Nhiều người trong cuộc, khi có một trường hợp đặc biệt diễn ra khác thường, đa phần họ tin là đang có sự linh ứng. Đó là khi có sự khác thường tại các buổi lễ liên quan đến sinh hoạt tâm linh, như cầu siêu, lễ khánh thành hay động thổ cơ sở tâm linh chẳng hạn. Đơn cử như sự việc diễn ra chiều ngày 17 tháng 7 Dương lịch vừa rồi khi chúng tôi làm lễ ở bờ Bắc Bến thả hoa trên sông Thạch Hãn.
Nắng hôm đó vẫn cao. Chúng tôi lên đến bờ Bắc là 14h39 phút, nắng vẫn còn gắt. Nhưng có gió rất mát thổi tràn vào không gian nhà hành lễ khiến không khí rất dễ chịu. Tuy thế, chúng tôi vẫn che một tấm bạt tạm phía trước nhà hành lễ. Chiều ngày 15, tôi lên kiểm tra chuẩn bị cho ngày lễ, lúc đó đã 17h chiều, nhưng không thể chịu nổi cái nắng ở bờ Bắc. Ai đã đến bờ Bắc sông, nơi nhà hành lễ Bến thả hoa đều biết là vị trí này nằm chính hướng mặt trời lặn buổi chiều, vì vậy nên rất nắng nóng. Buổi chiều là nơi đây hứng trọn cái nắng chiều gay gắt khó chịu. Nên tôi đã nhờ anh Kim, người trông coi nơi đây mua một tấm bạt che để lễ. Tôi nói với anh Kim, thầy định 14h30 lễ, mà giờ 5h chiều mà nắng vậy sao hôm đó làm lễ sớm được. Chắc phải chuyển lui 4h chiều họa may lễ được.
Đúng hôm 17, tôi báo với mọi người là 14h30 có mặt ở Bến thả hoa và khoảng 15h lễ. Hôm đó, khi chúng tôi chính thức vào hành lễ là hơn 15h. Có gió nên nắng vẫn rọi nhưng không quá bức và khó chịu. Chúng tôi lễ được 30 phút thì một đám mây lớn và dày đặc hình thành và che phủ phần ánh sáng chiều rọi vào nhà hành lễ. Trời mát hẳn. Đám mây duy trì cho đến khi chúng tôi xong thời kinh và đi xuống bến sông để thả hoa đăng, phóng sinh.
Vì bị che lấp nên mặt trời phát ra nhiều tia sáng. Nhưng ngạc nhiên là từ phần sau mặt trời bị che lấp lại lại hiện ra một dãy cầu vòng nối từ đó vòng một vòng kéo qua phía chân trời phía nam, ngang đúng qua trên mái nhà thả hoa bờ Nam.
Đây là một hiện tượng của thiên nhiên. Tôi không tin có một bàn tay nào ở đây can thiệp để cho hiện tượng đó xảy ra cả. Nhưng tôi cho đó là một sự trùng hợp kỳ diệu không ngẫu nhiên. Chúng ta nên biết rằng, vũ trụ vận hành, vạn vật trên trái đất này diễn ra, không có cái gì là tình cờ cả. Tôi thường chia sẻ với mọi người: “như một chiếc lá vàng trên cành cây sắp rơi, vậy mà khi nó rơi còn không tình cờ nữa là sự kiện chúng ta hôm nay được gặp nhau”.
Ngày đó qua đi. Hôm sau là ngày 18. Tôi đang ngồi ở Am, lúc đó là 9h sáng mà trời nực và bức bối đến khó chịu, không có một ngọn gió. Tôi nói với mẹ tôi, nếu hôm qua mà như thế này thì đến mình cũng không thể chịu nổi chứ nói gì khách về dự lễ. Sáng 17 mọi người về dự lễ cầu siêu ở Am, chiều mới lên lễ trên sông Thạch Hãn. Sáng đó ở Am trời mát hẳn vì có một ngọn gió nam rất mát.
Và đó là gì? Là một sự ngẫu nhiên trùng lặp đi, nhưng như vậy được gọi là sự trùng lặp mầu nhiệm. Mấy năm trước, khi cơn siêu bão Hải Yến được dự báo khuya mùng 8 tháng 10 âm lịch sẽ đổ bộ vào miền Trung. Đúng năm đó, ngày tôi chọn để lễ trên sông Thạch Hãn rơi vào chiều mùng 7 tháng 10. Lịch tôi lên trước đó mấy tháng, để gởi thư mời mọi người. Như lịch đã sắp xếp, chiều mùng 7 lễ trên sông Thạch Hãn, sáng mùng 8 lễ ở Am Thụy Ứng, 2h chiều lễ ở nghĩa trang Trường Sơn. Mọi người phản hồi vào dự lễ rất đông.
Nhưng trước đó hai hôm cả nước nhận được thông báo về siêu bão Hải Yến đổ bộ vào miền Trung nên số người vào dự giảm hẳn. Nhiều người quyết định vào dự, đều gặp sự ngăn cản từ gia đình. Nhiều ngươi điện thoại hỏi tôi, đài báo bão như vậy thầy có tổ chức lễ không? Đến chiều mùng 6, tôi trả lời thế này: “đến giờ phút này thì thầy không khuyên các vị vào dự lễ, nhưng phần thầy, thầy vẫn tổ chức lễ. Vì 8 năm qua thầy từng đến cúng ở nghĩa trang Trường Sơn chưa bao giờ gặp mưa gió”.
Hôm đó là một ngày lễ rất quan trọng nên tôi không hoãn được. Đó là ngày tôi chọn làm lễ an vị Bụt Thích Ca và 4 vị Bồ tát thờ ở Thụy Ứng. Nhưng niềm tin của tôi vẫn tin vào sự mầu nhiệm vì 8 năm qua chưa bao giờ gặp mưa gió khi lễ ở nghĩa trang vào mùng 8 hàng tháng. Thế rồi có khoảng 100 người có mặt với chúng tôi trong ngày trọng đại ấy. Và chính khi chúng tôi lễ trên sông Thạch Hãn, một điều kỳ diệu xảy ra.
Tôi nhớ khi chúng tôi lên cúng ở bờ Nam sông bến thả hoa Thạch Hãn, trên đường không một bóng người. Nước sông Thạch Hãn đã ngập lên đến bờ. Chỗ ngồi làm lễ chỉ cách mặt nước 20cm. Gió hất tung tất cả, chúng tôi không thể đặt được hết lễ ra bàn. Tôi bảo mọi người, thôi, giờ cứ ngồi yên xuống lễ mà không sắp lễ nữa. Lễ được nửa biến thần chú Đại Bi thì trời quang hẳn và gió ngưng thổi. Tôi vẫn tiếp tục lễ, 2 người đi lại sắp lễ lên ban thờ. Đến phần Thỉnh linh, trước phần thỉnh cô hồn thì có một hiện lạ xuất hiện. Một con vật, không ai hình dung được là con gì, từ giữa dòng sông như một khúc gỗ lớn trườn vờ, đến gần chỗ chúng tôi làm lễ. Con vật oằn mình và gập đầu trước đàn tràng và biến mất. Lúc đó một người trong đoàn hô lên thất thanh: Cứu đại đội trưởng! Cứu đại đội trưởng! Hô lên xong thì chị lịm đi.
Ấn tượng nhất là khi tôi vừa lễ xong, quay đầu lui thì anh Sơn nói ngay: bạch thầy tin mới nhất: bão không vào đất liền. Tôi nghe nhưng gạt phăng đi bảo, thôi được rồi, về về… Hôm đó chúng tôi phóng sinh trên 15 triệu tiền cá và cầu nguyện với mục đích bão không vào đất liền. Chiều đó lễ xong là một số ra về. Một số ở lại để sáng mai dự lễ ở Am. Lễ an vị xong là tất cả ra về. Phật tử của chúng tôi từ Hải Dương vào cũng vội vàng theo đoàn Hải Phòng ra về kẻo sợ bão đổ bộ vào. Chỉ có nhóm phật tử của đoàn vợ chồng chị Trịnh Thanh Hải bên Công ty Genviet Jieas là ở lại chờ cho đến buổi chiều mùng 8 lễ ở nghĩa trang Trường Sơn. Chiều hôm đó, khi chúng tôi làm lễ ở nghĩa Trang, trời vẫn còn mưa nhỏ. Chúng tôi dự định sẽ mặc áo mưa để lễ. Nhưng vừa soạn lễ ra thì trời tạnh. Vậy là chúng tôi vẫn thực hiện đúng giờ giấc như đã định. Bão không vào nữa mà xuôi bờ biển đổ bộ ra phía vịnh Hạ Long và tấp vào Trung Quốc.
Về sau tôi chia sẻ với mọi người: “Không phải do chúng tôi lễ mà bão không vào đất liền, mà chắc chắn trong đó có sự can dự của chúng tôi khi hết lòng cầu nguyện cho cơn bão không vào đất liền”. Rõ ràng đây cũng được gọi là ngẫu nhiên trùng hợp. Và ta có thể nói một sự trùng hợp rất nhiệm màu. 8 năm ròng rã hàng tháng vào ngày mùng 8 chúng tôi lên lễ ở nghĩa trang Trường Sơn và đường 9, cũng ngẫu nhiên như vậy, 8 năm qua chúng tôi không bao giờ gặp mưa lúc lên lễ ở đó.
Nhiều và nhiều vô số những việc tưởng như không thể tin nhưng lại diễn ra trong cuộc sống. Và chỉ người trong cuộc mới tin. Kể lại là thành hoang đường. Và với người trong cuộc, những việc như vậy càng củng cố thêm đức tin cho họ vững bước đi tới sự hoàn thiện về mặt thiện lành để biết cống hiến và phụng sự mà không tranh cãi. Họ tin là lòng họ được đáp đền, cầu tất ứng. Họ tin là nếu thành tâm trong khi làm họ sẽ gặp thuận duyên. Và đó chính là thuận duyên. Tin như vậy thì đó là chánh tín.
Ngược lại, cho đó là do một bàn tay nào thần kỳ ra tay ban phúc giáng họa thì rơi vào mê tín. Vì khi như vậy ta ỷ lại vào thần linh và cúi đầu nô lệ cầu xin. Mà không biết phúc ở chủ, thầy chỉ là duyên. Càng tin vào sự mầu nhiệm khi gặp được linh ứng, người có niềm tin chánh tín càng thành tâm cẩn mực và khiêm cung hơn khi hành động. Nghĩa là, họ tự thấy mình càng nhận được nhiều sự gia hộ, mình càng phải cho đi nhiều hơn. Thành tâm hơn, khiêm cung hơn, biết sống tốt với tha nhân nhiều tha thứ hơn.