Aa

Ong, loài vật quy củ và kỷ luật

Thứ Ba, 27/07/2021 - 07:00

Có thể nói, ong là một xã hội gắn chặt giữa trật tự và tính tự giác đến mức siêu lý tưởng. Trong cộng đồng ấy, tất cả mọi thành viên đều tìm cách thể hiện hết trách nhiệm bản thân mình...

Tôi may mắn được theo bố tôi nuôi ong cả chục năm, lại chăm chỉ (thực ra là thích thú) đọc khá nhiều sách về loài ong mật (tên gọi chính thức là ong ruồi). Quan sát cuộc sống của loài ong là một việc làm có khả năng thư giãn rất cao, bởi nó vô cùng thú vị và bí ẩn.

Không phải vô cớ mà nhiều triết gia thần tượng mô hình tổ chức đời sống của loài ong mật khi nghĩ đến việc xây dựng hạnh phúc cho loài người. Đó là một xã hội quy củ đến mức nghiệt ngã mà chắc chắn con người không thể nào thực hiện được chứ chưa nói đến chuyện chịu đựng nổi. Hoặc có thể nói, ong là một xã hội gắn chặt giữa trật tự và tính tự giác đến mức siêu lý tưởng. Trong cộng đồng ấy, tất cả mọi thành viên đều tìm cách thể hiện hết trách nhiệm bản thân mình. 

Tuy đông tới hàng vạn con, nhưng do tập tính cần cù, dũng cảm, yêu lao động, đàn ong không bao giờ để xảy ra rối loạn, trừ khi bị bệnh tật, tai nạn, bị kẻ thù tấn công hoặc quốc vương (ong chúa) băng hà hay có ý chia đôi xã tắc.

Ong chia làm ba loại: Ong chúa, thực ra là con ong mẹ duy nhất, chỉ làm mỗi việc trị vì và sinh sản để duy trì nòi giống. Nó đóng vai trò tương tự con mối chúa. 

Quan sát cuộc sống của loài ong là một việc làm có khả năng thư giãn rất cao... (Ảnh sưu tầm)

Loại thứ hai, đông nhất và phổ biến nhất là ong thợ. Ong thợ lại chia ra làm nhiều loại theo phân công công việc: Ong thợ chuyên trinh sát nguồn hoa và phấn; ong thợ chuyên kiếm mật và phấn hoa; ong thợ chuyên làm công tác bảo vệ; ong thợ chuyên dọn dẹp, duy trì trật tự. Lại có những con suốt ngày chổng mông vẫy cánh, mấy ngàn vòng một phút, chỉ để tạo ra sự lưu thông không khí, làm mát tổ và giúp mật đặc hơn (quạt gió để bốc hơi bớt hàm lượng nước) trước khi bít lại để cất làm của dự trữ…

Loại thứ ba là ong đực. Loại này hoàn toàn chỉ làm mỗi việc giao phối với ong chúa. Chúng không có ngòi và ăn rất tốn thức ăn là mật dự trữ. Vì thế, xong mùa giao phối, những con ong đực còn lại trong tổ trở thành kẻ ăn bám đáng ghét, bị xua đuổi, bỏ đói cho đến khi chết hết.

Quá trình tạo ra các loại ong, đều do ong chúa. Nhưng ong chúa chỉ thực hiện nghĩa vụ sinh học thôi. Còn mọi việc khác mang tính kế hoạch, chiến lược, quy hoạch… đều do một tay ong thợ. Khi đàn quá đông, cần phải chia quân, lập tức ong thợ sẽ tạo những lỗ đẻ trứng to hơn lỗ đẻ thông thường, sau này sẽ là mũ chúa. Theo bản năng, ong chúa hoàn toàn vô tư đẻ trứng vào tất cả những lỗ được ong thợ chuẩn bị. Những ngày đầu tiên, tất cả trứng đều được ăn loại thức ăn cao cấp do ong thợ tiết ra (chính là sữa ong chúa). Nhiều người không biết, thấy tên là sữa ong chúa, cứ tưởng do ong chúa tiết ra. Sau ba ngày, những lỗ có trứng thông thường thì chế độ ăn thay đổi, chuyển sang ăn loại thức ăn khác, gọi là sữa nhừ, được chính ong thợ nhào từ phấn hoa với mật.

Những quả trứng này về sau sinh ra ong thợ. Riêng những lỗ nhằm để tạo ra ong chúa, thì chế độ thức ăn của ba ngày đầu tiếp tục duy trì cho tới khi con ong ra đời. Mũ chúa được cơi dài ra cho vừa kích thước to lớn của con chúa non sau này, trông như những núm vú. Khi đó, lỗ ong chúa được đổ đầy sữa do ong thợ tiết ra, để nuôi con nhộng và được chúng dùng sáp bít chặt đầu. Người ta khai thác sữa ong chúa chính là vào giai đoạn này. 

Chỉ khác về chế độ ăn và kích thước lỗ đẻ, mà loại thì ra ong thợ, chuyên cần làm việc cho đến lúc chết, không có chức năng sinh sản vì không có cơ quan sinh dục. Thay vào đó là một cái ngòi nhỏ như mũi kim, có thể tiết nọc để tiêu diệt hoặc làm tê liệt đối phương. Con ong thợ thường chết tại trận sau khi đốt, do ngòi ong thợ bị đứt vì cắm sâu vào da thịt đối phương, cũng là đứt đoạn cuối của ruột. Còn loại kia thì sẽ sinh ra một con ong chúa, kích thước và trọng lượng gấp hai ba lần con ong thợ.

(Còn tiếp)/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top