Người miền núi nơi nơi trên thế giới đều có chung một cách “nuôi lửa” đơn giản và hiệu quả nhất, ấy là trong bếp hoặc trong lò, lúc nào cũng ủ sẵn than hồng ngún trong tro, cho lửa trong than, cho lửa trong củi, cho lửa trong lửa và lửa được nuôi, nói như lối nói hiện đại là 24 trên 24. Mặc dù bây giờ đã có diêm, có quẹt đá, quẹt ga, có điện… Nhưng “nuôi lửa” theo lối người xưa vẫn khiến cho cuộc sống thường ngày giàu sinh khí, giàu bản sắc và giàu tình người hơn.
Cái sự nuôi lửa của người miền núi Tây Nguyên không ngoài cách nuôi lửa truyền thống chung của loài người. Tuy nhiên, ở đây có phần hơi khác, ấy là nuôi lửa bằng cả than cả củi, và bằng cả tâm linh.
Mỗi cộng đồng làng buôn, cũng có khi mỗi cộng đồng khu vực cư trú (hàng chục làng buôn) có một Pơtao Puih (dân tộc Jrai) và Pơtao Unh (Dân tộc BahNar) - Nhiều nhà dân tộc học dịch là Vua Lửa . Thực chất Pơtao có thể dịch là "thần", cũng có thể dịch là “vua” theo cái nghĩa tôn vinh cuộc sống thần quyền thuở khai thiên lập địa.
Người "nuôi" lửa trong người và lửa "nuôi" người trong đêm. (Ảnh: Internet)
Các Pơtao đều xuất thân từ những con người hết sức bình thường. Họ cũng có vợ có con, có gia đình, cũng làm nương phát rẫy, cũng đi săn đi bắn, cũng “nuôi lửa” trong bếp nhà mình. Nhưng họ được Yàng ban cho một uy quyền siêu nhiên, ấy là “nuôi lửa” trong Người…
Ông ta không hoàn toàn là một phù thuỷ, cũng không là thầy mo, thầy cúng như nhiều nơi khác. Ông ta là một thủ lĩnh tinh thần, nắm giữ “quyền lực” của mình dựa vào sức mạnh “đã có từ thời xa xưa” nơi truyền thống của cõi linh thiêng. Ông ta là cái gạch nối, là nhân vật trung gian giữa cộng đồng với thế giới thần linh. Có hiện tượng hay sự kiện gì trong cuộc sống của cộng đồng mà không ai giải thích được, người ta tìm đến hỏi ý kiến các Pơtao, và các Pơtao được các Yàng chỉ cho điều hay, điều tốt.
Người "nuôi" lửa trong người và lửa "nuôi" người trong đêm. Đêm đêm, bên bếp lửa nhà sàn, dưới những cánh rừng đại ngàn, các già làng hát - kể cho con cháu nghe những câu chuyên thần linh truyền lại. Con cháu quây quanh bếp lửa nghe, để có “lửa trong người” mà truyền lại cho muôn đời con cháu mai sau. Ngọn lửa thiêng ấy là cõi tâm linh, là nỗi đam mê ám ảnh đối với mỗi sinh linh. Ngọn lủa bên bếp lửa than thuở thiếu thời nuôi ta, đưa ta đi và cả theo ta đi suốt cuộc đời. Nó tạo nên vẻ đẹp riêng cho ta dù ta có tới chốn nào. Nó khích lệ ta khôn lớn trưởng thành và sưởi ấm cho tâm hồn ta mỗi khi ta chạnh lòng gặp điều trắc ẩn.
Lửa trong bếp lửa nhà sàn nuôi lớn những tâm hồn và làm nên vẻ đẹp lung linh của lịch sử các tộc người, bởi vì tiền sử nối tiếp tiền sử thành ra lịch sử và chúng ta “nuôi lủa” trong lòng, bởi chúng ta hiểu rằng, tương lai cũng tham gia vào lịch sử không kém phần thiêng liêng của ngọn lửa thiêng quá khứ…