Aa

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc để dòng tiền đầu tư quay trở lại thị trường

Thúy Quỳnh (thực hiện)
Thúy Quỳnh (thực hiện) buithuyquynh2312@gmail.com
Thứ Hai, 18/09/2023 - 06:06

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, để kinh tế vĩ mô giai đoạn tới tăng trưởng ổn định, cần tháo gỡ khó khăn về vốn và pháp lý, khắc phục lệch pha cung cầu và thanh lọc doanh nghiệp bất động sản kinh doanh kém hiệu quả.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của lạm phát, xung đột địa chính trị, khủng hoảng năng lượng và đứt gãy chuỗi cung ứng, kinh tế Việt Nam đã và đang chủ động ứng phó với những rủi ro và ghi nhận một số kết quả tăng trưởng tích cực.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023 có nhiều điểm tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. 

So với tháng 7, tháng 8 ghi nhận mức tăng nhẹ của tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 32,37 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước. 

Đặc biệt, FDI vào Việt Nam đã có xu hướng tăng trở lại sau nhiều tháng giảm liên tiếp. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ, tăng 3,7 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm. 

Dù đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng bức tranh kinh tế quý cuối năm 2023 và đầu năm 2024 được cho là sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Bàn về triển vọng kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia. 

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Mục tiêu tăng trưởng "đang bị đe dọa" bởi sức hấp thụ vốn yếu

PV: Thưa PGS, chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 hôm 9/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 mới đạt 3,72% đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những tháng cuối năm. Theo đánh giá của bà, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% cho năm nay liệu có xa tầm với?

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Từ nay đến cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn đối diện với nhiều thách thức.

Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới chưa chắc chắn; bất ổn chính trị ở một số quốc gia, khu vực tiếp tục tạo ra nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo sức ép lên giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào, tác động lớn tới lạm phát. Nhiều quốc gia tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thắt chặt, điều này ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng và hoạt động xuất nhập khẩu. 

Ở trong nước cũng đang gặp một số khó khăn như khả năng hấp thụ vốn yếu, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư chưa được cải thiện. Giải ngân đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn chưa khắc phục được. Hành lang pháp lý, đặc biệt là Luật Đất đai đang là rào cản lớn cho việc phát triển thị trường bất động sản và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, tuy nhiên bộ luật này vẫn đang trong quá trình góp ý sửa đổi để hoàn thiện.

Điểm nghẽn về pháp lý là một trong những nguyên nhân cản trở sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản. (Ảnh minh họa: Vietnambiz)

Song, nền kinh tế trong nước thời gian qua cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, chỉ số IIP tháng 7 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất nhập khẩu đã có chuyển biến tốt hơn, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. FDI tăng cả về vốn đăng ký và vốn giải ngân.

Lãi suất huy động đã giảm xuống dưới 7% trên toàn thị trường; lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại hiện ở mức 5,8% (thấp hơn 0,7% so với cuối năm 2022), là cơ sở cho việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. 

Cùng với đó, một số chính sách mới nhằm phục hồi và phát triển kinh tế có hiệu lực bắt đầu từ 1/7/2023 sẽ góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Đến đầu năm 2024, nếu Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thì sẽ tháo gỡ được những nút thắt, những vướng mắc pháp lý về đất đai, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với một số tín hiệu tích cực xen lẫn khó khăn, thách thức kể trên, tôi cho rằng khi niềm tin của người dân, doanh nghiệp trở lại, kỳ vọng thị trường khởi sắc, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,0 - 6,2% vào năm 2023 và khoảng 6,8 - 7% vào năm 2024.

PV: Xin bà chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, rào cản khi Việt Nam đang nỗ lực hướng tới đạt được các kết quả tốt nhất có thể trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023?

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Trước hết, một trong những khó khăn, rào cản làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế hiện nay bắt nguồn từ việc sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm đạt 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%). Các kênh huy động vốn qua thị trường vốn có hiệu quả chưa cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên nhu cầu vốn phục vụ phục hồi kinh tế chủ yếu là qua kênh tín dụng ngân hàng.

Tuy tăng trưởng tín dụng chậm, nhưng tỷ lệ tín dụng trên GDP ở Việt Nam vẫn luôn rất cao, đặc biệt là từ năm 2020 đến nay, khiến cho hệ thống ngân hàng Việt Nam luôn tiềm ẩn rủi ro khó lường. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý còn nhiều bất cập cũng cản trở sự phát triển của nền kinh tế.

Hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu làm ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Tuy vậy, chúng ta vẫn có những điều kiện thuận lợi để tăng trưởng, cụ thể là: Sức mua và niềm tin của người tiêu dùng đang dần được cải thiện theo hướng tích cực; xuất khẩu bắt đầu phục hồi, đơn hàng tháng 8 đã tăng lên đáng kể. 

Động lực của những tín hiệu phục hồi này chính là các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi lớn cho xuất nhập khẩu như: Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn trong điều kiện áp lực lạm phát không lớn; lãi suất liên tục giảm giúp giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. 

Cùng với đó, các Bộ có liên quan cũng đang tích cực tổ chức các chuỗi sự kiện kết nối quốc tế trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” nhằm tìm kiếm các đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam, đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bộ Tài chính cũng đang đẩy nhanh việc hoàn thuế, giãn, hoãn thuế, ứng dụng công nghệ nộp phí, thuế, ứng dụng công nghệ trong chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. 

Thị trường chứng khoán tuy chưa có dấu hiệu khởi sắc, khối ngoại vẫn bán ròng trong vài tháng qua trên sàn HOSE, nhưng nhiều nhà đầu tư, các chuyên gia chứng khoán đều có nhận định, chứng khoán sẽ có xu hướng tăng trưởng dài hạn trong thời gian tới.

Tháo gỡ khó khăn về vốn và pháp lý, tạo động lực tăng trưởng

PV: Vậy cần có thêm sự hỗ trợ nào về nguồn vốn và pháp lý để giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình kinh doanh trong những tháng cuối năm và đầu năm tới, thưa bà?

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Trước hết về pháp lý, cần tháo gỡ những vướng mắc về Luật Đất đai đã và đang cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát các chính sách ban hành để khắc phục những nút thắt, chồng chéo, mâu thuẫn. Đây là lực cản lớn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, của doanh nghiệp, làm cho chính sách chậm đi vào thực tiễn, giảm niềm tin của người dân vào các chính sách của Nhà nước.

Về vốn nói chung và vốn tín dụng ngân hàng nói riêng, cần phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp để các doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường này.

Hiện nay, cầu vốn của nền kinh tế và của doanh nghiệp đang yếu. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vốn, nhưng lại không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, kể cả một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong khi các ngân hàng đều thừa vốn.

Vì vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành để giải bài toán vốn cho sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách và biện pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng; chính sách tài khóa… để cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Phía doanh nghiệp, cần nhanh chóng tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực tài chính, quản trị rủi ro, nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng hấp thụ vốn.

Đối với hệ thống ngân hàng, tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí để có điều kiện hạ lãi suất cho vay; rà soát các điều kiện vay vốn, xem xét phối hợp với các hoạt động bảo lãnh để giúp doanh nghiệp có vốn phát triển kinh doanh.

PV: Thị trường bất động sản từ cuối năm 2022 đến nay gặp rất nhiều khó khăn và gần như đóng băng, gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành nghề, lĩnh vực khác liên quan cũng như nền kinh tế nói chung.

Gần đây, dù đã ghi nhận một số tín hiệu khả quan hơn nhưng những chuyển biến còn chậm. Theo PGS, đâu là giải pháp để thị trường bất động sản thoát khỏi khó khăn và sớm phục hồi trong thời gian tới?

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi: Thị trường bất động sản hiện gặp phải nhiều vướng mắc, trong đó khó khăn về pháp lý là chủ yếu. Bởi vậy, để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn này, cần phối hợp đồng bộ các giải pháp, chính sách từ nhiều phía. Cụ thể: 

Về phía các tổ chức tín dụng, cần tiếp tục rà soát các văn bản hiện hành, quy trình, điều kiện cho vay, cũng như tiết giảm chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và để cho các doanh nghiệp bất động sản vay vốn trên cơ sở thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án, phương án vay vốn đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ, có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.

Đồng thời, cần tập trung vốn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. Rà soát kỹ các điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và cá nhân, tổ chức mua, nhận chuyển nhượng bất động sản tiếp cận vốn khi đáp ứng đầy đủ điều kiện vay theo quy định.

Cần tập trung vốn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng và chủ đầu tư cũng cần đánh giá lại các dự án bất động sản đang cho vay, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án; đảm bảo thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Đối với các dự án hiện đang vướng mắc về thủ tục pháp lý, nên chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

Để tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản, các tổ chức tín dụng cần xem xét cho vay đối với cả chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng. Thường xuyên kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng, đến hạn chủ động thu nợ đầy đủ, để tăng vòng quay của vốn. Phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong cùng một dự án để có thể cho vay người mua nhà và thu nợ người bán nhà. Đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không bám sát nhu cầu thực, hoạt động kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, cần kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng để tránh tiếp tục đọng vốn lớn ở phân khúc này.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, cần chủ động tái cấu trúc, rà soát các sản phẩm phù hợp với thị trường và với người mua nhà ở thực, sẵn sàng bán, nhượng lại, thậm chí chấp nhận giảm giá những dự án không phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp, không phù hợp với nhu cầu của số đông khách hàng để tìm kiếm dòng tiền vào. Cần chủ động kiểm soát tài chính để có bước đi phù hợp, nâng cao chất lượng quản trị rủi ro.  

Trước đó, ngày 5/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Điều này giúp doanh nghiệp có một khoảng thời gian để cơ cấu và tìm kiếm dòng tiền, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để trấn an nhà đầu tư. 

Việc doanh nghiệp muốn hoãn, giãn nghĩa vụ thanh toán nợ trái phiếu rất cần sự cảm thông, thấu hiểu từ phía các trái chủ, nhưng để họ tin, đồng ý hoãn, giãn cho doanh nghiệp phát hành, cần vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát quá trình đàm phán trả nợ của doanh nghiệp để tránh chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ đối với trái chủ. 

Các địa phương cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án, chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết...

Các doanh nghiệp bất động sản cần nhanh chóng tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm, thúc đẩy dòng vốn lưu thông để vượt qua giai đoạn trầm lắng. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Cuối cùng, về phía Quốc hội, Chính phủ, cần chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng rà soát, sửa đổi văn bản pháp lý có những vướng mắc gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, tạo thay đổi căn bản để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại. Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan có liên quan đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, nhanh chóng khắc phục lệch pha về cung cầu; kiên quyết thanh lọc các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh kém hiệu quả, để dòng tiền đầu tư trong nước và nước ngoài quay trở lại thị trường. Đây là việc làm cấp thiết để nhanh chóng lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, từ đó thị trường bất động sản mới có điều kiện ổn định và phát triển bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top