Aa

Minh bạch để có những thương vụ M&A bền chặt

Thứ Năm, 22/03/2018 - 14:01

5 giải pháp có thể chặn đứng cơn sốt đất tại Sài Gòn; Các dự án bất động sản lớn của công ty ông Đặng Thành Tâm giờ ra sao?; Bất động sản Khu Nam Sài Gòn: Cuộc đua nghìn tỷ phát triển tiện ích; Minh bạch để có những thương vụ M&A bền chặt;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Minh bạch để có những thương vụ M&A bền chặt

Vốn ngoại đã thực sự tạo ra một làn sóng M&A bất động sản trong năm 2017 và dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2018. Tuy nhiên, để có thể thu hút được các nhà đầu tư ngoại, ông Jonathon Clarke, Giám đốc Bộ phận Thị trường vốn và đầu tư Colliers International tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo tính minh bạch từ lần giới thiệu đầu tiên cho đến cả sau này.

“Các nhà đầu tư nước ngoài thường xuyên tìm kiếm đối tác nội có kinh nghiệm mà họ có thể tin tưởng và xây dựng được mối quan hệ làm việc chặt chẽ để phát triển các dự án bất động sản”, ông Clarke cho biết.

Sự tham gia của khối ngoại sẽ tạo nên các cú huých cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Sự tham gia của khối ngoại sẽ tạo nên các cú huých cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Ở một góc nhìn khác, ông Glenn Andrew Hughes nhận xét, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự thu hút của các công ty trong nước đối với nhà đầu tư nước ngoài trong các thương vụ M&A. Trong đó, quản lý hiệu quả là yếu tố chủ chốt, nên các công ty trong nước cần chứng minh được rằng họ đang có hệ thống và quy trình quản lý tốt.

“Một yếu tố quan trọng trong các thương vụ M&A thành công là mức độ sẵn sàng và năng lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc xây dựng mối quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài. Cấu trúc doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đi kèm với hệ thống quản lý sổ sách tài chính vững mạnh là các yếu tố mang tính kỹ thuật khác để doanh nghiệp trong nước có thể gia tăng sự thu hút và lòng tin từ nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hughes nói. 

Đồng quan điểm, ông Thung cho rằng, với các dự án, minh bạch về tính pháp lý có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sức hấp dẫn cho sản phẩm. Các nhà đầu tư ngoại thường muốn tránh các rủi ro tiềm ẩn như khiếu nại, kiện cáo…

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản Khu Nam Sài Gòn: Cuộc đua nghìn tỷ phát triển tiện ích

Trong 12 tháng qua, thị trường bất động sản khu Nam ồ ạt xuất hiện nhiều dự án được chủ đầu tư mạnh tay chăm chút cảnh quan và tiện ích độc, lạ, đắt đỏ nhất từ trước đến nay.

Mức đầu tư cho các tiện ích cảnh quan này thấp nhất khoảng chục triệu USD và cao nhất lên đến hàng trăm triệu USD, tức lên đến con số nghìn tỷ đồng. Điều đáng chú ý là có một số tiện ích cảnh quan đã gây sốt khi thu hút nhiều người đến dự án "check in", chụp ảnh và thậm chí trở thành bảo chứng bán hàng cho doanh nghiệp trong năm 2017 vừa qua.

Tạo được sự chú ý của dư luận trong năm 2017 vừa qua có thể kể đến một tổ hợp căn hộ gần 10.000 căn trên đường Nguyễn Hữu Thọ. Sau một thời gian đắp chiếu, doanh nghiệp này đã khởi động lại dự án rầm rộ với các tiện ích khủng như: nhà hát opera trên không, sân khấu nhạc nước triệu đô trên sông Rạch Đỉa, khu hồ bơi rộng gần 10.000 m2 hay khu phố đi bộ Countdown lớn nhất tại Nam Sài Gòn. Theo chia sẻ của chủ doanh nghiệp này, tổng mức đầu tư cho các tiện tích vào khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Chếch về phía Phú Mỹ Hưng, khu phức hợp Phú Mỹ Hưng Midtown quy mô 2.500 căn nằm trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng và Tân Phú, quận 7, cũng được xếp vào hàng chơi trội với tiện ích và cảnh quan lần đầu có mặt tại Việt Nam. Khu phức hợp này có điểm nhấn độc đáo là cảnh quan phố hoa anh đào cùng hàng loạt các tiện ích dành cho phụ nữ và trẻ em.

Dự án được chủ đầu tư thừa nhận là tốn kém nhất năm 2017 vì doanh nghiệp đầu tư cực lớn cho cảnh quan. Bù lại, dự án đã được chào bán thành công hai giai đoạn đầu, tiêu thụ 600 căn trong năm ngoái và tiếp tục "cháy hàng" khi mở bán trong quý 1/2018.

Được khách hàng chờ đợi nhất trong năm 2018, phải kể đến dòng căn hộ "detox & heathy" của dự án Green Star Sky Garden, thuộc khu phức hợp Hưng Phát Green Star của Hưng Lộc Phát sắp được công bố vào đầu tháng 4 tới. Dự án này sở hữu hàng loạt tiện ích "triệu đô" đắt giá giúp cư dân tại đây có thể: đào thải độc tố, thanh lọc cơ thể, phục hồi năng lượng, phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sắc đẹp.

Xem chi tiết tại đây.

Các dự án bất động sản lớn của công ty ông Đặng Thành Tâm giờ ra sao?

Một điểm mới trong hoạt động kinh doanh của KBC trong năm qua đó là việc đầu tư mạnh và lấn sân sang mảng bất động sản đô thị. Đúng với những gì ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT KBC đã từng chia sẻ với chúng tôi, đó là từ năm 2017 KBC sẽ lấn sân sang đầu tư các dự án BĐS nhà ở, khu đô thị tại những thị trường trọng điểm, thành phố lớn.

Theo báo cáo thường niên 2017 của KBC, cho thấy Công ty mẹ đạt 1.041,4 tỷ đồng doanh thu và hơn 568 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó doanh thu chủ yếu đến từ cho thuê đất KCN (4,7ha), bán đất đô thị Phúc Ninh (1,5ha) và chuyển nhượng cổ phần Công ty KS Hoa Sen – sở hữu khu đất 4ha trên đường Phạm Hùng (Hà Nội).

Theo báo cáo thường niên của KBC, năm 2017 Khu đô thị Phúc Ninh là dự án được triển khai nhanh và mạnh nhất. Đến nay, công ty đã thực hiện xong việc rà soát bom mìn toàn bộ dự án, đào hồ điều hòa với diện tích khoảng 3,2ha;

Theo báo cáo thường niên của KBC, năm 2017 Khu đô thị Phúc Ninh là dự án được triển khai nhanh và mạnh nhất. Đến nay, công ty đã thực hiện xong việc rà soát bom mìn toàn bộ dự án, đào hồ điều hòa với diện tích khoảng 3,2ha;

Tính đến thời điểm hiện tại, KBC đang sở hữu khoảng 5.174ha đất KCN và 1.060ha đất khu đô thị tập trung ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Những động thái gần đây cho thấy KBC đang đẩy mạnh đầu tư và khai thác kinh doanh mảng BĐS đô thị, với việc triển khai hạ tầng một số khu đô thị lớn.

Xem chi tiết tại đây.

Hẩm hiu đất vàng 1A Láng Hạ

Ngày 22/10/2011, Western Bank đã tổ chức lễ khởi công dự án Western Bank Tower tại 1A Láng Hạ. Ông Đặng Thành Tâm, dù không giữ chức vụ cụ thể tại nhà băng này, vẫn có mặt và phát biểu với vai trò quan trọng bậc nhất.

Sau buổi lễ khởi công hoành tráng, dự án nhanh chóng rơi vào cảnh 'đắp chiếu'.

Tháng 8/2012, một năm trước thời điểm nhóm cổ đông Đặng Thành Tâm thoái vốn khỏi Western Bank để nhà băng này sáp nhập với PVFC (trở thành PVCombank), Western Bank đã nhượng lại toàn bộ 94% cổ phần Công ty CP Đầu tư Láng Hạ cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà máy điện Sài Gòn Bình Thuận (công ty của ông Đặng Thành Tâm) với giá trị đúng bằng 1.003,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, Sài Gòn - Bình Thuận đồng thời cam kết mua lại toàn bộ 4 khoản góp vốn khác của Western Bank vào các công ty liên quan tới ông Đặng Thành Tâm, với tổng giá trị 700 tỷ đồng.

Năm 2015, nghĩa vụ mua lại các khoản đầu tư này được chuyển từ Sài Gòn - Bình Thuận sang Tổng công ty Kinh Bắc, với tài sản đảm bảo là một phần dự án và tài sản hình thành trong tương lai của Dự án Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát rộng 585 ha tại Hải Phòng; thời hạn trả chậm trong vòng 36 tháng đến năm 2018.

Ở diễn biến cùng chiều, Kinh Bắc bắt đầu ứng trước tiền mua cổ phần cho PVCombank, với số dư tới cuối năm 2016 là 191,7 tỷ đồng, tăng lên 211,8 tỷ đồng cuối năm 2017.

Xem chi tiết tại đây.

5 giải pháp có thể chặn đứng cơn sốt đất tại Sài Gòn

Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP HCM, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết cơn sốt đất tại Sài Gòn vẫn tiếp đà tăng trong những tháng đầu năm 2018 dù trước đó đã lan rộng trong năm 2017, có thể khiến thị trường tích tụ bong bóng bất động sản. Chuyên gia này cho rằng TP HCM vẫn có ít nhất 5 giải pháp hãm đà tăng và chặn đứng cơn sốt đất này.

Đánh thuế đất là một trong những giải pháp có thể làm hạ nhiệt cơn sốt đất tại TP HCM, song vẫn còn nhiều rào cản tâm lý vì động chạm đến nhiều nhóm lợi ích. Ảnh: Vũ Lê.

Đánh thuế đất là một trong những giải pháp có thể làm hạ nhiệt cơn sốt đất tại TP HCM, song vẫn còn nhiều rào cản tâm lý vì động chạm đến nhiều nhóm lợi ích. Ảnh: Vũ Lê.

Theo ông Nghĩa, đánh thuế là một trong những giải pháp phổ biến nhất để quản lý tài nguyên đất đai một cách hiệu quả tại nhiều quốc gia có thị trường bất động sản phát triển trên thế giới.

Cách đánh thuế thường đa dạng và linh hoạt chứ không rập khuôn một trường hợp duy nhất. Ví dụ đánh thuế nặng những khu đất bỏ trống, hoang phế, trì hoãn xây dựng và không thể đưa vào khai thác phục vụ xã hội nhằm chặn dòng tiền chết nằm trong đất với mục đích duy nhất chờ tăng giá. Cơ quan quản lý Nhà nước có thể cân nhắc đánh thuế lũy tiến mảnh đất bỏ hoang thứ hai, thứ ba trở đi để chống đầu cơ. Thuế đất vừa được xem là công cụ điều tiết thị trường, đồng thời cũng chống lãng phí tài nguyên đất đai.

Xem chi tiết tại đây.

Đang nợ thuế, Công ty Long Việt vẫn tung dự án mới

Không chỉ 10 năm hoang vắng, Khu đô thị Quang Minh còn dính lùm xùm về chuyện thuế đất.

Cụ thể, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc xử lý kết luận thanh tra liên quan đến dự án này.

Trong đó, Phó thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Cục thuế TP. Hà Nội thu hồi tiền thuế nợ đọng của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Long Việt theo đúng quy định của pháp luật.

Được biết, theo danh sách các doanh nghiệp còn nợ thuế tính đến ngày 31/10/2015 do Cục Thuế TP. Hà Nội công bố, Công ty Long Việt còn nợ thuế với số tiền 27,9 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại diện Công ty Long Việt cho biết, dự án đã bán hết, làm Giấy chứng nhận sử dụng đất cho người mua. Còn việc nợ thuế chỉ là truy thu thêm. Giải thích rõ hơn, vị đại diện này cho biết, hàng năm, cơ quan thuế kiểm tra và có phần chênh lệch ghi nhận giữa cơ quan kiểm toán và thuế. Bên kiểm toán ghi nhận thời điểm doanh thu khác và khi cơ quan thuế kiểm tra không thống nhất với ý kiến như vậy, nên bắt thu trước, còn kiểm toán thì phát sinh sau thu sau.

Xem chi tiết tại đây.

Thị trường văn phòng: Khi chất lượng quyết định sự thành công của giao dịch

Sau giai đoạn chạm đáy, thị trường văn phòng Hà Nội đang quay lại trên đà phục hồi và tăng trưởng. Nếu mấy năm trước đây, tỷ lệ lấp đầy của các tòa nhà văn phòng chỉ khoảng 70 – 80% và các chủ đầu tư đã phải nỗ lực rất nhiều trong hoạt động tiếp thị marketing và các chương trình ưu đãi để thu hút khách thuê thì đến nay, tình hình hoạt động của thị trường đã có sự cải thiện đáng kể.

Theo số liệu trong ấn phẩm mới nhất của Savills “Vietnam Office Outlook (Triển vọng thị trường văn phòng Việt Nam) 2018”, công suất cho thuê trung bình toàn thị trường Hà Nội trong năm 2017 đạt 92% với giá thuê trung bình ở mức 35,2 USD/m2/tháng, tăng 2,6% so với năm 2016. Đây là những số liệu rất khả quan, tương quan với các thị trường trong khu vực là ở mức khá cao.

Tuy vậy, tiềm năng của thị trường chưa thực sự được tận dụng bởi nguồn cung mặt bằng văn phòng tại Hà Nội hiện chỉ đạt 1,6 triệu/m2, chưa bằng 20% so với nguồn cung của các thị trường như Bangkok, Kuala Lumpur hay Jakarta. Điều này cho thấy, thị trường văn phòng Hà Nội còn rất nhiều dư địa để phát triển, hứa hẹn cơ hội rất lớn cho các chủ đầu tư.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top