Aa

Sinh khí dần trở lại trên thị trường địa ốc phía Nam

Thứ Sáu, 22/03/2024 - 06:00

Thị trường bất động sản phía Nam đang có dấu hiệu ấm lên khi nhiều doanh nghiệp rục rịch bung hàng cũng như công bố các dự án mới sẽ triển khai trong năm 2024.

"Làn gió ấm" từ nguồn cung mới

Trái ngược với tâm lý e ngại của năm 2023, đầu năm 2024, nhiều chủ đầu tư ở khu vực phía Nam đã mạnh dạn hơn trong việc bung hàng ra thị trường cũng như rục rịch triển khai các dự án mới.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, trung tuần tháng 1/2024, Công ty đã khởi công dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 (tỉnh Bình Dương) với quy mô gần 2.700 căn hộ và nhà phố thương mại trên diện tích khoảng 1,8ha. Đây cũng là dự án có số lượng căn hộ lớn thứ hai của Phát Đạt sau Astral City tại TP. Thuận An.

Theo ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt, hiện công ty chỉ tập trung phát triển các dự án phù hợp với nhu cầu ở thực của khách hàng để đạt được mức độ hấp thụ cao nhất của thị trường. Do vậy, dự án khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 sẽ là một trong những dự án trọng điểm với quy mô lớn của tỉnh Bình Dương thời gian tới, đáp ứng được nhu cầu về nhà ở ngày một cao trên địa bàn tỉnh.

Sinh khí dần trở lại trên thị trường địa ốc phía Nam- Ảnh 1.

Lễ khởi công dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 tại Bình Dương ngày 19/1/2024.

Cũng tại Bình Dương, đầu tháng 3/2024, Phú Đông Group đã giới thiệu ra thị trường dự án căn hộ Phú Đông SkyOne, tọa lạc tại TP. Dĩ An. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, cung cấp 780 căn hộ có diện tích từ 42 - 72m2.

Theo giới thiệu của chủ đầu tư, Phú Đông SkyOne nằm trong chuỗi dự án nhà cho người trẻ mà doanh nghiệp đã thực hiện nhiều năm qua. Vì vậy, mức giá bán dự kiến mỗi căn hộ chỉ từ 1,4 đến 2,2 tỷ đồng/căn. Trong đó, 75% là căn hộ có mức giá từ 1,4 tỷ đến 1,8 tỷ đồng/căn.

Có phần kín tiếng trong năm 2023, nhưng đến đầu năm 2024, TTC Land lại "comeback" mạnh mẽ khi chào bán những căn hộ cao cấp giới hạn tại dự án Panomax River Villa Quận 7, TP.HCM. Được biết, dự án dự kiến bàn giao nhà vào quý II/2025. Điều đặc biệt là 100% căn hộ tại đây đều là căn góc, có diện tích lớn tương đương với những biệt thự mặt đất. Hiện chủ đầu tư đang hỗ trợ thanh toán linh hoạt kéo dài 18 tháng, khách hàng chỉ cần đóng 10% khi ký hợp đồng mua bán.

Một số "ông lớn" khác trên thị trường bất động sản phía Nam cũng đang khởi công và mở bán các dự án mới, có thể kể đến Masterise Homes với phân khu cao tầng trong đô thị The Global City, tọa lạc tại TP. Thủ Đức. Dự án sẽ bắt đầu bán hàng từ quý IV/2024.

Hay Tập đoàn Gamuda Land dự kiến mở bán khoảng 2.000 căn hộ tại khu căn hộ Eaton Park TP. Thủ Đức từ quý II/2024 với mức giá 110 - 140 triệu đồng/m2.

Tập đoàn Keppel Land cũng đang thi công một dự án nhà thấp tầng trên đường Võ Chí Công và dự kiến bán hàng vào cuối năm 2024.

Nguồn cung mới có tín hiệu khởi sắc đã thổi "làn gió ấm" cho thị trường bất động sản phía Nam sau thời gian dài trầm lắng. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ để thị trường dần "vực dậy", tạo niềm tin cho nhà đầu tư khi bước vào một chu kỳ phát triển mới.

Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm chính sách

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, việc thông qua 3 đạo luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản là cơ sở tích cực để thị trường dần hồi phục trong năm 2024.

Cùng với đó, tâm lý nhà đầu tư, khách hàng trên thị trường đã dần ổn định hơn và đang có nhu cầu quay trở lại thị trường. Vì vậy, thanh khoản thị trường bất động sản cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang tốt lên, các giao dịch sẽ bắt đầu thiết lập trở lại.

Cũng theo ông Châu, mặc dù Luật Đất đai (sửa đổi) vừa thông qua không cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với hai trường hợp "đất ở và đất khác" hoặc "đất khác không phải là đất ở" để thực hiện dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên mới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở.

"Cơ chế thí điểm có ưu điểm rút ngắn thời gian bàn giao đất từ người sử dụng đất qua nhà đầu tư nếu đạt được sự đồng thuận. Cùng với đó, bảo đảm sự chia sẻ quyền lợi thỏa đáng giữa nhà đầu tư, người sử dụng đất và lợi ích của Nhà nước. Ngoài ra, sẽ tạo điều kiện để giảm đi đáng kể tình trạng khiếu kiện của người bị ảnh hưởng và giảm đáng kể chi phí, nhân lực của bộ máy hành chính; hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu khi Nhà nước thu hồi đất", ông Châu nhìn nhận và cho biết nếu chỉ cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở sẽ không thể có quỹ đất ở đủ lớn để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn.

Sinh khí dần trở lại trên thị trường địa ốc phía Nam- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP.Invest cũng đồng tình việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải đất ở là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp có thể tính toán đường hướng phát triển cho giai đoạn mới.

Ông Hiệp cho biết, pháp luật quy định việc phải có đất ở hoặc đất ở và đất khác mới được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại đã khiến hàng trăm dự án tồn đọng, không chuyển đổi được.

Do đó, việc xây dựng đề án cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở với điều kiện phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ra thị trường ngày càng hạn chế.

"Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đầu tư phát triển dự án bất động sản. Từ đó, có thể kỳ vọng nguồn cung bất động sản thời gian tới có cơ hội khởi sắc", ông Hiệp nói.

Chia sẻ về cơ chế thí điểm chính sách nói trên, đại diện một doanh nghiệp phía Nam cũng bày tỏ niềm vui khi "nút thắt" phải có đất ở trong phát triển dự án nhà ở thương mại đã được nhìn nhận và đang có hướng tháo gỡ.

Theo đại diện doanh nghiệp, dự án phải có ít nhất 1m2 đất ở mới được làm nhà ở thương mại là quy định rất khó với các doanh nghiệp khi quỹ đất ở hiện nay gần như không còn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung nhà ở cục bộ, đẩy giá nhà tăng cao. Do đó, nếu "nút thắt" này được tháo gỡ, hàng trăm dự án bất động sản cũng sẽ được gỡ theo. Khi đó, thị trường sẽ có cơ sở để tái khởi động trở lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top