Aa

Phần 3: Trong thế giới của những chú mèo và chó hoang

Thứ Ba, 22/10/2019 - 06:30

Tại sao một con mèo mẹ và những chú mèo con chưa mở mắt ấy lại gây cho tôi hay ai đó một tai họa? Tôi chưa thấy chuyện ấy bao giờ! Tôi chỉ thấy con người mang tai họa cho con người mà thôi.

Tôi đã đến nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa ở đâu tôi thấy nhiều mèo hoang và chó hoang như ở Cuba và cụ thể là ở quận Siboney. 

Giữa những ngôi nhà, có thể gọi là biệt thự, là những khu vườn và đồng cỏ lớn. Những khu vườn và đồng cỏ ấy là thế giới của mèo hoang và chó hoang. Gọi là hoang nhưng chúng luôn được những người dân sống ở đó cho ăn. Thi thoảng, những con mèo hoang, chó hoang vẫn được những người dân cho trú ẩn trong những ngày mưa bão. 

Ngay trong buổi tối từ bệnh viện Tropical chuyển về trường dự bị đại học La Havana, chúng tôi được sắp sếp ở trong một ngôi biệt thự ba tầng. Buổi tối đó, tôi ngồi ngoài hiên và phát hiện những đốm sáng xanh từ các lùm cây quanh khu nhà. Những đốm xanh chuyển động và tiến gần đến nơi tôi ngồi. Cuối cùng thì tôi phát hiện ra đó là những đôi mắt mèo được ánh sáng từ ngôi nhà chiếu vào. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều mèo như thế. Chúng từ từ tiến về phía tôi và cất tiếng kêu nho nhỏ, ấm áp và có gì đó nũng nịu như giọng một đứa bé. 

Suốt tuổi thơ khi ở quê, tôi đã sống với những chú mèo. Mèo là một loài vật nuôi quá quen thuộc và gần gũi với các gia đình nông thôn miền Bắc. Trong những đêm mùa đông giá lạnh hồi đó, tôi đã từng ôm một chú mèo nằm ngủ. Ngủ với mèo quả thật rất ấm. Tiếng thở của mèo lúc nào cũng khác lạ, nó như những tiếng rung nhè nhẹ. 

Chính vậy mà khi ngồi ngoài hiên ngôi nhà giữa những khu vườn và cánh đồng cỏ với một đàn mèo như đang vây lấy mình không làm tôi sợ hãi. Sau này tôi mới nhận ra rằng: Cứ khi những ngôi nhà ở đó lên đèn thì lũ mèo hoang lại tìm về. Chúng đợi người ta cho ăn.

So với những đất nước tôi đến thì Việt Nam tàn phá thiên nhiên ghê gớm nhất. Đặc biệt là tiêu diệt các loài chim trời, thú hoang để ăn thịt. Thú ăn thịt chim, thịt thú rừng và thịt chó của người Việt Nam đã đến lúc nên dừng lại. Chúng ta đã phải chứng kiến rất đau lòng việc người ta đập chết một số kẻ bắt trộm chó. Còn gì thảm hại hơn thế nữa. Hình ảnh bắt trộm chó để giết thịt và một số những người bị đánh chết vì ăn trộm chó đã cho thấy dân trí của chúng ta thấp đến mức nào. Nếu ai đó nổi giận với tôi thì tôi cũng phải nói: Những hình ảnh đó giống như thời tiền sử. 

Ám ảnh đôi mắt mèo hoang.

Tôi không muốn tiếp tục nói về những chuyện buồn ấy nữa. Tôi đang nhớ về Cuba, vùng đất tôi đã ở đó hơn bốn năm trời. Tôi đang nhớ về những con mèo hoang và những con chó hoang nhưng gần gũi. Nhớ trận bão lớn ở Cuba mà tôi đã nói đến. Đêm ấy, gió và mưa to quất vào những ô cửa như là những viên đạn đá từ những cỗ máy bắn đá thời tiền sử. 

Trong tiếng gió gào thét và tiếng những hạt mưa ném vào cửa ngôi nhà, chúng tôi nghe mơ hồ tiếng kêu của những con mèo và chó hoang. Chúng tôi tỉnh dậy và bật đèn ngoài hiên nhà để quan sát. Và... chúng tôi thấy đứng chật cả hiên nhà là những mèo hoang, chó hoang. Chúng chạy về phía những ngôi nhà để tránh mưa bão. 

Chúng tôi quyết định mở cửa. Khi cánh cửa mở ra thì những con mèo, chó hoang lao vào ngôi nhà. Cả ngôi nhà chúng tôi đầy những mèo hoang, chó hoang ướt át và run rẩy vì mưa rét. Chúng tôi đã lục lọi và lôi ra những thứ gì có thể ăn được cho chúng. Bây giờ nhớ lại cái đêm mưa bão ấy, tôi cảm thấy ngôi nhà của sinh viên Việt Nam, đông đúc mèo hoang, chó hoang như là chiếc tàu của Noel trong trận đại hồng thủy. Đêm ấy, chúng tôi hầu như không ngủ. Chúng tôi ngồi nhìn những con mèo, chó hoang nằm ngồi la liệt trong ngôi nhà.

Phải hai ngày sau cơn bão mới tạm ngớt. Mèo hoang, chó hoang lần lượt trở lại thế giới của chúng là những khu vườn um tùm cây lá và đồng cỏ. Rồi những đêm sau đó, thường xuyên có những con mèo hoang, chó hoang trở lại ngôi nhà. Chúng trở lại không phải vì đói. Chúng đứng trước cửa nhìn chúng tôi. Những con mèo mạnh dạn hơn. Chúng đến bên và cọ tấm thân mềm mại đang rung rung những hơi thở vào chân chúng tôi. Còn những con chó thì ngoáy đuôi tỏ vẻ mừng rỡ. 

Lúc đó, một cảm xúc lạ lùng dâng lên trong tôi. Và cũng ngay lúc đó, tôi nhận ra rằng chúng trở lại để cám ơn chúng tôi đã cưu mang chúng trong đêm mưa bão. Nhưng có đêm, có những con mèo hoang đến nhìn ánh lửa hắt ra từ ngôi nhà chúng tôi ở. Nhìn rồi ra đi và cất tiếng kêu buồn bã, cô độc trong những khu vườn đầy bóng tối và những đồng cỏ đầy gió. Chính trong những đem như thế, tôi đã viết một bài thơ về những con mèo hoang ấy:

CON MÈO HOANG

Có một con mèo hoang

Lang thang trên đồng cỏ

Bốn cái chân gầy nhỏ

Đôi mắt trong buồn teo

Khi đồng cỏ vào đêm

Gió lồng như quỷ dữ

Mèo len lén tìm về

Những ngôi nhà có lửa

Tôi nấp sau cánh cửa

Như sắp làm điều gian

Tiếng mèo kêu trong đêm

Tưởng tiếng người khản giọng

Nó đứng nhìn ánh lửa

Như đã bao đêm rồi

Và lại nỗi kinh hoàng

Giật mình trong tiếng chạy

Tiếng mèo vừa gần đấy

Chợt tiếng mèo vụt xa

Đất trời thì bao la

Bụng con mèo đói móp

Tôi đi về đồng cỏ

Đi tìm tiếng mèo kêu

Ngọn lửa cầm trên tay

Tiếng mèo kêu rát ruột

Ôi cái con mèo hoang

Lang thang trên đồng cỏ

Đêm về nhìn ngọn lửa

Tha nỗi niềm tôi đi...

                    La Havana 1985

Sau này trở về nước, mỗi khi nghe tiếng mèo kêu trong đêm trong một khu vườn hay trên mái nhà ở làng mình, tôi lại nhớ đến những con mèo hoang ở quận Siboney, Thủ đô La Havana. Và những đêm như thế, lòng tôi lúc nào cũng dâng lên một nỗi buồn bã và trống trải lạ thường. Tôi vẫn nghĩ: Hình như có những cái hạt của một loài cỏ buồn bã và trống trải đã ủ sẵn trong con người tôi khi tôi vừa mới hình thai trong bụng mẹ. 

Chính vì thế mà nó mọc lên những mùa cỏ dại rồi lại rụng hạt xuống để lại làm nên mùa cỏ tiếp theo. Vì lẽ đó, mà cho đến bây giờ, khi tôi đang bước sang tuổi gần già rồi thì trong con người tôi vẫn mọc lên tươi tốt mùa cỏ dại của buồn bã và trống trải mà chẳng hề khác đi, cho dù tôi không còn thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc.

Đã bao năm tôi rời xa hòn đảo biếc xanh giữa biến Caribe, nơi có những người đàn bà da đen đã yêu thương và chăm sóc chúng tôi như những đứa trẻ, nơi có những con mèo hoang và chó hoang nhưng lại gần gũi và thân thương vô cùng. 

Có không biết bao buổi chiều, tôi đã lang thang đi xuyên qua những khu vườn và những cánh đồng cỏ. Đi và đi, nhưng chẳng biết đến không gian, thời gian. Thi thoảng dừng lại vơ những đám cỏ khô rồi đốt lửa cho khói bay lên trời. Có lúc, có những con mèo hoang từ những lùm cỏ rậm rạp mò đến bên tôi. Thế là tôi theo chúng đi lang thang qua những lùm cỏ cho đến khi bóng tối buông xuống và gió nổi lên. Thực sự, có những buổi hoàng hôn như thế, tôi không biết mình là một con người hay đã biến thành một con mèo hoang. 

Sau khi học xong chương trình ngôn ngữ ở trường dự bị, chúng tôi bước vào đại học và ở khu nhà ngay cạnh con đê biển Malecón. Thi thoảng tôi lại đi xe buýt trở lại ngôi nhà đầu tiên tôi ở khi đến Cuba. Một gia đình Cuba hàng xóm ở đó mời tôi về nhà ăn bữa tối với họ. Sau bữa tối, thế nào thì tôi cũng đi ra đồng cỏ gần đó. Vừa đi tôi vừa kêu “meo meo” để gọi lũ mèo hoang. Và cuối cùng lại có ít nhất một con mèo hoang chui ra từ một lùm cỏ dại cao ngang ngực nhìn tôi rồi lại chui trở vào trong lùm cỏ. 

Có lúc, một con mèo hoang mạnh dạn bước lại bên tôi và cọ tấm thân mềm mại và đang rung rung từng hơi thở vào cổ chân tôi. Có thể đó là một trong những con mèo hoang đã chạy vào trú trong ngôi nhà của chúng tôi trong trận bão lịch sử ấy ở Cuba. Và có thể đó là một trong những chú mèo còn chưa mở mắt vì mới sinh mà con mèo mẹ đã một lần tha chúng vào nằm ngoan ngoãn dưới gầm giường tôi ở. 

Hàng ngày, cứ từ trường trở về nhà ở, tôi lại mang cho lũ mèo con một chai sữa và mấy quả trừng luộc lấy từ nhà ăn. Ở nhà ăn trường dự bị, lúc nào cũng rất nhiều sữa các loại và trứng gà luộc. Sau này trong nhà ăn ở cư xá đại học cũng vậy. Chúng tôi thương lấy một chai sữa, một chiếc bánh mỳ và mấy quả trừng luộc bỏ vào cặp và đến trường. Đấy là suất ăn trưa của chúng tôi mỗi khi chúng tôi lên lớp cả ngày. Tôi nhớ lần con mèo mẹ tha lũ mèo con chưa mở mắt vào nằm dưới gầm giường tôi, một người bạn Việt Nam bảo, đừng để mèo đẻ tha mèo con vào nhà vì như thế rất độc và không may mắn. Nhưng tôi chẳng bao giờ tin chuyện ấy. 

Tại sao một con mèo mẹ và những chú mèo con chưa mở mắt ấy lại gây cho tôi hay ai đó một tai họa? Tôi chưa thấy chuyện ấy bao giờ! Tôi chỉ thấy con người mang tai họa cho con người mà thôi.

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top