Tôi dám khẳng định, một trong những tin tức được đưa nhiều nhất qua đài truyền hình trong bản tin nóng nhất vài năm trở lại đây, là những trận vỡ hụi, vỡ đa cấp, lừa đảo bằng chiêu thức cấp hàng miễn phí…. Những hình ảnh của hàng chục, hàng trăm bản tin ấy gần như giống nhau: Đó là cảnh người mất tiền khóc sưng cả mắt, có người gần như phát điên, có người thân tàn ma dại vì tiếc của, bị chồng con, người thân ruồng rẫy phải ra ở chuồng lợn, có người biệt xứ vì không thể trả nợ.
Nặng nhất là người bị lừa chọn cái chết đau đớn.
Còn nhẹ nhất thì cũng nhà tan cửa nát.
Song hành với những cảnh thê thảm trên, như một cách “đối chiếu” để thấy mối liên hệ nhân quả nhãn tiền, nhà đài chiếu cảnh những cuộc hội thảo hoành tráng tại những khách sạn sang trọng, có mặt hàng trăm, hàng ngàn người, với bộ mặt ai nấy rạng ngời, háo hức, ngồi nghe những gã đàn ông béo tốt ăn mặc sang trọng thể hiện đẳng cấp giầu có, hay những thiếu nữ xinh đẹp, chân dài đến nách, mắt xanh mỏ đỏ thuyết trình về cách làm giầu. Cả giống đực và giống cái ấy đều có khả năng múa mép, thôi miên người nghe, khiến họ như lên đồng trước viễn cảnh tiền sắp chảy vào túi còn nhanh, nhiều và dễ dàng hơn cả nước máy!
Tuy những lời dụ dỗ được lên chương trình công phu, được đạo diễn, diễn xuất nhiều lần trước khi thể hiện, để nó kín kẽ và hấp dẫn, nhưng vì là nói dối, nên nó cũng thường lộ ra những khe hở lừa đảo. Chỉ cần tỉnh táo một chút là có thể phát hiện ra để lật tẩy hoặc tránh cho xa.
Chẳng hạn với việc huy động vốn đầu tư với lời hứa lãi suất lên đến 200 phần trăm một năm, người nghe chỉ cần tự hỏi: Kinh doanh gì trong thời buổi này để có được điều đó?
Là lập tức phải cảnh giác.
Chẳng hạn với việc người dân được mời cứ bỏ tiền mua hàng với lời hứa rồi bên bán sẽ hoàn tiền 100 phần trăm theo chương trình “tri ân”, chỉ cần tự hỏi, vậy thì động cơ của những người bán hàng là gì? Lợi nhuận của họ nằm ở đâu? Mình làm gì mà được những người chẳng hề quan biết tri ân? Chỉ cần hỏi đến thế là nhận ra ngay có sự khuất tất, vô lý nằm ở đâu đó.
Nhưng hình như khi lòng tham trỗi dậy, ngay cả sự tỉnh táo nhỏ nhất là nếu mình khôn thì cũng đầy người khôn, tại sao họ không làm như mình là vay ngân hàng để cho vay lại lãi gấp hàng chục lần, cũng chẳng ai quan tâm. Và thế là điều từng diễn ra, tưởng chỉ một lần cũng đủ kinh hoàng, đủ để cạch đến già, thì lại vẫn cứ tiếp tục diễn ra, có lý do để không ngừng lặp đi lặp lại. Bọn lừa đảo cứ tiếp tục nhơn nhơn, nạn nhân cứ nối nhau lần này lần khác thành một danh sách dài không có điểm dừng.
Kì lạ là qua biết bao trả giá, bài học đơn giản và đau đớn nhất vẫn không được rút ra, để cộng đồng truyền nhau cảnh giác.
Tất cả là ở hai chữ lòng tham.
Khi lòng tham ngự trị, các giác quan khác đều bị bít kín, bị mù, bị điếc, bị tê liệt. Lòng tham khiến người ta nhìn vịt trời thành vịt nhà, nhìn thấy giấy lộn lại cứ tưởng tiền. Lòng tham còn có thể khiến người ta tưởng chỉ mình lọc lõi, may mắn (tức là đã lộ ra ý coi thường người khác?) ngay cả khi đang ở giữa thảm họa cận kề. Đúng là tham thì thâm. Nhưng tham cũng còn là ngu dốt, ích kỉ nữa.
Đến thế thì thôi đành. Họ đúng là nạn nhân nhưng liệu có đáng thương? Kẻ tham lam nào thì cũng nên bị trả giá một lần, để rồi sáng mắt ra. Nghe có vẻ ác, nhưng tôi cũng chưa nghĩ được cách nào khác.