Đó là mùa hè năm 1995. Tôi được chọn đi Cuba học chuyên ngành ngoại ngữ khi đang là cán bộ của Bộ Công an.
Trong những năm tháng trước đó, lúc nào tôi cũng mơ ước được đi học ở một nước Đông Âu như Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, hay Ba Lan, Hungary... Nhưng tôi biết, ước mơ chỉ là ước mơ mà thôi. Do sự phấn đấu của mình, cuối cùng tôi cũng được chọn đi Cuba học. Vì cha mẹ tôi chỉ là công chức nhỏ nên tôi không thể đi các nước mà tôi mơ ước được.
Vì nỗi khao khát biết thế giới bên ngoài, tôi rất mừng khi được đi học ở Cuba. Và tôi đâu biết rằng, chính trong sự không may ấy tôi lại có may mắn. May mắn đó chính là tôi được sống những năm tháng trên hòn đảo kỳ diệu này.
Chuyến đi ấy chỉ có một dày vò đến đau khổ mà có thời điểm tôi đã định ở lại. Thời gian ấy, vợ tôi đang mang thai đứa con đầu mà chưa có công ăn việc làm. Đêm trước khi đi, tôi thiếp ngủ vì chạy suốt ngày chào tạm biệt anh em ở cơ quan và bạn bè. Gần sáng tôi tỉnh giấc. Tôi nghe tiếng vợ tôi khóc thầm. Tôi đưa bàn tay sờ lên mặt vợ, thấy đầm đìa nước mắt. Tôi hỏi, vì sao em khóc? Vợ tôi thổn thức mãi mới nói được: “Anh đi, em sẽ nuôi con như thế nào?”. Đó là một câu hỏi đau lòng. Câu hỏi ấy vẫn vọng lên trong tôi cho đến lúc này. Và lòng tôi vẫn thấy nhói đau. Nhưng tôi đã quyết phải ra đi. Cái gì mạnh mẽ hơn cả nỗi buồn bã và sợ hãi của vợ tôi? Tôi không biết rõ. Có lẽ đó là số phận.
Hơn bốn năm sau, tôi mới trở về. Con trai tôi cũng đã hơn bốn tuổi. Thằng bé đã gọi tôi là chú xưng con trong những ngày đầu tiên hai cha con ở bên nhau.
Khi tôi đi, vợ tôi xin tiền bố mẹ đẻ mua cho tôi chiếc quần nhung, cái áo phông có thêu hình một quả táo và đôi giày bata trắng. Lúc tôi tập trung để chuẩn bị lên xe ra sân bay, một cán bộ tổ chức gọi tôi ra và nói: “Chưa ra khỏi đất nước mà anh đã ăn mặc như thế này à?”. Ông nhìn tôi với đôi mắt có vẻ rất coi thường và khó chịu. Tôi không hiểu được lời cảnh cáo của ông. Chỉ là bộ quần áo rẻ tiền mà một người vợ trẻ chưa có công ăn việc làm mua cho chồng để chồng mình nhìn sạch sẽ và đàng hoàng một chút khi đi ra khỏi đất nước.
Đoàn chúng tôi có mười người. Chín người còn lại đều mặc complet, đi giày da đen và mỗi người có một chiếc va li giả da. Sau này tôi mới biết loại vali đó là do chính người làng Đa Sĩ, quê vợ tôi, gia công. Ngày ấy, cán bộ đi học tập nước ngoài đều được duyệt mua một bộ complet, hai cái áo sơ mi trắng, hai đôi tất, hai cái áo may ô, một đôi giày da có dây buộc. Sau khi nghe lời cảnh cáo của ông cán bộ tổ chức, tôi bỗng nhận ra mình lạc lõng trong đoàn. Nhưng tôi không biết làm thế nào. Tôi đã lên đường ra sân bay trong một mớ cảm xúc rối bời.
Cha tôi và vợ tôi tiễn tôi đi. Khi tôi chào cha tôi và vợ để bước vào phòng đợi, lòng tôi mới dâng lên một nỗi nhớ khôn cùng. Sau cánh cửa kính, cha tôi đứng lặng im cùng vợ tôi buồn bã, hoang mang và đôi mắt nhìn vô định. Tôi không dám nhìn lâu hình ảnh cha tôi và vợ tôi. Tôi đã lẩn trốn vào giữa đám đông trong phòng đợi của sân bay.
Chuyến bay của Hãng hàng không Liên Xô chậm cất cánh vì lúc đó có mưa to ở sân bay Nội Bài. Chưa bao giờ tôi muốn bỏ chuyến đi như lúc đó. Tôi cầu mong có sự cố máy bay để máy bay không cất cánh được và tôi sẽ lại trở về nhà. Nhưng tôi đã trở thành kẻ bị giam cầm trong chiếc máy bay lớn ấy. Và tôi đã ra đi để hơn bốn năm sau mới trở về.
Chúng tôi ở lại Moscow ba ngày để chờ chuyến bay đi Cuba. Khi chúng tôi quá cảnh ở một sân bay của Ireland, chúng tôi đã ùa ra cửa sổ để xem một nước tư bản như thế nào. Phía bên ngoài sân bay, chúng tôi không thể hình dung nổi về cái sân đỗ xe hơi. Những chiếc xe nhìn từ xa như những bao diêm xếp hàng ngay ngắn và dài hun hút. Và chúng tôi đã không lý giải được những gì có bên ngoài sân bay ấy.
Tại sân bay quá cảnh, hàng không phát cho mỗi người một lon Coca-Cola. Khi chạm tay nhận lon Coca-Cola, tôi vội giật tay lại như chạm phải lửa. Chưa bao giờ tôi chạm vào một đồ vật lạnh như thế. Nhưng điều bi hài hơn là không ai trong chúng tôi biết mở lon nước uống đó như thế nào. Một hành khách châu Âu đi cùng chuyến đã dạy chúng tôi cách mở. Ông nhìn chúng tôi với đôi mắt vừa trìu mến vừa ngạc nhiên.
Khi lang thang trong khu vực quá cảnh ở sân bay, tôi nhìn thấy cửa hàng Duty Free Shop. Các thành viên trong đoàn chúng tôi đều biết tiếng Anh và nói rất khá. Trước đó tôi đã từng đi phiên dịch cho Hãng thông tấn Reuters. Thậm chí, trong đoàn còn có anh Thành, vốn tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương và rất giỏi tiếng Anh lĩnh vực thương mại. Thế nhưng tất cả chúng tôi đều không hiểu đúng nghĩa của dòng chữ ấy. Thời đó, xã hội và nền kinh tế Việt Nam chưa biết đến khái niệm này. Ngay một từ chỉ một món ăn là hotdog (như là một loại xúc xích) cũng từng bị hiểu sai là thịt chó nóng cơ mà. Anh Chiến, người nhiều tuổi nhất trong đoàn, con trai ông Hoàng Quốc Thịnh vốn là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, tỏ ra hiểu biết hơn, nói với chúng tôi, đó là cửa hàng cho không, ai thích gì trong đó thì cứ việc lấy mà không phải trả tiền. Nói vậy, nhưng chẳng ai dám lấy, cho dù một cái bút chì trong cửa hàng đó.
Lần đó, cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một tạp chí mà bàng hoàng và không hiểu nổi, tại sao lại có loại sách báo như vậy trên cuộc đời này? Đó là tạp chí Playboy có hình một cô gái khỏa thân trên trang bìa. Tôi đứng lặng nhìn rồi vội vã bỏ đi. Tôi cảm thấy như đã phạm tội.
Sau đó, suốt chặng bay cuối cùng từ Ireland đến Cuba, đầu óc tôi cứ rối tung lên vì bao ý nghĩ không đầu không cuối về cái sân bay quá cảnh ấy. Những gì tôi nhìn thấy ở đó làm tôi không hiểu được. Có những thứ đẹp lạ lùng mà trước đó tôi chưa từng nhìn thấy và có những thứ làm tôi kinh sợ như cô gái khỏa thân và cười rất tươi trên bìa tạp chí Playboy.
Ngày ấy, cho dù tôi có óc tưởng tượng như một nhà tiên tri thì tôi cũng không nghĩ đến một ngày những thứ hàng hóa đó, những bức ảnh khỏa thân đó lại có thể tràn ngập ở đất nước Việt Nam chúng ta. Tôi vẫn nghĩ về điều đó. Và tôi muốn hỏi mọi người rằng: Đấy là sự phát triển hay đấy là sự úa tàn của con người?
Chuyến bay của Hãng hàng không Liên Xô hạ cánh xuống sân bay Jose Marti của thủ đô La Havana vào lúc một giờ sáng. Khi máy bay hạ thấp độ cao, một người trong đoàn chúng tôi nhìn xuống và khẽ kêu lên: "Đang bay qua nước Mỹ đấy!".
Chúng tôi chen nhau về phía cửa sổ nhìn xuống. Một con đường rực sáng và lộng lẫy trong đêm. Ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một con đường rực ánh sáng trong đêm như thế. Có lẽ vậy mà người bạn tôi nghĩ đó là nước Mỹ khi máy bay bay qua. Cũng dễ hiểu thôi vì chúng tôi đều biết Cuba ở ngay cạnh nước Mỹ. Nhưng sau này chúng tôi mới biết đó chính là một trong những con đường đẹp nhất ở thủ đô La Havana. Con đường đó chạy men theo bờ biển. Con đường đó có tên là Malecon. Sau này, suốt bốn năm học đại học, ngoài sáu tháng học tiếng Tây Ban Nha ở khoa dự bị ở quận Siboney, chúng tôi ở trong cư xá cao 21 tầng ở ngay cạnh đường Malecon, nơi hàng năm diễn ra lễ hội Canaval kỳ thú.
Đoàn sinh viên chúng tôi được đưa về bệnh viện Tropical ở thủ đô. Tất cả các sinh viên ngoại quốc khi nhập học ở Cuba phải vào bệnh viện này và ở lại đó trong vòng một tuần. Các bác sỹ sẽ khám sức khỏe cho họ, kiểm tra nếu họ có bệnh truyền nhiễm thì được chữa chạy ngay.
Gần sáng, về đến bệnh viện, chúng tôi được dẫn đến một phòng ngủ rộng như một cái hội trường. Khi đèn trong căn phòng bật sáng, thì từ những chiếc giường trải ga trắng muốt, đồng loạt nhô lên những cái đầu, tóc xoăn tít, với đôi mắt nhiều lòng trắng nhìn về phía chúng tôi. Đó là những sinh viên các nước châu Phi được nhà nước Cuba cấp học bổng đến học đại học.
Khi biết chúng tôi là đoàn sinh viên Việt Nam, tất cả ồ lên và nhảy xuống giường, chạy đến bắt tay chúc mừng chúng tôi đã đặt chân lên một trong những hòn đảo kỳ diệu nhất của vùng biến Caribe xanh biếc quanh năm.
(Hết phần 1)