Aa

PVMACHINO và tham vọng với ngành bất động sản

Thứ Ba, 19/03/2024 - 10:36

Vốn là một doanh nghiệp ngành dầu khí với hoạt động chính là xuất nhập khẩu và cung cấp máy móc, thiết bị phụ tùng, vài năm trở lại đây, PVMACHINO bắt đầu thể hiện rõ tham vọng lấn sân sang lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, thể hiện rõ nhất ở động thái gia tăng quỹ đất và bắt đầu triển khai một số dự án.

Đơn vị duy nhất đăng ký thực hiện dự án hơn 17ha tại Lạng Sơn

Liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Máy - Thiết bị Dầu khí Việt Nam (PVMACHINO - mã: PVM) và CTCP Kinh doanh và Đầu tư Đông Bắc là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Đông Kinh tại phường Đông Kinh, TP. Lạng Sơn. Dự án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 8/8/2023, với diện tích hơn 17,6ha, tổng mức đầu tư hơn 1.113 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án hơn 996 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 117 tỷ đồng). Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm, tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, cho thuê đất và tiến độ thực hiện dự án là 5 năm.

PVMACHINO - thành viên cũ của Tập đoàn Dầu khí là cái tên rất mới trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, khu đô thị Đông Kinh không phải là dự án đầu tiên mà doanh nghiệp này quan tâm hoặc tham gia đầu tư.

Hành trình "lấn sân" bất động sản và toan tính của PVMACHINO?

Công ty Cổ phần Công nghệ Máy - Thiết bị Dầu khí Việt Nam (PVMACHINO) tiền thân là Tổng Công ty Máy và Phụ tùng trực thuộc Bộ Thương mại ra đời từ năm 1956, đến năm 2005 chuyển sang mô hình công ty mẹ - con và đến tháng 3/2009 trở thành thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Từ tháng 11/2014, PVMACHINO là thành viên của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power - mã: POW) - trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Kể từ khi PV Power thoái toàn bộ 51,58% lượng cổ phần sở hữu tại PVMACHINO (tháng 3/2021), doanh nghiệp này không còn có vốn nhà nước, trở thành một doanh nghiệp đại chúng. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu năm 2022, PVM công bố bổ sung ngành nghề trọng tâm, trong đó có kinh doanh bất động sản. Đây được xem là bước chuyển mình của PVM khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp sở hữu nhà nước sang đại chúng. 

Được biết, bất động sản là một trong những ngành nghề mà trước đây doanh nghiệp này muốn làm nhưng chưa làm được, vì vậy, từ năm 2022, ban điều hành PVM đã tính toán các lợi thế của mình để tham gia sâu vào lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là từ khi có cổ đông mới là T&T.

PVMACHINO và tham vọng với ngành bất động sản- Ảnh 1.

Kể từ năm 2022, PVMACHINO mạnh dạn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản.

Đến cuối năm 2022, khi thị trường bất động sản bắt đầu chìm sâu vào khó khăn, PVM đã bắt đầu chớp thời cơ, đẩy mạnh việc tham gia nhận chuyển nhượng bất động sản. Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra cuối tháng 12/2022, PVM đã thông qua chủ trương đầu tư, đấu thầu một số dự án bất động sản (chung cư, đất ở, thương mại dịch vụ, khu/cụm công nghiệp, năng lượng tái tạo…) tại các địa phương như Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Bình, Khánh Hòa, Phú Thọ, Quảng Trị. Bên cạnh đó, PVM cũng thông qua chủ trương mua nợ tại một số tổ chức tín dụng với mục tiêu phục vụ cho việc phát triển các dự án bất động sản của công ty.

"Công ty đã và đang đẩy mạnh mở rộng hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, điện gió và năng lượng tái tạo nhằm hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững. Theo đó nhu cầu sử dụng vốn của Công ty trong thời gian tới là rất lớn. Việc cơ cấu lại danh mục đầu tư tài chính là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay", Chủ tịch HĐQT PVM Vũ Đức Tiến phát biểu tại Đại hội cổ đông1.

Thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT PVM cũng nhìn thấy cơ hội và không giấu giếm tham vọng khi cho rằng, việc mua lại bất động sản trong giai đoạn nhiều đơn vị bất động sản sở hữu các khoản nợ xấu, không thể triển khai tiếp dự án, buộc phải bán với giá chiết khấu là nghiệp vụ khá hấp dẫn, nhất là với các dự án có pháp lý rõ ràng, có thể đàm phán để mua với mức giá tốt nhất.

"Tận dụng lợi thế nguồn lực tài chính vững mạnh, hệ thống quản trị chuyên nghiệp, PVMACHINO từng bước vững chắc xây dựng trong lĩnh vực đầu tư - phát triển bất động sản, bắt đầu từ những dự án đầu tư trọng điểm tại các tỉnh miền Bắc.

PVMACHINO đang nỗ lực để trở thành nhà đầu tư - phát triển bất động sản chuyên nghiệp, đáng tin cậy tại thị trường Việt Nam, với danh mục đầu tư đa dạng như: khu nhà ở thương mại, khu đô thị, các cụm công nghiệp/khu công nghiệp…", chia sẻ tổng quan thể hiện toan tính của PVMACHINO về lĩnh vực bất động sản trên website của công ty.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4/2023, PVMACHINO cũng từng chia sẻ về kế hoạch đầu tư, tham gia đấu thầu các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo. Cụ thể, công ty đã xây dựng một danh mục đầu tư dự án chia làm 5 nhóm, gồm: Đất nền, bất động sản thương mại dịch vụ, chung cư, bất động sản công nghiệp và năng lượng tái tạo.

PVMACHINO cũng có kế hoạch hợp tác đầu tư với các đối tác như CTCP Licogi 13, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holding và triển khai một số dự án bất động sản đất nền tại Thái Bình, dự án công nghiệp tại Hưng Yên, Lạng Sơn và một số dự án khác.

Điều gì khiến PVMACHINO tự tin?

Quỹ đất có lẽ là một trong những yếu tố đầu tiên khi nói về tiềm lực của PVMACHINO đối với lĩnh vực bất động sản. Theo tài liệu đấu giá công bố hồi tháng 3/2021, PVM cho biết đang quản lý và sử dụng 1.827,69m2 đất tại số 8 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội; 1.500m2 đất tại số 25, đường Hùng Vương, Móng Cái, Quảng Ninh và còn có 10% trong dự án Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp, Khu đô thị Nam An Khánh, Hà Nội.

Bên cạnh đó, PVMACHINO còn có quyền sử dụng đất vô thời hạn tại thửa đất 44-2 tại số 5 cụm 4 phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội và liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hồ Gươm Plaza - Hàm Cá Mập).

PVMACHINO cũng đang quản lý lô đất 2,36ha tại Đông Anh, trước đây dùng góp vốn liên doanh với các đối tác Nhật Bản như Honda, Itochu Corporation, Showa Corporation, FCC, Nippon Seiki, Asia Motor… để sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, xe chuyên dụng và các loại máy khác.

Báo cáo tài chính quý IV/2023 cũng cho thấy, PVMACHINO đang hợp tác cùng Licogi 13 và CTCP Đầu tư Tesla để đầu tư dự án khu dân cư sinh thái Cam Phú tại TP. Cam Ranh, Khánh Hòa. Trong đó, phần vốn góp của PVMACHINO tại dự án này là 30%.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang hợp tác với CTCP Đầu tư Thương mại Đông Đô để nghiên cứu, triển khai và phát triển các dự án đầu tư bất động sản, cụm khu công nghiệp tại các tỉnh phía Bắc, trong đó tập trung tại Thái Bình và Nam Định. Tại Hưng Yên, doanh nghiệp cũng đang đầu tư Cụm công nghiệp Quán Đỏ tại huyện Phù Cừ với quy mô 66,5ha nằm gần quốc lộ 38B.

Năm 2023, PVMACHINO trúng thầu dự án Cụm công nghiệp Đình Lập tại Lạng Sơn, đồng thời cũng trở thành chủ đầu tư dự án Nhà ở thương mại Tiền Phong - Phú Xuân quy mô hơn 5ha tại Thái Bình cùng Công ty Cổ phần Nhà Mỹ Xuân Hà Nội. Tại dự án Nhà ở thương mại khu dân cư thôn Thái, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình với quy mô 7,8ha, PVM cũng tham gia cùng hai nhà đầu tư khác là Phục Hưng Holdings và Nacico.

PVMACHINO và tham vọng với ngành bất động sản- Ảnh 3.

Năm 2023, PVMACHINO trúng thầu dự án Cụm công nghiệp Đình Lập tại Lạng Sơn

Bên cạnh quỹ đất, lợi thế của một doanh nghiệp "tay ngang sang bất động sản" như PVMACHINO còn được thể hiện một phần ở năng lực tài chính, nhất là khi nhiều doanh nghiệp bất động sản trên thị trường đang gặp khó khăn về vốn và tỷ lệ nợ gia tăng.

Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2023, PVMACHINO ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 1.429 tỷ đồng và 144 tỷ đồng, lần lượt tăng 39% và 249% so với năm trước. Bên kia bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2023, PVMACHINO có tổng tài sản đạt 1.105 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm.

Đáng nói là, dù bức tranh tài chính tương đối khả quan, nhưng để tham gia sâu vào lĩnh vực bất động sản, năng lực vốn của PV MACHINO vẫn khá mỏng. Để triển khai các dự án lớn, đòi hỏi doanh nghiệp này phải huy động vốn một cách có hiệu quả. Tính đến hết năm 2023, nợ phải trả của PVM ghi nhận ở mức 436 tỷ đồng, tăng 32% so với thời điểm đầu năm, trong đó, nợ vay tài chính ở mức hơn 175 tỷ đồng.

Đầu tư bất động sản nếu thành công sẽ tạo ra lợi nhuận lớn, đó là lý do mà nhiều doanh nghiệp, trong đó có PVMACHINO tham vọng với ngành này. Song, với PVM, lĩnh vực bất động sản mới chỉ bắt đầu, ngoài sự tự tin và bước đi táo bạo trong việc "săn" quỹ đất của doanh nghiệp, chưa có căn cứ để có thể khẳng định lĩnh vực mới này sẽ đem lại thành công hay bế tắc.

Các chuyên gia cũng nhận định, việc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp ngoài ngành là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản, hứa hẹn sẽ đưa thị trường vào giai đoạn phát triển mới, giải quyết được phần nào nhu cầu về nhà ở, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân cả nước và du khách nước ngoài cũng như là tín hiệu đáng mừng cho các ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất…

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng nhờ tận dụng quỹ đất sẵn có phát triển dự án nhà ở, hoặc văn phòng cho thuê mà tạo được nguồn thu lớn, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng lấn sân sang mảng này thành công. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, lên kế hoạch kinh doanh bài bản và có chiến lược định hướng dài hạn thì mới thích nghi cũng như phát triển bền vững giữa bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều thách thức khó lường.

Bởi đi kèm với "miếng bánh" lợi nhuận vô cùng hấp dẫn, bất động sản là một lĩnh vực đầu tư tiềm ẩn không ít rủi ro. Việc ồ ạt đầu tư chạy theo lợi nhuận, thiếu chuyên nghiệp có thể khiến các doanh nghiệp "sa lầy" làm ảnh hưởng đến thị trường.

Cho đến nay, những bài học "thua làm giặc" của các doanh nghiệp "lấn sân" sang bất động sản vẫn còn dư âm khi nhắc đến một số tên tuổi như Mai Linh, Hoa Sen, Lã Vọng... Bài học của những doanh nghiệp thất bại trước là vết xe mà hiện tại các doanh nghiệp cần tránh đi vào.

1. https://pvmachino.vn/cong-ty-co-phan-may-thiet-bi-dau-khi-pvmachino-to-chuc-thanh-cong-dai-hoi-co-dong-bat-thuong-nam-2022/

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top