Luật Đất đai với Luật Lâm nghiệp 2017
Thời gian qua, không ít dự án phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên cả nước gặp khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng để triển khai các dự án. Khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi tháng 1/2024, ngay trong Điều 248 đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi những vướng mắc trong Luật Lâm nghiệp trong thời gian tới.
Chia sẻ với Reatimes, LS. Phạm Thanh Tuấn cho biết, Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 trước đây quy định thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo các mức diện tích khác nhau.
Quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng theo Luật Lâm nghiệp 2017 với thẩm quyền cho phép chuyển mục đích đất rừng theo Luật Đất đai 2024 chưa tương thích. Trong thực tế, khi chuyển mục đích sử dụng rừng thì đất rừng sẽ phải chuyển mục đích sử dụng đất tương ứng.
Để xử lý các bất cập trên, Điều 248 Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi Điều 20 Luật Lâm nghiệp theo hướng: "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí".
Mặt khác, để phù hợp với Luật Đất đai 2024 quy định UBND cấp huyện thu hồi đất (không phân biệt chủ thể sử dụng đất) trong các trường hợp: thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Điều 248 Luật Đất đai 2024 cũng đã sửa khoản 2 Điều 23 Luật Lâm nghiệp theo hướng UBND cấp huyện thu hồi rừng đối với trường hợp thu hồi đất có rừng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai.
"Việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo Luật Lâm nghiệp với việc chuyển mục đích đất rừng theo Luật Đất đai đã được đồng bộ, bảo đảm rõ ràng và hợp lý hơn đối với trường hợp thu hồi rừng luôn gắn với thu hồi đất có rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng", LS. Phạm Thanh Tuấn nhận xét.
Một thay đổi đồng bộ lớn thứ hai, liên quan đến Điều 15 Luật Lâm nghiệp 2017 về căn cứ giao/cho thuê/ chuyển mục đích sử dụng rừng. Trước đây, Điều 15.1 Luật Lâm nghiệp quy định việc giao/thuê/chuyển mục đích sử dụng rừng phải phù hợp với kế hoạch giao rừng/cho thuê rừng/chuyển mục đích sử dụng rừng của UBND cấp huyện được duyệt; kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được duyệt.
Nhưng Điều 248 Luật Đất đai 2024 quy định căn cứ giao/thuê/chuyển mục đích sử dụng rừng là: kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của UBND cấp huyện được UBND cấp tỉnh phê duyệt hoặc kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện được duyệt.
"Quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 dẫn đến cách hiểu 2 điều kiện kế hoạch giao/thuê/chuyển mục đích rừng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là đồng thời. Luật Đất đai mới đã làm rõ chỉ cần dựa theo 1 trong 2 tiêu chí trên, tránh cách hiểu máy móc để giao/thuê/chuyển mục đích rừng cần cả 2 điều kiện kế hoạch giao/thuê/chuyển mục đích rừng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là đồng thời", LS. Phạm Thanh Tuấn nói.
Thứ ba, Điều 20 Luật Lâm nghiệp quy định thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: Quy định thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng, HĐND cấp tỉnh tùy thuộc vào quy mô diện tích.
Còn Điều 248 Luật Đất đai 2024 quy định thẩm quyền HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, trừ trường hợp thực hiện dự án do Quốc hội, Thủ tướng, HĐND cấp tỉnh chấp thuận đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP, Luật Dầu khí.
LS. Tuấn đánh giá, việc luật mới thống nhất thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích rừng về HĐND cấp tỉnh, đã xử lý bất cập về thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng rừng theo Luật Lâm nghiệp với thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai.
Luật Đất đai với Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017
Việc thu hồi các dự án có tài sản công là trụ sở cơ quan nhà nước, thời gian qua thường phức tạp, kéo dài. Nguyên nhân là theo Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 (Điều 36 khoản 3, Điều 86 khoản 2) yêu cầu khi cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất mà có tài sản công là trụ sở cơ quan nhà nước thì trước khi thu hồi tài sản công là trụ sở phải có ý kiến của cơ quan tài chính.
Để xử lý vấn đề trên, LS. Phạm Thanh Tuấn cho biết, Điều 251 Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công theo hướng khi thu hồi đất là trụ sở cơ quan nhà nước thì không phải lấy ý kiến của cơ quan tài chính.
Thêm vào đó, để thúc đẩy việc thu hồi, Luật Đất đai 2024 - Điều 83 khoản 3, cũng bổ sung quy định thu hồi đất theo Luật Đất đai là tài sản công thì không cần phải thực hiện sắp xếp tài sản công theo luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 tháo gỡ các vướng mắc thủ tục về tài sản công theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Nhờ đó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, nhất là dự án có tài sản công là trụ sở cơ quan nhà nước "xen kẹt" trong dự án.
Luật Đất đai với Luật Đầu tư 2020
Từ ngày 1/8/2024, các dự án nhà ở thương mại (dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn) sẽ không còn hình thức chấp thuận nhà đầu tư. Theo LS. Phạm Thanh Tuấn, đây là quy định mới để không còn tình trạng chấp thuận nhà đầu tư với các dự án nhà ở thương mại (dự án khu đô thị, khu dân cư nông thôn), để nhà đầu tư "trốn" được M3 (khoản tiền nộp ngân sách ngoài tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuộc tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại liên quan đến hiệu quả đầu tư); bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.
Trước đó, Điều 29 khoản 3 Luật Đầu tư 2020 quy định các dự án đấu giá/đấu thầu có một nhà đầu tư đăng ký/đáp ứng yêu cầu thì thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư.
Nhưng Điều 250 Luật Đất đai 2024 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 29 của Luật Đầu tư 2020 theo hướng chỉ chấp thuận nhà đầu tư với các dự án đấu thầu theo pháp luật ngành, lĩnh vực; mà đấu thầu theo pháp luật ngành, lĩnh vực áp dụng với dự án xã hội hóa (trong lĩnh vực thể thao, môi trường, văn hóa, y tế), dự án xây dựng nhà ở xã hội (Nghị định 23/2024/NĐ-CP)./.