Aa

Sĩ phu Bắc Hà

Chủ Nhật, 10/05/2020 - 07:00

Một trong những tính cách nhất thiết phải có của giới tinh hoa trong xã hội là tự nhận thức. Có tự nhận thức được bản thân, nhận thức được chiều hướng vận động của cuộc sống thì mới dẫn dắt được dân tộc tiến lên.

Đây là một danh xưng khá phổ biến dành để chỉ tầng lớp nho sĩ trí thức khoa bảng thời phong kiến ở các tỉnh phía Bắc (kinh đô Thăng Long và các trấn xung quanh). Trong đó tầng lớp sĩ phu của trấn Kinh Bắc có lẽ khá đông đảo và tiêu biểu cho cái danh xưng này. Nhưng những phẩm chất gì của những con người này đã làm nên cái tính cách tiêu biểu gắn với danh xưng “sĩ phu Bắc Hà” của họ? 

Thật ra thì cũng chẳng có một định nghĩa chính thức nào cho cái điều trên. Mà hầu hết nó chỉ là câu chuyện bàn trà, hay gọi là chuyện lúc trà dư tửu hậu mà thôi. Câu chuyện này lại vừa được xới lên khi gần đây, tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ của nhà văn Khái Hưng được khá nhiều nơi tái bản. 

Trong tác phẩm này, Khái Hưng mô tả Phạm Thái, nhân vật chính như một tráng sĩ hào hoa, đánh gươm "múa" bút đều tài. Một nhà cách mạng kiên định. Thơ văn lai láng hiệp khách đa tình. Một sĩ phu Bắc Hà điển hình. Hình như Khái Hưng gửi gắm những mơ ước của cuộc đời mình vào trong nhân vật và tác phẩm, bởi khi đó ông và bạn bè đang phải rên xiết trong thân phận của một con dân Việt mất nước. 

Có lẽ ông chỉ mượn chuyện xưa để nói chuyện khi ấy mà thôi. Thực lòng là tôi đã đọc cuốn này từ lâu nhưng không để lại ấn tượng gì. Thôi thì văn học cũng như thức ăn, với người hợp khẩu vị thì nó là cao lương mỹ vị, với người không hợp là đồ khó nuốt trôi. Nhân sinh là vậy biết làm sao được?

Tuy nhiên ngoài cuộc đời, tôi lại khá thích thú với nhân vật Phạm Thái, nguyên mẫu trong tiểu thuyết. Ông đúng là một sĩ phu Bắc Hà điển hình: Biết làm thơ và đánh kiếm. Ngông nghênh, rượu chè và trung liệt đến mức bảo thủ. Câu chuyện tình bi thảm của cuộc đời ông với nàng Trương Quỳnh Như cũng để lại nhiều dư âm đau xót, nhưng lại để cho đời một tác phẩm văn học: Sơ kính tân trang

Bạn nào muốn biết Phạm Thái đã làm gì trong đời, đã để lại những gì một cách đầy đủ nhất nên tìm đọc các tác phẩm thơ văn của ông nay còn lưu truyền, rồi hãy đọc Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Như thế có lẽ sẽ cho một cái nhìn toàn diện đầy đủ hơn về nhân vật này. Rất đa diện. 

Thế nhưng tính cách nổi bật nhất của Phạm Thái có lẽ là “trung quân”- trung đến mù quáng, bất chấp thời cuộc đã đổi thay: Cuộc đời ông tuyệt đối trung thành tôn phò nhà Lê dù đã suy tàn tiêu vong, kiên quyết chống lại nhà Tây Sơn đã cầm quyền ở Thăng Long lúc đó. Tất nhiên là sự nghiệp phò Lê chống Tây Sơn của Phạm Thái phải bại vong. Vì làm sao có thể chống lại sự tuần hoàn suy vong hưng thịnh, vốn là một quy luật tất yếu của mọi triều đại, chả cứ gì cái triều Lê mạt đã quá mục ruỗng kia.

Trước thời Phạm Thái một chút trấn Kinh Bắc cũng có một tay nổi tiếng “trung quân”- bảo hoàng nhà Lê như vậy, là Lê Quýnh. Ông này cũng xuất thân từ một gia đình quý tộc khoa bảng, người làng Đại Mão, Thuận Thành. Một lòng phò Lê chống lại Tây Sơn. 

Việc Lê Quýnh có chủ trương cùng với Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh dẫn đến cuộc xâm lăng rồi đại bại dưới tay nhà Tây Sơn không thì sử liệu còn ghi lại khá nhiều. Và cũng có khá nhiều ý kiến khác nhau. Thế nhưng cái tính cách thủ cựu trung quân đến mù quáng, bất chấp thời thế đã xoay chuyển của Lê Quýnh là rõ ràng: Lê Chiêu Thống cùng Tôn Sĩ Nghị thất bại chạy về bên kia biên giới, Lê Quýnh đã tòng vong theo, đến mãi sau này khi nhà Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn diệt, Lê Quýnh mới đem hài cốt hoàng thân quốc thích cựu triều về cố quốc. 

Nhưng trong thời gian ở Trung Quốc, Lê Quýnh với tính cách “trung quân” đến thủ cựu của mình cũng đã nêu một điểm sáng để sau này hậu thế cứu xét lại cuộc đời đầy sai lầm của mình: Ông kiên quyết từ chối việc róc tóc thay y phục theo lối người Mãn Thanh, dứt khoát để tóc, y phục theo lối người Việt, dù có phải tù đày: “Đầu có thể chặt chứ tóc không thể róc!”

Không chỉ có ở Kinh Bắc, trấn Sơn Tây xưa cũng nổi tiếng với một ông nho sĩ khoa bảng tận trung với triều đình vua Lê - chúa Trịnh hiếm có, là Lý Trần Quán, người Hoài Đức (nay thuộc Hà Nội). 

Số là khi quân Tây Sơn tấn công ra Bắc dưới chiêu bài phò Lê diệt Trịnh, học trò của Lý Trần Quán đã bắt chúa Trịnh Khải đem giao nộp cho Tây Sơn. Can ngăn học trò không được, Lý Trần Quán đã tự chôn sống mình để chết theo chúa! Cho đến nay hậu thế vẫn chưa biết nên gọi hành động của vị tiến sĩ này là gì cho thỏa đáng. Tận trung hay ngu trung? Điên cuồng hay tiết tháo… Thật khó mà định danh cho đúng hẳn. Bởi khi cái niềm tin, cái lý tưởng đeo đuổi của cả đời con người ta bị đổ vỡ thì sự suy sụp tuyệt vọng kinh khủng đến mức độ nào.

Như vậy có thể nói, một trong những tính cách nổi trội của những người được gọi là “sĩ phu Bắc Hà” xưa, hình như là trung thành đến mức thủ cựu. Họ đã tin tưởng ai, tin tưởng điều gì thì bất chấp thời cuộc đã xoay chuyển, bất chấp cả đúng sai phải trái, họ vẫn một lòng kiên định đi theo niềm tin đã chọn của mình. 

Họ hầu như không còn khả năng cứu xét niềm tin của mình. Mà cuộc sống là một dòng chảy của thời gian, luôn vận động và biến đổi không ngừng. Một trong những tính cách nhất thiết phải có của giới tinh hoa trong xã hội là tự nhận thức. Có tự nhận thức được bản thân, nhận thức được chiều hướng vận động của cuộc sống thì mới dẫn dắt được dân tộc tiến lên. Những người cứ muốn khư khư ôm giữ cái điều cũ kỹ tối tăm, cứ tưởng mãi là khuôn vàng thước ngọc, vẫn cứ một mực giáo điều kia, là gì? Có gọi là mù quáng không nhỉ? Và như thế thì có còn được gọi là trí thức nữa không?   

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top