Aa

Ông chủ và người làm thuê

Thứ Ba, 15/12/2020 - 07:00

Trong một bài viết, Cụ Hồ nói thẳng rằng, Chính phủ chỉ là đầy tớ của dân. Nếu Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ, người dân sẽ đuổi họ đi để thay vào đó những người khác.

Quan điểm cán bộ là người phục vụ nhân dân được khẳng định ngay từ những ngày đầu thành lập Chính phủ của nước Việt Nam thời kỳ mới. Người đầu tiên nêu lên và luôn luôn nhắc nhở cán bộ của mình về thái độ tận tụy phụng sự nhân dân, chính là Cụ Hồ.

Nói ngắn gọn thì người dân là ông chủ, còn các cơ quan công quyền là những người làm thuê. Nhưng thực tế nhiều năm qua, người nào có đang ở đúng vai người ấy không, lại luôn là câu chuyện khác và khi mối quan hệ này còn mập mờ, thì chưa thể nói gì đến một bộ máy phục vụ hiện đại đúng nghĩa.

Cụ Hồ đã nhiều lần chỉ ra rất cụ thể và rõ ràng mối quan hệ ông chủ - người làm thuê này. Trong một bài viết, Cụ Hồ còn nói thẳng rằng, Chính phủ chỉ là đầy tớ của dân. Nếu Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ, người dân sẽ đuổi họ đi để thay vào đó những người khác.

Về bản chất, chính phủ là những người được dân thuê để điều hành xã hội, phục vụ lợi ích và cuộc sống của họ. Lương bổng trả cho các nhân viên trong bộ máy hành chính chỉ lấy từ nguồn thu tiền thuế của dân. Người được thuê chỉ có nghĩa vụ làm tốt những công việc phục vụ ông chủ và nhận thù lao từ người trả tiền. 

Nhưng không hiểu sao trong quan niệm của đa số dân ta, Chính phủ nói riêng và các tổ chức khác nói chung, giống như những lực lượng vô hình được phái đến từ đâu đó, trước hết để ban ơn cho họ. Với họ, Chính phủ có trong tay nguồn của cải to lớn để cho ai thì cho, cho bao nhiêu là quyền của Chính phủ? Quan niệm này tai hại ở chỗ nó xác định sai lạc bản chất mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan hành pháp. 

Cụ Hồ với nhân dân và lời dạy của Người trong việc tận tụy phụng sự nhân dân.

Người dân tự nguyện phụ thuộc, lệ thuộc vào chính những người - như đã nói - thực chất là làm thuê cho mình. Cho nên mới xảy ra chuyện ngược đời là có nhiều người dân sợ chính quyền như sợ cọp! Với những người này thì chính quyền làm gì, làm thế nào là quyền của họ, mình chẳng có vai trò gì để đưa ra yêu cầu. Họ làm tốt thì mình được hưởng (chẳng hạn như may mắn không bị sách nhiễu, không bị gây khó dễ khi có việc cần phải gặp người của chính phủ; hoặc ngẫu nhiên gặp được người tốt, công việc thuận lợi...), còn nếu họ làm không tốt, họ gây cản trở, họ lên mặt hạch sách, vòi vĩnh… thì cũng đành cắn răng biết vậy. 

Hiện trạng đó đã và đang ngầm xác nhận một thực tế buồn cười là người làm thuê lại đứng ở vị trí của ông chủ và ngược lại. Những người làm thuê này tự thấy mình ở phía trên người dân để nhìn xuống, có trong tay quyền lực vô hạn. Người dân phải mang ơn họ cơ mà. Mà đã chịu ơn thì được ơn ngần nào tốt ngần ấy, không ai đi đòi hỏi người khác phải gia ơn.

Đến đây thì vấn đề không còn là chuyện ngữ nghĩa, truyền thống văn hoá hay quan niệm đạo đức, muốn hiểu thế nào thì hiểu, mà phải là vấn đề của khoa học, dân chủ, phát triển và văn minh, vốn dĩ không được phép mập mờ. Đã đến lúc mối quan hệ này phải trở về đúng bản chất của nó, trong đó nhân dân phải là chủ thể đưa ra quyết định cuối cùng. Đã đến lúc các nhân viên trong bộ máy công quyền phải luôn ý thức nghiêm túc rằng, nếu họ phục vụ không tốt, không tận tâm tận lực với công việc, vụ lợi cá nhân, tham ô tham nhũng, ăn cắp hoặc thiếu minh bạch trong chi tiêu tiền bạc, thì ông chủ nhân dân sẽ chuyển sang thuê người khác, tức là họ lập tức mất việc. Đã đến lúc trả lại cho người dân cái quyền tối thiểu của họ là không thuê những người không có phẩm chất và năng lực làm việc cho họ. Có như vậy chúng ta mới xây dựng được một chính quyền hiện đại như mong muốn của người dân và đòi hỏi của thời cuộc. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top