Aa

Lãi suất cho vay mua nhà "hạ nhiệt"

Thứ Năm, 25/01/2024 - 15:09

Lãi suất cho vay mua nhà giảm là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản, giúp người mua nhà dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, song, các doanh nghiệp bất động sản cần giảm giá sản phẩm để kích cầu.

Lãi suất cho vay mua nhà "hạ nhiệt"- Ảnh 1.

Lãi suất vay mua nhà thấp nhất thị trường đang thuộc về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank với mức 5,9%/năm.

Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2 - 2,5%/năm

Chị Thùy Linh, ngõ 77 phố Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai, Hà Nội đang tìm hiểu về nguồn vay tín dụng mua căn hộ chung cư với mức giá khoảng 2 tỷ đồng, nhưng tài chính chỉ có 50%. Trước đó, mức lãi suất trên 13%/năm là áp lực lớn, hiện tại, mức lãi cho vay mua nhà đã giảm, nên chị đã mạnh dạn tìm hiểu dự án căn hộ chung cư để mua…

Trong tháng 1/2024, lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở tại các ngân hàng thương mại (NHTM) dao động từ 5,9 - 10,5%/năm, hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi rơi vào khoảng 8 - 13%/năm. So với đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà hiện giảm khoảng 2 - 2,5%/năm đối với các khoản vay mới. Hiện, lãi suất vay mua nhà thấp nhất thị trường tại VPBank ở mức 5,9%/năm; UOB là 6%/năm với kỳ hạn vay tối đa 30 năm và cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo. Tiếp đến là GPBank với 6,25%/năm, Sacombank 6,5%/năm, Shinhan Bank 6,6%/năm, Vietcombank 6,7%/năm… So với cuối năm 2023, lãi vay mua nhà của nhóm ngân hàng “big 4” đã giảm thêm 1 - 1,5 điểm phần trăm. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 20 năm qua, giúp người mua nhà giảm bớt áp lực tài chính trả nợ…

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB nhận định mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm dần trong năm 2024, nên nhu cầu vốn của khách hàng sẽ trở lại. Năm 2023, người dân hầu như không vay tiền mua nhà. Hy vọng năm 2024, khi lãi suất cho vay giảm tiếp, tín dụng mua nhà sẽ phục hồi.

Còn ông Ngô Minh Sang, Giám đốc khối khách hàng cá nhân BVBank cho hay, mỗi ngân hàng hiện đều có khách hàng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm ưu tiên. Nắm bắt nhu cầu cuối năm là thời điểm nhiều người tìm nguồn vốn với tâm lý "đầu năm mua đất, cuối năm mua nhà", nên ngân hàng đã đưa ra mức ưu đãi lớn để hút khách hàng. Ngân hàng cũng luôn cập nhật điều chỉnh lãi suất vay, với các điều kiện đảm bảo cạnh tranh và duy trì ổn định năng lực bán…

Cơ cấu sản phẩm để hướng về nhu cầu thực

Mặc dù lãi vay mua nhà giảm, nhưng nhóm chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI không kỳ vọng: Dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024. Năm 2023, dư nợ vay mua nhà của cá nhân giảm 0,7%, trong khi dư nợ kinh doanh bất động sản tăng tới 22%. Nguyên nhân khiến người dân vẫn e ngại vay mua nhà là vì giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm, trong khi thu nhập của nhiều người dân bị giảm sút. Đặc biệt, một phần tài sản của người dân có thể vẫn “mắc kẹt” trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành.

Trước tình hình này, nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu lại sản phẩm nhà ở, chú trọng sản phẩm hướng về nhu cầu thật, phù hợp túi tiền và có phương án giảm giá nhà. Mặc dù thị trường bất động sản gặp khó, nhưng giá nhà đất, chung cư vẫn tăng. Theo Savills Việt Nam, 4 năm gần đây, giá chung cư đã tăng tới 77%. Cụ thể, quý IV/2023, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư đã đạt 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp so với quý I/2019.

Giá nhà tăng trong khi thu nhập của nhiều người giảm sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khó khăn chung từ nền kinh tế, dẫn đến tâm lý lo ngại không đủ khả năng “gánh nợ” nếu dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà, trong khi nhiều người vẫn chưa mạnh dạn xuống tiền và kỳ vọng sắp tới giá nhà đất, chung cư sẽ hạ nhiệt khi nguồn cung được khơi thông.

Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các doanh nghiệp BĐS thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng hấp thụ tín dụng trong nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Đến nay, các giải pháp đó đã bắt đầu phát huy tác dụng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp nói riêng.

"Hiện, một số ngân hàng thương mại đã cam kết giải ngân đối với 12 dự án, tổng số vốn cam kết giải ngân là 5.000 tỷ đồng, đã giải ngân xong 428 tỷ đồng. Chương trình này là một trong các giải pháp triển khai đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030, nên quá trình triển khai sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới", Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ về tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Bà Hà Thu Giang tin tưởng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là với các dự án nhà ở xã hội, tiến độ giải ngân của gói tín dụng này sẽ được thúc đẩy. Cùng với việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng sẽ góp phần đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong thời gian tới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top