như thế. Chúng ta đợi, chúng ta tin. Rồi cho đến giờ giật mình thấy đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Và chưa có một bộ phim truyện xứng tầm nào về đường Trường Sơn.
Có thể có người sẽ nói: Có sao đâu. Phải bao nhiêu thập kỷ trôi qua rồi mới có phim “Hoa ban đỏ” về Điện Biên Phủ. Cũng chưa hẳn đã lâu mới có phim truyện về năm 1972, 12 ngày đêm diễn ra cuộc ném bom của B52 ở Hà Nội. Và giờ đây người ta vẫn làm phim về những thế kỷ xa xôi trước cơ mà!
Đã đành là thế. Nhưng tôi nghĩ là có mất mát đấy. Sự phục hồi lại trí nhớ lịch sử để kể lại chuyện đã qua với màu sắc và hơi hướng trung thực là khó, nếu thời gian trôi xa. Chỉ cần xem cái cách trang phục và phong cách diễn viên của “Hoa Ban Đỏ” là thấy. Nó cứ thế nào ấy, không phải là cái của thời đó.
Nhưng còn một cái mất nữa: Nửa thế kỷ trôi qua, là đã vài thế hệ lớn lên, trưởng thành, nhưng không có dịp qua một tác phẩm điện ảnh mạnh mẽ để chứng kiến những thời gian không thể quên trong ký ức một dân tộc. Thôi thì ta đợi tiếp. Nhưng đừng quên đã gần nửa thế kỷ trôi qua rồi từ sau 1975.
Nhưng tôi vẫn phải quay về điều đã nói ở trên: Nghệ thuật không phải là thứ có thể sinh hạ theo ý muốn, theo kế hoạch. Trái chỉ chín lúc trời đất cho nó chín. Vậy ta hãy để chuyện có các tác phẩm nghệ thuật tương xứng với lịch sử sang bên. Tức là đợi và hy vọng.
Nhưng có những cái thì không phải đợi như thế. Mà đã hoặc giờ phải làm ngay.
Trước hết, lẽ ra có những việc giờ ước như ta đừng làm thì đã giữ được phần nào đó ký ức lịch sử. Mỗi lần đến Thành cổ Quảng Trị, tôi lại thấy xót: Giá như hồi đó giữ nguyên thành cổ như nó vốn có sau cuộc chiến. Thời đó chúng ta lấy việc “Lấp hố bom, xây lại những công trình” là biểu tượng của chiến thắng, hồi sinh. Do vậy biến thành cổ đổ nát thành công viên. Thật tiếc. Thế hệ sau sẽ chỉ có thể hình dung về những ngày ác liệt khủng khiếp trên chỗ đất hẹp đó qua ảnh, còn hiện vật thì đã mất rồi.
Dĩ nhiên chúng ta không thể giữ được mọi cái. Cuộc sống vẫn phải đổi khác. Nhưng thực sự thì lẽ ra nên giữ nhiều hơn. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa thực sự hiểu tại sao không giữ nguyên vẹn Nhà tù Hỏa Lò mà nhất định phải xây khách sạn ở chỗ đó. Viết đến đây, lại thấy may mắn là dư luận lên tiếng đã ngăn được việc xây một cái tòa nhà thương mại trên Chợ Âm Phủ (nay là đường 19.12 của Hà Nội).
Rất may, chúng ta còn giữ địa đạo Củ Chi, địa đạo Vĩnh Mốc. Khi con trai tôi còn đi học phổ thông, có lần nó được xuống địa đạo Củ Chi. Sau đó nó nói với tôi: “Bố ơi, chiến sỹ Việt Nam mình là giỏi nhất bố ạ”. Và chắc không có câu chuyện nào, miêu tả nào đem lại cho nó cảm nhận mạnh mẽ đó, nếu không phải là cuộc đi xuống địa đạo ấy.
Trong các bức ảnh đường 20 Quyết Thắng thời chiến tranh, chúng ta thấy một vùng đất như trên sao Hỏa. Không có một cây nào sót lại, không có mảng xanh nào. Bom lửa khiến mọi cái cháy đen. Giờ đây con đường ấy hai bên núi non xanh ngắt. Nếu đi lại con đường đó để tìm về với lịch sử, thì ngoài hang Tám Cô, hầu như không còn gì gợi lại để có cảm nhận vể thời bom lửa.
Khác với Thành cổ Quảng Trị, không có cách gì để con đường này được giữ lại mà không thay đổi - thiên nhiên tự nó phải lành lặn lại. Nhưng tôi ước giá như dọc đường 20 này, thỉnh thoảng có một màn hình điện tử, kiểu như hàng ngàn vạn màn hình quảng cáo lớn hay nhỏ chúng ta đang có trong các thành phố, ở mỗi cầu thang máy - trên màn hình đó có thể nhìn thấy những thước phim và những tấm ảnh về con đường, hoặc chính xác đoạn đường đó, thời ném bom. Khi ấy người của những thế hệ sau có thể có đôi chút hình dung sát gần hiện thực đã qua.
Chúng ta đừng nghĩ rằng những năm tháng, những thời đại đã qua trong lịch sử Việt quá sâu đậm nên không thể nhòa đi được. Có thể đấy. Nếu như những ký ức không được trân trọng giữ lại. Trước hết là hiện vật. Người đã trải qua thì lưu trong tâm trí, thế hệ sau không có lưu giữ trực tiếp ấy. Sách vở không thay được những chứng tích lịch sử. Và những chứng tích hiện vật ấy, nói cho công bằng, tự chúng ta đã xóa đi nhiều.
Sau nữa, cái gì không giữ được bằng hiện vật, thì bên cạnh sách vở, các tác phẩm điện ảnh, tạo hình, các cơ sở bảo tàng… có vai trò bù đắp rất lớn. Và về điều này - nhất là về tác phẩm nghệ thuật như điện ảnh - chúng ta mắc nợ rất nhiều. Chỉ nói về cuộc chiến tranh mà đất nước đã đi qua, cả thế giới xếp nó là một trong những cuộc chiến ghê gớm nhất của thế kỷ trước. Cho đến nay rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam để xem và hiểu về thời chiến tranh ấy. Cứ nhìn số khách đến Huế tìm quán DMZ là sẽ rõ. Nhưng DMZ bây giờ quá ít ỏi thứ để người ta xem và tìm một cảm nhận gần thực tế đã diễn ra.
Đây không phải là sự hoài cổ. Điều này cần cho nhiều thế hệ sau. Vâng, thế hệ sau có những góc nhìn khác. Nhiều cái họ sẽ hiểu khác với cách hiểu thế hệ trước. Đó cũng là điều bình thường. Đó là quyền của họ. Nhưng trước hết họ cần cảm nhận được đã. Cảm nhận càng đầy đủ thì cách hiểu dẫu có khác trước cũng sẽ không khiến người thế hệ trước phải xót lòng. Bởi có những điều không thể bị quên lãng. Và để họ cảm nhận được thì nhiều cái phải giữ, nhiều cái phải phục hiện bằng các tác phẩm. Nếu không có nguồn chất liệu lịch sử phong phú, ký ức của một dân tộc, một đất nước vẫn có thể bị phai nhòa theo năm tháng. Và đó là sự thiệt thòi không gì đo đếm được.