Aa

Luật Đất đai 2024: Quy định về đất nông nghiệp, đất rừng có gì mới?

Thứ Tư, 31/01/2024 - 06:00

Việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo Luật Đất đai 2024 có nhiều thay đổi đáng chú ý.

Cho phép tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp

Trước khi Luật Đất đai 2024 được thông qua, tại các kỳ tranh luận góp ý về Dự thảo Luật, vấn đề nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa nhận được nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Đa số ý kiến ủng hộ việc cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Nhưng có nên đặt ra giới hạn và điều kiện về diện tích chuyển nhượng hay không?

Luật Đất đai 2024 thông qua mới đây đã chính thức chốt lại các vấn đề và đưa ra được quy định phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay, theo đánh giá của chuyên gia.

Chia sẻ với Reatimes, Luật sư - ThS. Phạm Thanh Tuấn, Chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết: Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Luật Đất đai 2024 đã gỡ bỏ những quy định được cho là khá "ngặt nghèo" này. Điều 45 Luật Đất đai 2024 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhưng phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp huyện chấp thuận.

Đồng thời, cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa; quá hạn mức (không quá 03 héc ta đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 02 héc ta đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.

Ông Tuấn đánh giá: Quy định trên của luật phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay. Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước; giúp một số đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp như công chức, viên chức, lao động có vốn, có khoa học kỹ thuật đầu tư phát triển trồng lúa nâng cao năng suất.

Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp được luật hóa phục vụ hoạt động sản xuất lớn

Thực tế, đất sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay chủ yếu do các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng. Phương thức sản xuất phân tán quy mô nhỏ, hiệu quả thấp còn khá phổ biến.

Luật Đất đai 2024 đã cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất và các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp.

Luật Đất đai 2024: Quy định về đất nông nghiệp, đất rừng có gì mới?- Ảnh 1.

Việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp được luật hóa trong Luật Đất đai 2024. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia pháp lý bất động sản Phạm Thanh Tuấn, việc Luật Đất đai 2024 tăng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, là nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất tập trung theo các mô hình Vietgap, Eco… (trước đây theo Luật năm 2013 là 10 lần).

Bên cạnh đó, Luật Đất đai mới cũng quy định về tích tụ (Điều 192), tập trung ruộng đất (Điều 193), đất chăn nuôi tập trung (Điều 179) để tạo cơ chế hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi tập trung. Quy định đất chăn nuôi tập trung sẽ là căn cứ để các địa phương bố trí quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nhận định, quy định mới trên tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phát triển 1 triệu héc ta đất chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải ròng bằng 0 (Net zero) tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ tạo điều kiện sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn, mà quy định này còn tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa cũng như phát triển các khu dân cư nông thôn, làm tăng nhu cầu tạo lập nhà ở của người dân nông thôn, theo HoREA.

Đồng bộ việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo Luật Lâm nghiệp với việc chuyển mục đích đất rừng theo Luật Đất đai

Điều 20 Luật Lâm nghiệp 2017 trước đây quy định thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo các mức diện tích khác nhau.

Theo LS. Phạm Thanh Tuấn, quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng trước đây (theo Luật Lâm nghiệp 2017) với thẩm quyền cho phép chuyển mục đích đất rừng theo Luật Đất đai 2013 là chưa tương thích. Trong khi thực tế khi chuyển mục đích sử dụng rừng thì đất rừng sẽ phải chuyển mục đích sử dụng đất tương ứng.

LS. Phạm Thanh Tuấn cho biết, để xử lý các bất cập trên, Điều 248 Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi Điều 20 Luật Lâm nghiệp theo hướng: "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trừ trường hợp thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Dầu khí".

Mặt khác, để phù hợp với Luật Đất đai 2024 quy định UBND cấp huyện thu hồi đất (không phân biệt chủ thể sử dụng đất) trong các trường hợp: thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Điều 248 Luật Đất đai 2024 cũng đã sửa khoản 2 Điều 23 Luật Lâm nghiệp theo hướng UBND cấp huyện thu hồi rừng đối với trường hợp thu hồi đất có rừng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai.

"Việc Luật Đất đai 2024 sửa đổi quy định của Luật Lâm nghiệp 2017 đã bảo đảm rõ ràng và hợp lý hơn đối với trường hợp thu hồi rừng luôn gắn với thu hồi đất có rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng rừng", ông Tuấn nêu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top