Tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô và biến động mức độ quan tâm sau sáp nhập
Thông tin tại Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở quý 2/2025 từ Batdongsan.com.vn cho thấy, nửa đầu năm 2025 ghi dấu một giai đoạn với nhiều chuyển biến đáng chú ý của thị trường bất động sản Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến động, Nhà nước ban hành những chính sách tích cực đã thiết lập tiền đề thúc đẩy nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Các yếu tố như: chính sách thuế đối ứng, tốc độ giải ngân đầu tư công, tín hiệu điều chỉnh lãi suất, định hướng quy hoạch đô thị mới hậu sáp nhập… đang đóng vai trò là động lực chính giúp duy trì niềm tin thị trường và định hình xu thế giao dịch trong nửa cuối năm 2025.
Một trong những yếu tố nền tảng là mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu cải thiện, đặc biệt ở nhóm vay mua nhà và sản xuất kinh doanh. Đây là lực đỡ quan trọng giúp kích thích lực cầu tiêu dùng – đầu tư và khơi thông dòng vốn vào các hoạt động kinh tế thực.
Đáng chú ý, việc Chính phủ ban hành Nghị định 151 và Công điện 78 đã trực tiếp tháo gỡ các “điểm nghẽn” về pháp lý cho các dự án bất động sản. Loạt chính sách này được kỳ vọng sẽ phát huy tác động trong các quý tiếp theo, thúc đẩy tiến độ triển khai dự án và góp phần tái lập lại cung – cầu thị trường.
Một điểm nhấn của giai đoạn này đến từ sự định hình các cực tăng trưởng mới hậu sáp nhập, đặc biệt là khu vực liên kết TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa – Vũng Tàu. Mỗi địa phương đang đảm nhận vai trò riêng trong chuỗi giá trị liên hoàn: TP.HCM - Trung tâm tài chính, điều phối và dịch vụ cao cấp; Bình Dương - Hạt nhân công nghiệp – công nghệ cao; Bà Rịa – Vũng Tàu - Đầu mối logistics – cảng biển quốc tế. Mô hình phát triển đa cực này không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho từng địa phương, mà còn mở ra triển vọng hình thành một đại đô thị quy mô lớn nhất Việt Nam.

Sau sáp nhập, TP.HCM trở thành đại đô thị trọng điểm, đứng đầu về quy mô dân số, diện tích, kinh tế. Nguồn: Batdongsan.com.vn
Bên cạnh đại đô thị trọng điểm TP.HCM, sáp nhập tỉnh, thành cũng hình thành nên những trung tâm công nghiệp, trung tâm du lịch mới với sức mạnh cộng hưởng, tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Đơn cử, các trung tâm công nghiệp tiêu biểu gồm: Bắc Ninh – trung tâm công nghiệp-công nghệ cao; Hải Phòng – trung tâm thương mại – logistics – công nghiệp; Đồng Nai – trung tâm công nghiệp – logistics – nông nghiệp ứng dụng cao. Tại miền Trung, Đà Nẵng sáp nhập với Quảng Nam sẽ định hình trung tâm logistics – công nghiệp – du lịch tích hợp, với khối ngành du lịch – dịch vụ chiếm tới 71% GRDP, là bệ đỡ cho nền kinh tế. Tương tự, một trung tâm kinh tế biển – năng lượng và du lịch quốc tế cũng sẽ hình thành tại Khánh Hòa mới hậu sáp nhập.
Giá bán tiếp tục đi lên, mức độ quan tâm phục hồi
Thị trường bất động sản trong quý 2/2025 tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng giá, đặc biệt ở phân khúc bán. Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình tiếp tục nhích lên, trong bối cảnh dòng tiền đầu tư từng bước được khơi thông và các yếu tố vĩ mô dần chuyển biến tích cực.
Trong khi đó, mức độ quan tâm bất động sản bán có xu hướng giảm nhẹ so với quý trước, phản ánh tâm lý quan sát trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cuối quý 2 đã ghi nhận tín hiệu phục hồi rõ nét sau kỳ nghỉ lễ kéo dài và thông tin tạm hoãn áp thuế đối ứng từ Hoa Kỳ.
Đối với bất động sản cho thuê, thị trường giữ được trạng thái ổn định trong quý 2. Giá thuê không biến động đáng kể, mức độ quan tâm tại các thành phố lớn duy trì ổn định.

Giá bán tiếp tục tăng, MĐQT ghi nhận giảm nhẹ nhưng có sự phục hồi sau kỳ nghỉ lễ dài và các biến động vĩ mô. Nguồn: Batdongsan.com.vn
Xét theo khu vực, thị trường TP.HCM cho thấy sức bật trong bối cảnh biến động vĩ mô. Cụ thể, TP.HCM mới (bao gồm khu vực sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu) tăng 6% mức độ quan tâm so với quý trước cho thấy hiệu ứng tích cực từ kỳ vọng quy hoạch đô thị mới. TP. HCM cũ cũng tăng 6% mức độ quan tâm, trong khi Hà Nội ghi nhận mức giảm 16%, phản ánh sự phân hóa về mức độ quan tâm giữa hai trung tâm kinh tế lớn.
Đối với thị trường cho thuê, các đô thị lớn vẫn giữ nhịp ổn định: TP.HCM giảm nhẹ 4% mức độ quan tâm, còn Hà Nội giảm 1%. Xét theo loại hình, chung cư là phân khúc ghi nhận mức tăng mạnh nhất mức độ quan tâm trong quý 2/2025 với 8%.

Mức độ quan tâm tại thị trường bất động sản TP.HCM tăng lên sau khi sáp nhập địa giới hành chính
Ngược lại, phân khúc đất nền giảm 19% mức độ quan tâm, cho thấy sự “hạ nhiệt” rõ rệt sau giai đoạn tăng nóng đầu năm. Các loại hình như nhà phố, biệt thự, nhà riêng cũng ghi nhận mức giảm nhẹ, dao động từ 2–15%, phản ánh có xu hướng thị trường phòng thủ trước những biến động vĩ mô, quay trở về với những loại hình bất động sản ở thực, dễ khai thác.
Chuyên gia từ Batdongsan.com.vn nhận định, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh đầu năm, thị trường đất nền trong quý 2/2025 ghi nhận xu hướng hạ nhiệt rõ rệt cả về mức độ quan tâm lẫn nguồn cung. Nguyên nhân chính đến từ thông tin liên quan đến đánh thuế bất động sản, biến động về thuế quan và kỳ nghỉ lễ kéo dài cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Xét về tổng thể quý 2/2025 cho thấy thị trường đang ở trạng thái “quan sát - chờ đợi”, với sự phân hóa rõ rệt giữa các khu vực và loại hình. Tuy nhiên, với đòn bẩy từ hạ tầng kết nối liên vùng, chính sách quy hoạch đồng bộ và dòng vốn đầu tư công tiếp tục được ưu tiên, kinh tế vĩ mô đang đóng vai trò như “tấm nền ổn định”, giúp thị trường bất động sản từng bước thoát khỏi giai đoạn phòng thủ và hướng đến chu kỳ phục hồi bền vững hơn trong nửa cuối năm./.