Aa

Năm 2025 sẽ là một năm "bùng nổ" của các thương vụ M&A bất động sản

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 19/09/2024 - 06:25

Dự báo năm 2025, thị trường M&A bất động sản sẽ tiếp tục sôi động hơn bao giờ hết, khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đẩy mạnh hoạt động mua bán, sáp nhập dự án. Sự hoàn thiện của khung pháp lý mới cùng với nhu cầu lớn về nhà ở và bất động sản công nghiệp sẽ là động lực chính thúc đẩy làn sóng M&A mạnh mẽ này.

Động lực nào thúc đẩy M&A bất động sản?

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 8/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 20,52 tỷ USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý là sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, vốn FDI đăng ký cấp mới cho 2.247 dự án đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% về số dự án và 27% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút tới 2,4 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh, vốn FDI vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ và chiếm gần 14,4% tổng vốn FDI đăng ký.

Sự tăng trưởng của vốn FDI vào bất động sản cho thấy sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam. Trong đó, các yếu tố như tiềm năng tăng trưởng kinh tế, môi trường đầu tư thuận lợi, lợi nhuận hấp dẫn và sự ổn định chính trị xã hội đang tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư.

Đồng thời, sự gia tăng vốn FDI cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động M&A bất động sản. Các nhà đầu tư nước ngoài thường có xu hướng tìm kiếm các dự án tiềm năng thông qua hoạt động M&A để nhanh chóng thâm nhập thị trường và tận dụng cơ hội kinh doanh. Điều này tạo ra một thị trường M&A sôi động và nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản trong nước.

Bên cạnh đó, với môi trường pháp lý chặt chẽ khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động M&A và hợp tác đầu tư trong lĩnh vực bất động sản diễn ra sôi động hơn, giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc, mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, M&A được giới phân tích đánh giá như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp. Điều này là hiển nhiên bởi từ sau đại dịch Covid-19, cùng những biến động phức tạp của thị trường bất động sản trong những năm gần đây đã tạo ra áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. 

Để thích ứng và tồn tại, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách tái cấu trúc hoạt động, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc bán bớt một số dự án kém hiệu quả, hoặc không còn phù hợp với chiến lược phát triển dài hạn, để tập trung nguồn lực vào các dự án cốt lõi, có tiềm năng sinh lời cao hơn.

Còn một số doanh nghiệp khác lại chủ động tìm kiếm các đối tác chiến lược, có thể là nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài, để cùng hợp tác phát triển dự án, chia sẻ rủi ro và tận dụng thế mạnh của nhau. Như vậy, thông qua M&A, các doanh nghiệp bất động sản đã có thể tiếp cận nguồn vốn mới.

Thực tế, trong tháng 8 vừa qua, thị trường bất động sản đã ghi nhận thông tin một loạt thương vụ "chốt deal" thành công. Điển hình mới đây là thương vụ Tập đoàn KIDO nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Hùng Vương lên 58,05% vốn điều lệ, chính thức biến Hùng Vương thành công ty con của tập đoàn. KIDO đã thực hiện hai đợt mua vào hơn 9,5 triệu và 4,5 triệu cổ phần của Hùng Vương trong tháng 8 để hoàn tất thương vụ này. Được biết, Công ty Cổ phần Hùng Vương là chủ sở hữu của trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, tọa lạc tại quận 5, TP.HCM. Với tổng diện tích sàn kinh doanh thương mại gần 45.000m2, Hùng Vương Plaza bao gồm 7 tầng nổi dành cho hoạt động thương mại.

Trước đó, đầu tháng 8/2024, Tập đoàn Mường Thanh cũng gây chú ý khi tiếp quản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku từ Công ty TNHH Đầu tư Hoàn Sinh Gia Lai. Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng đây được xem là một động thái đáng chú ý trên thị trường M&A bất động sản.

Cũng ở thời điểm này, Tập đoàn Novalvand cho biết đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại công ty con là Công ty Cổ phần Huỳnh Gia Huy, cho Công ty Cổ phần Tập đoàn EverLand với giá trị chuyển nhượng khoảng 1.900 tỷ đồng. Được biết, Công ty Cổ phần Huỳnh Gia Huy là chủ đầu tư của dự án NovaHills Mui Ne tọa lạc tại Phan Thiết, với quy mô trải rộng trên gần 40ha.

Năm 2025 sẽ là một năm "bùng nổ" của các thương vụ M&A bất động sản- Ảnh 1.

Trong bối cảnh hiện tại, M&A được giới phân tích đánh giá như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cấu trúc của các doanh nghiệp.

M&A bất động sản sẽ sôi động hơn trong năm 2025

Các chuyên gia nhận định, hoạt động M&A bất động sản được kỳ vọng sẽ sôi động hơn từ nửa cuối năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025. Đáng chú ý, các thương vụ sẽ tiếp tục được thúc đẩy với sự tham gia của cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Trong đó, các phân khúc bất động sản có tiềm năng thu hút M&A lớn bao gồm bất động sản công nghiệp và logistics. Nguyên nhân là bởi sự phát triển của thương mại điện tử và xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra nhu cầu lớn đối với bất động sản công nghiệp và logistics tại Việt Nam. Bên cạnh đó, phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn, đặc biệt là tại các thành phố lớn và khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills nhìn nhận, từ khi các luật mới liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực, thị trường đã chứng kiến hàng loạt thương vụ M&A với quy mô lớn. Điều đó cho thấy, các chủ đầu tư tích cực thu gom quỹ đất, tích cực gia tăng nguồn vốn để phát triển trong chu kỳ mới. Dự kiến, làn sóng M&A sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025.

Năm 2025 sẽ là một năm "bùng nổ" của các thương vụ M&A bất động sản- Ảnh 2.

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills.

"Năm 2025 được dự đoán sẽ là một năm bùng nổ cho các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Hình thức đầu tư này đang ngày càng trở nên phổ biến, bởi nó mang lại lợi ích cho cả hai bên tham gia", ông Troy Griffiths nhận định.

Theo chuyên gia này, nhà đầu tư nước ngoài, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và kinh nghiệm quốc tế dày dặn, có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam đầy tiềm năng. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước, với lợi thế về quỹ đất rộng lớn và sự am hiểu sâu sắc về luật pháp, quy trình đầu tư địa phương, có thể tận dụng nguồn vốn và kiến thức chuyên môn từ đối tác nước ngoài để phát triển các dự án quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chính sách mở cửa của Chính phủ, thể hiện qua việc nới lỏng các quy định về sở hữu bất động sản cho người nước ngoài và cải thiện môi trường đầu tư, sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ thu hút thêm dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng vượt bậc của các giao dịch M&A trong thời gian tới. Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng dễ dàng tìm được đối tác phù hợp, đó sẽ là thách thức cho các doanh nghiệp.

"Mặc dù còn đối diện với những thách thức kinh tế như sức mua toàn cầu yếu, căng thẳng địa chính trị và áp lực lạm phát có thể tiếp diễn trong quý III, nhưng dòng vốn FDI và đầu tư cơ sở hạ tầng tích cực trong nước vẫn sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam. Chúng tôi dự báo thị trường sẽ phục hồi dần trong các quý tới, đặc biệt là phân khúc bất động sản thương mại, bao gồm văn phòng, bán lẻ và công nghiệp/hậu cần, sẽ tiếp tục dẫn dắt khối lượng đầu tư và các thương vụ M&A", ông Troy Griffiths dự báo thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top