Aa

Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 19/07/2024 - 05:38

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, xu hướng tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục diễn ra ở nửa cuối năm nay, bởi nhu cầu tín dụng vẫn còn tăng và áp lực tỷ giá, lạm phát vẫn còn. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này sẽ không quá lớn và không tạo những "cú shock" như năm 2022.

Sau hơn 1 năm lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, khoảng 4,5% cho kỳ hạn 12 tháng thì từ đầu tháng 4 năm nay, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất này, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Tính riêng hai tuần đầu tháng 7, đã có 10 ngân hàng thương mại nhóm này tăng lãi suất huy động gồm NCB, Eximbank, SeABank, VIB, BaoViet Bank, Saigonbank, VietBank, MB, BVBank và KienLong Bank.

Tại một số kỳ hạn, lãi suất của khối ngân hàng thương mại tư nhân thậm chí còn cao gấp đôi lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh (Big 4).

Ví dụ, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng của khối cổ phần tư nhân là 3,5 - 4%/năm thì nhóm Big 4 chỉ có 2 - 2,3%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lên tới 5,5% thì lãi suất của nhóm Big 4 ở mức 3-3,5%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 18 tháng tại khối ngân hàng thương mại tư nhân khoảng 5,8 - 6% thì Big 4 duy trì ở mức khoảng 4,7%/năm.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng hiện nay đang điều chỉnh lãi suất huy động? Xu hướng tăng lãi suất huy động liệu có tiếp tục diễn ra đến hết năm 2024?

Để có những góc nhìn đẩy đủ về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM.

Lãi suất huy động có thể tăng từ 1 - 2% từ giờ đến cuối năm

PV: Lãi suất huy động trên thị trường đã có xu hướng tăng liên tiếp trong 3 tháng vừa qua, đi ngược với xu hướng giảm 3 tháng đầu năm. Chuyên gia có nhìn nhận như thế nào về thực tế này? Đâu là nguyên nhân khiến lãi suất huy động tại nhiều nhà băng được điều chỉnh tăng lên?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất gia tăng trong thời gian qua, trong đó yếu tố chính là áp lực về tỷ giá. Như chúng ta thấy, tỷ giá liên tục nổi sóng trong 6 tháng đầu năm và buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tung dự trữ ngoại hối để bình ổn. Ước tính có khoảng 6 tỷ USD đã được bơm ra thị trường, điều này đồng nghĩa với việc hút ròng một lượng tương ứng VNĐ về khiến thanh khoản của các ngân hàng không còn dồi dào như trước.

Kèm với đó là tăng trưởng tín dụng cũng đang có dấu hiệu phục hồi và đẩy mạnh trong tháng 6, khiến nhu cầu về vốn của các ngân hàng tăng lên. Theo số liệu thống kê của NHNN, tính từ đầu năm tới ngày 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 1,5%, trong khi tín dụng tăng tới 4,45% so với cuối năm 2023. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đang gấp 3 lần so với tốc độ tăng huy động vốn. Tình trạng này buộc các nhà băng phải tăng lãi suất huy động để cân đối nguồn vốn.

Bên cạnh đó, việc lãi suất huy động được duy trì thấp trong một thời gian dài cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý gửi tiền của người dân và một bộ phận có xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn, đặc biệt là vàng trong thời gian qua. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng phải tăng dần lãi suất huy động để giữ chân khách hàng cũng như thu hút thêm nguồn vốn để đảm bảo nhu cầu thanh khoản và cho vay trong thời gian tới.

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng nhưng không tạo

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM

PV: Theo ông, xu hướng tăng lãi suất huy động có tiếp tục diễn ra đến hết năm 2024 và dự kiến sẽ tăng bao nhiêu điểm phần trăm?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục ở nửa cuối năm nay, bởi nhu cầu tín dụng sẽ còn tiếp tục tăng, áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn còn. Do đó, NHNN sẽ có xu hướng thực thi chính sách tiền tệ thận trọng hơn để đảm bảo cân đối và ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất này sẽ không quá lớn và không tạo những "cú shock" như năm 2022. Bởi chúng ta đã có kinh nghiệm cũng như Chính phủ sẽ có chỉ đạo ngay lập tức nếu như lãi suất có xu hướng tăng cao trong thời gian tới để đảm bảo mức lãi suất hợp lý hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế hiện tại. Dự báo lãi suất có thể tăng từ 1 - 2% từ giờ đến cuối năm.

PV: Nhiều nhà băng tăng lãi suất huy động nhằm kích thích tiền gửi quay trở lại hệ thống ngân hàng. Liệu mục đích này có đảm bảo khi mức tăng lãi suất vẫn còn quá thấp?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Điều này sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các kênh đầu tư khác có khả quan trong thời gian tới hay không. Trước diễn biến hiện tại thì các NHTM vẫn chủ động được về thanh khoản bởi các kênh khác chưa thực sự khởi sắc và người dân vẫn có xu hướng giữ tiền để chờ đợi cơ hội.

Các nhà đầu tư vẫn nên giữ 1 tỷ trọng tiền mặt lớn ở thời điểm hiện tại

PV: Việc tăng lãi suất huy động khiến nhiều người lo ngại về tăng lãi suất cho vay, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, làm chậm tiến trình hồi phục của nền kinh tế. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Nếu như lãi suất tăng trong tầm kiểm soát và vẫn ở mức chấp nhận được đối với doanh nghiệp thì sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến quá trình phục hồi kinh tế.

Lưu ý là mức lãi suất hiện tại đã ở đáy của 5 năm trở lại đây và còn thấp hơn cả thời kỳ Covid -19. Nên việc tăng 1-2% lãi suất sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Nhưng nếu lãi suất tăng trên mức 2% thì đó sẽ là câu chuyện khác. Do vậy, chúng ta cần cố gắng giữ mức lãi suất không tăng quá mạnh để vừa có thể hỗ trợ được ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo duy trì mức lãi suất hợp lý cho sự phục hồi của đất nước.

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng nhưng không tạo

Lãi suất huy động có thể tăng từ 1 - 2% từ giờ đến cuối năm. (Ảnh minh hoạ)

PV: Ông có khuyến nghị như thế nào đối nhà đầu tư giai đoạn này. Theo ông, đâu sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn thu hút lượng lớn dòng tiền đổ về trong 6 tháng cuối năm?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, các nhà đầu tư vẫn nên giữ 1 tỷ trọng tiền mặt lớn ở thời điểm hiện tại và chờ đợi các cơ hội đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, có thể phân bổ nguồn vốn từ 20 - 30% cho các kênh đầu tư tiềm năng như bất động sản (nhu cầu thực), chứng khoán (quan trọng là lựa chọn những nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng đang có mức định giá thấp).

Còn kênh đầu tư vàng hiện nay vẫn là một kênh đầu tư nóng và triển vọng trong trung hạn của giá vàng thế giới vẫn là xu hướng tăng do các bất ổn về địa chính trị toàn cầu, xu hướng phi đô la hóa của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Tuy nhiên, rủi ro về chính sách cũng sẽ cao nên chúng ta cũng hết sức cân nhắc khi đầu tư vào thời điểm hiện tại.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu

Dù lãi suất tiết kiệm đang điều chỉnh tăng nhưng mức tăng chưa đủ nhiều để lượng lớn dòng tiền quay trở về. Thay vào đó, vàng, bất động sản hay chứng khoán sẽ là những kênh đầu tư có khả năng hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Nhà đầu tư nào đang nắm vàng thì từ đầu năm đến nay đã lãi khoảng 23%, khả năng sinh lời rất lớn. Còn với thị trường chứng khoán, mức độ rủi ro khá lớn nhưng đây luôn là kênh được các nhà đầu tư quan tâm. Và trên thực tế, tiền vào chứng khoán cũng tăng cao trong nửa đầu năm nay, dòng tiền trong nước "cân" toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại.

Đối với thị trường bất động sản, dù trải qua một thời gian dài suy giảm, trầm lắng, nhưng với sự hỗ trợ quyết liệt từ phía Chính phủ, thị trường đang dần khởi sắc, các tín hiệu hồi phục đã dần rõ nét. Do vậy, kênh đầu tư bất động sản vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu của nhiều người.

Lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong 6 tháng cuối năm, nhưng khả năng không nhiều. Dự kiến lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cao nhất chỉ ở mức 6,5%. Với mức lãi suất này, gửi tiết kiệm chưa đủ hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top