Aa

Phần 2: Những người đàn bà da đen

Thứ Ba, 15/10/2019 - 06:30

Sau này trở về nước, vào những đêm trăng, tôi thường nhớ về khu nhà của những người da đen tôi đã sống nhiều đêm. Nó luôn luôn làm tôi rạo rực với nhiều suy tưởng.

Có một lượng sinh viên rất lớn từ các nước Châu Phi đến Cuba học. Cuba bị cấm vận, cuộc sống trên hòn đảo này vô cùng khó khăn. Nhưng Chính phủ Cuba vẫn cấp học bổng cho hàng trăm sinh viên đến từ nhiều quốc gia mỗi năm. 

Hồi tôi học ở Cuba thì dân số Cuba khoảng 10 triệu người. Số lượng bò sữa của đất nước này tương đương với số dân. Cuba phải tự túc lương thực và thực phẩm cho toàn đất nước. Có một thời gian, Cuba đã mời các chuyên gia lúa nước Việt Nam sang để nghiên cứu và giúp nhân dân Cuba canh tác lúa nước. Cùng với bò, là một số lượng gà khổng lồ. Chính phủ Cuba kiên quyết phải sản xuất đủ sữa và trứng cho người dân trong mọi điều kiện.

Sinh viên Việt Nam đến học tập ở Cuba từ rất sớm. Có thể nói, hầu hết những người giỏi tiếng Anh của Việt Nam trong những năm chiến tranh và sau 1975 đều được đào tạo tại Cuba. Theo những người học tiếng Anh từ các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Hungary... thì học tiếng Anh ở Cuba là tốt nhất. Trước kia các sinh viên Việt Nam đến Cuba phải đi bằng tàu biển lênh đênh cả tháng trời. Thời chúng tôi, thì đi bằng máy bay của Hàng không Liên Xô. 

Trong những ngày ở bệnh viện Tropical, chúng tôi không thể làm quen nhanh được với đồ ăn Cuba. Thức ăn rất nhiều nhưng thường bị đói. Chúng tôi phát hiện ra trong khu bệnh viện có một cây ổi sai trĩu quả. Trong mấy ngày đầu, ổi là thức ăn chính của chúng tôi. Thấy chúng tôi bỏ thừa thức ăn mà lại hái ổi để ăn, những người đàn bà da đen nấu ăn cảm thấy lo lắng. Họ họp lại xem có chuyện gì đang xảy ra. Một người đại diện cho những người nấu ăn đến gặp chúng tôi. Bà không biết tiếng Anh còn chúng tôi không biết tiếng Tây Ban Nha. Chính vì thế mà cuộc nói chuyện chỉ dùng tay chân và điệu bộ và lại càng làm cho vấn đề có vẻ đi xa hơn. Tôi thấy những người đàn bà da đen Cuba rất lo lắng và căng thẳng. Họ nghĩ rằng họ đã nấu ăn quá tệ để những sinh viên Việt Nam bỏ bữa. Trong lúc câu chuyện đang trở nên khó hiểu, thì một người bạn của chúng tôi đã sang Cuba học trước đó ba năm, xuất hiện. Chúng tôi vui mừng gặp bạn và có phiên dịch. Và thế là câu chuyện đầy lo lắng đối với những người đàn bà da đen nấu ăn chỉ là chuyện chúng tôi chưa quen với khẩu vị mà thôi.

Rồi sau hơn bốn năm, thì tôi lại là người nghiện món ăn Cuba. Sau này, mỗi lần sang Mỹ, tôi hay tìm đến một quán ăn Cuba ở khu phố Mỹ La tinh. Đến đó, để bớt đi nỗi nhớ hương vị ẩm thực Cuba. Khi bước chân vào cửa quán, tôi dừng lại, hít thật chậm, thật sâu mùi vị thức ăn đang nấu từ trong bếp tỏa ra. Và lúc ấy, tôi lại nhớ về những người đàn bà da đen Cuba.

Trong sáu tháng học tiếng Tây Ban Nha ở trường dự bị của Đại học La Havana, những người đàn bà da đen phục vụ ở nhà ăn sinh viên làm chúng tôi nhớ nhất. Khi biết chúng tôi là sinh viên Việt Nam, họ vây lấy chúng tôi. "Việt Nam, Việt Nam, chúng mày thích gì nào?". Đó là câu hỏi thường xuyên vang lên mỗi khi chúng tôi đến nhà ăn của trường. Mỗi khi sinh viên Việt Nam đến ăn thì người chia cơm và thức ăn nào cũng cho chúng tôi khẩu phần ăn gấp rưỡi và đôi khi gấp đôi. “Có muốn ăn thêm nữa không?”. Họ lúc nào cũng hỏi chúng tôi như thế. Họ chăm sóc chúng tôi như mẹ, như chị hay em gái. Sự chăm sóc quá chu đáo và tình cảm làm cho sinh viên các nước khác ghen tỵ. Nhưng rồi sinh viên nước ngoài cũng thỏa mái và nói: “Chúng mày được ưu tiên như thế là đúng, vì đất nước chúng mày là đất nước anh hùng”.

Trong thời gian chúng tôi học dự bị, có một cơn bão rất lớn đổ bộ vào Cuba. Đường Malecon bị những con sóng khổng lồ quất vào như ta lấy xô nước lớn hắt vào cái hộp giấy. Có những chiếc xe hơi bị sóng hất lên và quật vào bức tường tòa nhà, tan tành. Toàn bộ thủ đô La Havana mất điện, kể cả khách sạn 5 sao. Sinh viên của trường nháo nhác vì không có đồ ăn. Nhưng nơi ở của sinh viên Việt Nam vẫn ngập tràn thực phẩm: Trứng, thịt hộp, gạo, đậu đỏ, bánh mỳ, mỳ sợi... Những thứ đó là do những người đàn bà da đen mang đến cho chúng tôi. Sinh viên Việt Nam có thể xử lý tình huống: Dựng bếp ngoài vườn để nấu nướng bằng cây củi. Chúng tôi nấu cho mình và cho cả sinh viên nước khác vì họ chẳng biết làm thế nào. Thế là, bếp ăn của nhà trường thì đóng cửa nhưng bếp ăn dã chiến của sinh viên Việt Nam lại nhộn nhịp lửa khói và mùi xào nấu.

Cuba những năm cuối thế kỷ 20.

Một lần, một sinh viên Việt Nam bị ốm, không đi ăn được. Những người làm ở nhà ăn sinh viên phát hiện ra đoàn Việt Nam thiếu người. Họ chưa thể nhớ hết tên chúng tôi và đôi khi nhầm lẫn người này ra người kia. Vì thế họ luôn luôn đếm chúng tôi. Nếu thấy không đủ sỹ số, họ sẽ hỏi, còn một “thằng” nữa đâu. Khi biết có người bị ốm, không đi ăn, họ mang cho chúng tôi thịt gà cùng đậu để nấu cháo và sữa với quýt cho người ốm. Ở Cuba có một giống quýt mà tôi chưa từng gặp. Quả của nó to như quả cam và không có hạt. Khi ăn, chỉ cần cầm lấy cái cuống giật mạnh lên là cả quả quýt bung ra. Ngọt và thơm lạ lùng. 

Bà hiệu trưởng cũng là người da đen mà chúng tôi gọi là Hefa. Cứ đôi ba ngày, bà lại ghé qua thăm chỗ chúng tôi ở, xem chúng tôi sống như thế nào. Thấy không gọn ghẽ sạch sẽ, là bà lệnh cho nhân viên phụ trách vệ sinh của trường xuống dọn dẹp. Tôi đã từng nhận thấy, cứ nơi nào có người Việt Nam là ở đó bề bộn, luộm thuộm. Khi bạn ở sân bay quốc tế, nếu thấy một người mang khoác theo rất nhiều túi, cái to cái nhỏ, túi vải, túi nilon, thì đó đích thị là người Việt Nam. Bà Hefa chăm sóc chúng tôi theo cách của một bà mẹ. Có lần, thấy chúng tôi vứt một đống quần áo, bà liền mang về và bỏ ra cả ngày nghỉ để giặt rồi là ủi cẩn thận. 

Đoàn Việt Nam được ở trong ngôi biệt thự rất đẹp. Quận Siboney có nhiều biệt thự và những khu vườn cùng cánh đồng cỏ rộng lớn. Khu này trước kia là nhà ở của các công chức có vị trí của chính quyền Batista. Nay được giành cho người dân ở. Có một điều đặc biệt là khu đó có nhiều mèo, chó hoang và chim. Vào mùa chim làm tổ, tổ chim treo dày đặc trên cây. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe về cuộc sống và thế giới những con mèo và chó hoang đó vào một kỳ khác. Câu chuyện đó có liên quan đến những người Việt Nam học tập và làm việc ở Cuba.

Trong mấy năm học ở Cuba, vào dịp nghỉ hè, tôi thường về chơi nhà của bà hiệu trưởng. Bà coi tôi như một đứa con. Bà giành một căn phòng đẹp cho tôi ở và hay nấu những món ăn Cuba ngon nhất cho tôi ăn. Có bốn món ăn Cuba, tôi không thể nào quên được. Đó là món gà quay, gọi là pio pió, món súp đậu đen nấu với thịt ba chỉ, món thịt lợn hầm với tỏi cùng nước bưởi và món cơm màu vàng. Bốn món ăn đó lúc nào cũng quyến rũ tôi. Món gà quay pio pió thường bán ở các quán cùng tên từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau và lúc nào cũng đông khách. Ở cạnh nơi tôi ở, có một quán như thế. Thường thì cuối tuần, chúng tôi mới rủ nhau đi ăn gà quay. Ăn xong, mua một cốc cà phê và ra đê biển ngồi chơi, nói chuyện với các cô gái da đen, những người già ngồi câu cá suốt đêm cho đến sáng. Có lúc chúng tôi nằm trên mặt đê biển và ngủ cho đến khi mặt trời lên.

Tôi thường đến khu người da đen ở khu phố Havana cổ. Tôi có một người bạn Cuba học cùng lớp. Những đêm mùa hạ, khu phố đó hầu như không ngủ. Những người da đen chơi cờ đôminô và chơi đàn ghi ta. Chúng tôi hát suốt đêm trong làn gió biển thổi về lúc gần sáng và vầng trăng như sà thấp xuống khu nhà của những người da đen. 

Những cô gái da đen dạy tôi nhảy. Những người đàn ông da đen dạy tôi pha món rượu RON Cuba thành cocktail. Có những đêm như thế, tôi ngồi lặng lẽ uống cocktail để nghe họ hát, họ chơi đàn và nhảy múa. Họ khác lạ so với chúng ta. Tôi thường nghĩ họ chính là một hình ảnh - như là kiểu âm bản - của chính chúng ta, mà nhiều lúc chúng ta không nhận ra. 

Sau này trở về nước, vào những đêm trăng, tôi thường nhớ về khu nhà của những người da đen tôi đã sống nhiều đêm. Nó luôn luôn làm tôi rạo rực với nhiều suy tưởng. Ở đó như tự do, như cô đơn và như cổ xưa...

Suốt 25 năm rời Cuba về Việt Nam, tôi chưa một lần trở lại. Nhưng tôi vẫn thường trở lại trong những giấc mộng của mình. Những giấc mộng sực nức mùi vị các món ăn Cuba, lấp lánh những hàm răng trắng của những người da đen, rừng rực những điệu nhảy và thăm thẳm đôi mắt cô gái Cuba 18 tuổi nhìn tôi trong những đêm vầng trăng như sà thấp xuống chạm vào mái nhà...

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top