Aa

Những nẻo đường hóa duyên

Thứ Bảy, 02/05/2020 - 07:00

Không nhất thiết phải tới chùa mới có thể làm “công quả”, mới có thể thấy “Phật”. Càng không phải ở nơi những vị tu hành, mới thấy được bóng dáng của một “Thiền sư”.

Hôm nay, chúng tôi lại rong ruổi trên những con đường quê. Nơi này, cũng dưới những áng mây trắng thong thả bay ngang, cũng những cánh đồng lúa và núi non thăm thẳm, những mùi hương quê ngai ngái thảo thơm nhưng hôm nay, có một vị thiền sư đã đi qua. Ngài đặt từng bước chân trên nẻo đường hóa duyên khắp các miền đồng bằng Bắc bộ từ kinh đô Hoa Lư xưa...

Tôi muốn kể cho quý vị nghe đôi dòng về những bước chân mà vị thiền sư ấy từng qua. Những bước chân trên nẻo đường rất đỗi bình thường, dung dị. Thiền sư xuất thân từ nghề chài lưới, từng là đạo sĩ, chân nhân, từng là thầy thuốc chữa bệnh cho dân, cho vua, lại từng là quốc sư. Với các truyền tích và sắc phong còn lưu, ngài còn là người có công tạo nên An Nam tứ đại khí và từng là một vị thánh trong tứ bất tử của dân tộc. Đó là thiền sư Minh Không.

Nước ta, dưới thời Lý, vua lấy Đạo Phật làm nền tảng để trị quốc, an dân. Đất nước trải suốt triều đại Lý Trần được cho là giai đoạn thuần từ nhất trong lịch sử.

Thời vua Lý Nhân Tông, có rất nhiều những người tu đạo. Họ am hiểu Lão – Nho – Phật và từ cái thấy của mình, họ đã tìm ra một chiều hướng tâm linh cho cả dân tộc. Chiều hướng tâm linh ấy, có sự kết hợp của đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, lấy việc thờ phụng tổ tiên, lấy hiếu đạo làm gốc. Có thờ thì có cúng, có giỗ để bày tỏ lòng thương tưởng, kính ngưỡng đến tiền nhân. Việc thực hành các nghi thức cúng tế tuy vậy được tiếp biến hài hòa với giáo lý Phật giáo và nhờ đó, đạo Phật cũng mang thêm màu sắc mới. Màu sắc của quá trình bản địa hóa. Một đạo Phật hoàn toàn thuần Việt. 

Đến thời Trần, bằng chứng chúng ta còn lại trên văn bản cụ thể nhất chính là cuốn Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương của Trúc Lâm tam tổ Huyền Quang nói về niêm luật hành trì, cách làm đàn lễ cúng bái với sự kết hợp nhuần nhuyễn Phật – Lão. Cho đến ngày nay, các thầy tu, các thầy cúng và lễ tục trong dân gian vẫn áp dụng.

Thời Lý, những ngôi chùa được dựng lên khắp các làng quê, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Bắc bộ. “Đất vua”, nhưng chùa là “Chùa làng”. Chùa là nơi có những vị thiền sư dạy học, làm thuốc chữa bệnh cho dân. Chùa còn là nơi để người dân trong làng ấy nương tựa giáo lý và lời chia sẻ của những thầy chùa mà biết sống tốt đời, đẹp đạo. Cái nết lành thiện, từ bi, hiếu đễ được vun bồi như thế qua nhiều ngàn năm cùng nhiều bước chân miệt mài của những vị thiền sư như: Thiền sư Vạn Hạnh, Giác Hải, Không Lộ, Đạo Hạnh, Mãn Giác, lại có những vị giữ những trọng trách trong triều đình như vua Lý Anh Tông, Đỗ Anh Vũ, Đỗ Đô, v.v... Cho đến thời Trần, chúng ta có vua Phật – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, lại có những vị tu đạo như: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, v.v...

Nếu xét từ góc độ lịch sử, những vị thiền sư không sống như thời nay. Họ có thể là vua, quan, là đạo sĩ. Họ có gia đình, có vợ con. Khi khảo văn bia về các vị, chúng tôi thường thấy ghi rất cụ thể về cuộc đời làm quan, về vợ con bên cạnh công hạnh và sự nghiệp của họ.

Có lẽ, sau quá trình tu tập, họ đã chọn đi vào cuộc đời với tinh thần nhập thế. Như lời vua Lý Nhân Tông từng nói: “Các vị thiền sư, ngoài sức định tuệ thì còn phải phò vua, giúp nước”. Đạo Phật, vốn không chỉ ở nơi cửa thiền. Phò vua, giúp nước, ấy chính là “hộ quốc, an dân”.

“Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (Ảnh: Sưu tầm)

Các vị đã rong ruổi khắp những vùng quê để giúp dân. Chúng tôi cảm thấy xúc động khi tìm đến bất cứ vùng đất nào có dấu chân Thiền sư, người dân tưởng nhớ các vị từ những câu chuyện dung dị gần gũi như: Ông tổ nghề Rèn, nghề đúc đồng, múa rối, v.v.. hay những câu chuyện gánh núi, lập làng, dựng chùa. Các vị là thiền sư nhưng được dân thờ làm Thành hoàng làng để bảo hộ cho dân làng đời sống ấm no, yên vui, lại được Vua sắc phong qua các đời là Thần, Thánh bởi có công: Hộ quốc, an dân.

“Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, là vậy!

Trong cuốn Nẻo về của ý, thiền sư Nhất Hạnh qua lời chia sẻ của một nhân vật, ngài đã nói:

“Thật ra tại giác ngộ ta đặt Phật trong chùa để mà thờ chứ Phật đâu có muốn ngồi trong đó để hưởng xôi, chuối và hương hoa quả của thiên hạ. Những ông Phật như Phật Dược Sư, Phật Quán Âm, làm sao mà ngồi nhà được. Phật Dược Sư ngồi hoài trong chùa thì ai đi chữa bệnh cho thiên hạ thân bệnh và tâm bệnh? Phật Quán Âm, tức là Quán Thế Âm thì chắc là phải đi hoài, bởi vì Quán Thế Âm là “lắng nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời” mà tìm tới. Kinh Pháp Hoa đã chẳng định nghĩa như thế sao. Vậy thì mấy người học trò của mấy ông Phật không lý cứ ở lỳ trong chùa khi các bậc thầy mình có mặt trong những nơi có khổ đau của cuộc đời sao? Như thế không phải là học trò của mấy ông Phật mà chỉ làm nô lệ của những pho tượng”.

Đạo Phật khi du nhập vào các quốc gia trên thế giới đã được đón nhận và phát triển rực rỡ. Tuy vậy, ở Việt Nam, Đạo Phật có một đặc điểm khác biệt sâu sắc. Đó chính là tinh thần nhập thế.

Chùa Bửu Long TP.HCM (Ảnh: Internet)

Trên những nẻo đường quê, mong tìm lại dấu chân của người xưa, một vị thiền sư đã đi vào cuộc đời dưới màu áo của đạo sĩ, cầu mưa nắng khi trời hạn hán thiên tai, chữa bệnh cho dân, cho vua; ngài đã đặt những nền móng đầu tiên cho tư tưởng nhập thế của Phật giáo sau này. Các vị đã làm nên nền tảng cho một chiều hướng tâm linh của dân tộc. Các vị thần, thánh mà nhân dân ta thờ phụng vốn đều là những con người đã có công giúp dân, giúp nước. Họ tạo ra những đổi thay và định vị cho dân tộc những nền tảng văn hóa để con cháu ngàn đời sau tiếp nối và phát triển.

Ngày nay, chúng ta hiểu, mình không nhất thiết phải tới chùa mới có thể làm “công quả”, mới có thể thấy “Phật”. Càng không phải ở nơi những vị tu hành, mới thấy được bóng dáng của một “Thiền sư”. Dĩ nhiên, những người xuất gia, cắt ái từ thân để quyết đi trên một con đường sáng mà học đạo, hành đạo ấy vô cùng đáng quý trọng, đáng kính. Nhưng không vì vậy, mà ta thiếu đức khiêm cung và lòng cung kính với những vị bồ tát đang đi vào cuộc đời. Họ có thể là một người rất đỗi nhỏ bé, bình thường. Có thể hôm qua, họ là một người vừa vụng về để cho mình học được hạnh bao dung và tình thương được trải rộng. Có thể, hôm nay, họ lại là một người vừa ngang ngược để cho mình nhẫn nại, vị tha.

Tôi nhắc đến điều này là bởi, có một câu chuyện hồi chiều, tôi vừa bị mắng khi chụp tấm bia trong một ngôi chùa mà chưa bạch với thầy trụ trì. Thầy có lẽ đang nóng giận, lại thấy tôi trong dáng vẻ bình thường không bận chiếc áo dài, nên quyết đưa ra công an để nói chuyện. Tôi gặp rắc rối một chút, lại chợt nghĩ, nếu như các vị xưa bởi dính mắc nơi sự phán xét vì một màu áo, vì một việc làm như cầu đảo nắng, mưa hay việc ra làm quan, có gia đình, v.v.. Nếu bị dính mắc, nếu bị sự phán xét như một màn lưới sắt giam hãm, liệu có có một Quốc sư được dân gian tôn làm phúc thần, làm thánh tổ đại pháp thiền sư?

Tôi viết những dòng này gửi đến quý vị sau một ngày điền dã. Người thấm mệt, trời lại bất chợt đổ mưa. Nhưng tâm nguyện với tiền nhân trở thành nhiệt huyết để nâng đỡ và giúp tôi thêm bền bỉ. Tôi ghi lại để chia sẻ cùng quý vị những ý, những tứ bất chợt đến. Những ngày mừng Phật đản sinh, nguyện cầu cho sự đản sinh của một vị Phật, của một vị thiền sư sẽ được biểu hiện nơi mỗi người.

Nguyện cầu những trái tim có lý tưởng, có hạnh nguyện độ sinh đi vào đời sẽ gặp được nhiều thiện duyên, sẽ thành tựu công hạnh. Nguyện cầu những bước chân hóa duyên nơi mỗi chặng đường có trắc trở thì cũng vững vàng, bền bỉ và bước chân ấy sẽ gieo được những hạt giống lành của hiểu, của thương, của Phật tính, nơi cuộc đời.

Xin khép lại những tản mạn bằng một tâm nguyện rất đẹp của những người con Phật, cũng là tâm nguyện của tôi với cuộc đời..

“Ngày mai, nếu chúng tôi có cháy thành tro bụi thì tro bụi ấy cũng sẽ là tình yêu. Chúng tôi, lúc đó là tro bụi, sẽ thấm vào lòng đất, sẽ làm chất bón tươi tốt cho một loài hoa, nở những bông hoa cho loài người, những bông hoa không biết oán thù là gì. chúng tôi sẽ luân hồi trở lại bao nhiêu lần, hoặc là hoa, hoặc là cỏ, hoặc là chim, hoặc là mây, hay trong bất cứ hình thái nào, hiện tượng nào. Chúng tôi muốn trở lại hoài, trở lại để mà mang đến cho con người bức thông điệp tình yêu bất diệt ấy".

(Trích: Nẻo về của ý – Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top