Thế nhưng với chiến công chói lọi ba lần đánh tan quân Nguyên và nhiều chính sách thân dân nên lòng người Đại Việt khi đó vẫn tiếc nuối, hướng về nhà Trần và oán giận cha con Hồ Quý Ly. Mặc dù khi đó cha con họ Hồ đã thi hành nhiều chính sách cải cách để hướng tới xây dựng một vương triều hùng mạnh. Họ đã đóng được cả thuyền đinh sắt để chiến đấu.
Đặc biệt, Hồ Nguyên Trừng còn chế tạo được cả súng thần công, mạnh hơn hẳn của nhà Minh khi ấy. Thế nhưng khi quân Minh tràn sang xâm lược nước ta, chỉ sau vài trận đánh là quân đội triều Hồ tan, cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về bên kia biên giới...
Tại sao nhà Hồ lại thất bại nhanh chóng như vậy?
Thậm chí nếu so sánh về lực lượng, trang bị vũ khí khi ấy, quân đội của nhà Hồ còn mạnh hơn hẳn. Nhà Minh khi đó thậm chí chưa biết cách chế súng mà sau này họ trọng dụng Hồ Nguyên Trừng phụ trách Bộ Công để chế tạo. Và Hồ Nguyên Trừng khi chết còn được phong là thần súng. Thế nhưng khi đó quân đội nhà Hồ vẫn thất bại rất nhanh!
Đọc kỹ lại sử sách thì thấy rằng khi sang xâm lược nước ta, giặc Minh đã rất thâm hiểm. Chúng dùng kế sách đánh vào lòng người trước. Chúng rêu rao và cho người khắc gỗ bảng văn trôi theo dòng sông xuôi xuống nước ta rằng, chúng đưa quân sang là để diệt Hồ phù Trần!
Quân dân ta vốn đang chán họ Hồ ngây thơ tưởng thật, buông lòng không chiến đấu. Và thế là triều Hồ thất bại.
Hồ Nguyên Trừng đã từng nói: “Tôi không sợ đánh mà chỉ sợ lòng dân không theo”! Nước ta bị rơi vào một thời gian đen tối trong lịch sử, dân bị đè nén bóc lột khôn xiết, văn hóa văn vật bị tàn phá khôn kể trong âm mưu đồng hóa của người phương Bắc. Thời kỳ thuộc Minh đã để lại những vết thương vĩnh viễn không lành trong lòng dân Việt.
Vụ hai lần Pháp hạ thành Hà Nội thế kỷ XIX cũng là một ví dụ tiêu biểu cho khi lòng dân không theo thì kết cục thế nào: Vụ năm 1873 dẫn đến Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tử nạn; Vụ năm 1882 dẫn đến cái chết bi tráng của Tổng đốc Hoàng Diệu.
Ở cả hai vụ này so sánh mọi mặt về lực lượng và vũ khí, lợi thế thì quân ta với quân Pháp thực ra không hẳn bên nào có lợi thế. Bởi từ khi Gia Long mưu lập quốc đánh nhau với Tây Sơn, ông vua này đã kết thân và sử dụng khá nhiều vũ khí phương Tây.
Thế nhưng rất tiếc sau khi thống nhất sơn hà thì triều Nguyễn lại không tiếp tục mở cửa theo phương Tây nữa, mà lại hầu như tuyệt giao, đóng cánh cửa canh tân đất nước theo hướng hiện đại, nhắm mắt đi theo mô hình quân chủ phong kiến lạc hậu lỗi thời của nhà Thanh. Đàn áp một tôn giáo mới du nhập là công giáo rất khốc liệt.
Họ đã làm đất nước suy yếu nhanh chóng và dân chúng lầm than, đói khổ nên lòng người bất mãn. Khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2, chỉ có khoảng 500 quân, còn bên ta có tới 9.000 quân: Gấp 18 lần! Mà còn bao nhiêu vạn dân chúng xung quanh thành nữa kia!
Vậy mà chỉ vài phát súng, lính đã chạy hết bỏ mặc Tổng đốc Hoàng Diệu đành tuẫn tiết! Bởi số liệu cho biết vụ này quân ta cũng chỉ có khoảng 40 người chết, 20 bị thương... Dân Hà Thành thì chắc quan sát hai bên đánh nhau, cứ như việc của ai chứ không phải việc nước nhà, việc của mình!
Tại sao dân chúng Hà Thành nói riêng và nước Việt nói chung khi đó lại thờ ơ vậy? Tại sao quân lính lại kém khí thế chiến đấu vậy?
Là bởi lòng quân dân khi đó đã không còn niềm tin vào triều đình nhà Nguyễn đã quá thối nát hư hỏng lạc hậu. Bởi thế mới có câu ca còn truyền đến tận bây giờ về cái sự Pháp hạ thành Hà Nội:
“Kính Thiên cột dựng hai hàng
Tây ngồi đánh chén với đoàn thanh lâu.”
Rõ ràng một điều là dân chúng khi ấy đã hầu như không mặn mà gì với quan binh nhà Nguyễn ở Hà Thành.
Suy rộng hơn, ta có thể đặt câu hỏi, tại sao một dân tộc đã từng đánh thắng quân Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Xiêm... những trận lừng lẫy mà rồi lại thất bại như vậy trước Minh, Pháp?
Chỉ có một câu trả lời cho trường hợp này, ấy là khi đó nhân dân và vua quan đã không còn đứng cùng một chiến tuyến, dân chúng chán ghét triều đình.
Đó là khi triều đình ấy đã mất hoàn toàn lòng dân! Trong sử sách xưa người ta quan niệm, “triều”, nghĩa là “nước”.
Có dân mới có nước.
Mất lòng dân là mất nước.
Hình như bài học ấy chưa bao giờ cũ!