Aa

Sống mòn giữa dự án treo: Nhìn từ những mái nhà đổ sập

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Sáu, 16/10/2020 - 15:20

Căn nhà của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) bị sập một phần mái do lâu ngày không được phép sửa chữa vì vướng dự án treo...

Quy hoạch treo, dự án treo là một vấn đề không mới nhưng sự nhức nhối thì chưa bao giờ suy giảm. Không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, kìm hãm sự phát triển kinh tế, các dự án treo còn khiến người dân sống trong vùng quy hoạch phải gánh chịu nhiều hệ lụy. Rõ là nhà mình mà như ở trọ, rõ là sống trên đất cha ông từ bao đời mà phải tạm bợ, sống bất hợp pháp, sống chui lủi và bị tước quyền lợi chính đáng trên chính tài sản của mình...

Đơn cử như tại Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện tại Khu phố Nam Bắc, phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn, theo tìm hiểu được biết, dự án này được lập quy hoạch từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng đến nay đã gần 30 năm trôi qua, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, trong khi hàng chục hộ dân chịu ảnh hưởng phải sống trong cảnh đi không được, ở không xong, hằng ngày phải sống trong những căn nhà cũ kỹ, lụp xụp.

Ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc cũ kỹ và sập mái nhưng không được sửa chữa do dính dự án treo.

Đất đai không được cấp quyền sử dụng đất, việc vay vốn ngân hàng để kinh doanh gặp khó khăn vì không có tài sản đảm bảo để thế chấp. Hệ thống đường giao thông và môi trường sống nhếch nhác dù nơi đây chỉ cách trung tâm TP. Sầm Sơn hơn 2km.

Điều đáng nói là những căn nhà cũ kỹ tại khu dự án cao cấp này lại không được phép sửa chữa, xây mới, khiến cuộc sống của các hộ dân bị đảo lộn hoàn toàn, nhiều căn nhà chực chờ đổ sập đe dọa tính mạng người dân bất cứ lúc nào.

Bà Nguyễn Thị Cúc, sống tại khu phố Nam Bắc, phường Quảng Vinh, TP. Sầm Sơn bức xúc nói: “Căn nhà mái ngói của gia đình được xây dựng hơn 30 năm trước, đến nay đã xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn không được phép sửa chữa hay xây mới vì nằm trong quy hoạch dự án treo. Trong đợt mưa bão đêm 14/10/2020, một phần mái nhà bị đổ sập nhưng rất may, tôi kịp chạy ra ngoài nên không ảnh hưởng đến tính mạng”. 

Ngôi nhà bị sập một phần mái vì không được phép sửa chữa, xây mới.

Còn ông Lê Văn Tĩnh, con trai bà Cúc cho biết: "Gia đình tôi có 5 thế hệ cùng ở trong một ngôi nhà ngói dột nát, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Hiện hữu là căn nhà đã bị sập một phần vào đêm 14/10, cũng may là gia đình đã chạy kịp ra ngoài, nếu không hậu quả không biết thế nào.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Toàn Tích Thiện đã “treo” hàng chục hộ dân chúng tôi ở đây mấy chục năm qua khiến gia đình tôi đi không được, ở không xong. Nhiều lần gia đình làm đơn lên chính quyền các cấp xin sửa chữa lại ngôi nhà hoặc xây dựng ngôi nhà cấp bốn nhưng đều bị từ chối bởi vướng dự án treo.

Bây giờ, con cái đến tuổi trưởng thành muốn lấy vợ, gả chồng, là phận bố mẹ chúng tôi mong mỏi được xây dựng nhà cấp 4 hoặc sửa chữa nhà cũ cho đàng hoàng, sống ra sống, cho tròn bổn phận làm cha mẹ nhưng lại bị tước đoạt, ngăn cấm”.

Ông Tĩnh nhấn mạnh: "Nhà nước luôn tạo chính sách an sinh xã hội, giúp người dân có cuộc sống tốt nhất, ấm no, hạnh phúc, không còn bất công. Nhưng với những người dân như chúng tôi, thử hỏi quyền lợi hợp pháp, chính đáng cớ sao lại bị bỏ ngỏ?" 

Trao đổi với đại diện Ban quản lý dự án TP. Sầm Sơn, vị này cho rằng: “Nhà nước không ngăn cấm việc các hộ dân sống trong vùng dự án treo xây dựng nhà cấp 4 (được cho phép xây theo mẫu quy định) hoặc sửa chữa, cải tạo nhà cũ nhằm tránh những hệ lụy đáng tiếc. Nhưng với nhiều quy định chồng chéo, các cấp chính quyền địa phương còn chưa có sự thống nhất nên việc cấp phép tạm cho các hộ dân này xây dựng, sửa chữa gặp nhiều vướng mắc, khó khăn”.

Năm 2018, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với 85 dự án; trong đó, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đối với 51 dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp ra quyết định thu hồi 34 dự án. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiểm tra, hoàn thiện hồ sơ và kiến nghị UBND tỉnh thu hồi đất của 28 dự án trong năm 2019.

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng kiên quyết thực hiện trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi đất theo quy định đối với các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, không đảm bảo quy mô, mục đích đầu tư đã đăng ký và vi phạm các quy định khác....

Tuy nhiên, việc thu hồi những dự án vi phạm quy định pháp luật về đất đai nêu trên lại không hề dễ dàng bởi nhiều nguyên nhân. Vì thế, việc thu hồi dự án "treo" có được thực hiện dứt điểm hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào tinh thần trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa.

Trước đó, ông Lê Huy Ba, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: "Hiện tỉnh Thanh Hóa tồn tại hàng chục dự án treo, quy hoạch treo. Nguyên nhân là do năng lực tài chính của nhà đầu tư yếu, chính sách pháp luật đất đai chồng chéo... gây nên rất nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, gây lãng phí tài nguyên đất. Đồng thời, người dân sống trong vùng dự án này lâm vào cảnh đi không được, ở không xong, khó khăn vô cùng.

Thế nhưng, việc thu hồi dự án treo, quy hoạch treo lại không hề đơn giản. Để thu hồi được những dự án này thì cơ quan có thẩm quyền cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ hoặc kiên quyết thu hồi những dự án có vi phạm về pháp luật đất đai".

Thực tế đã cho thấy, hàng nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án treo, quy hoạch treo rơi vào cảnh mất đất, mất nhà, nhà cửa không được phép sửa chữa, xây mới, thiếu nước sạch để sinh hoạt, con cái trưởng thành nhưng không được chuyển nhượng đất, đất đai không được cấp quyền sử dụng, nhà cửa xuống cấp có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, phát triển kinh tế của địa phương.

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần có những chính sách cụ thể nhằm đảm bảo an sinh cho người dân bị ảnh hưởng, nếu cần thiết phải thu hồi dự án mà chủ đầu tư cố tình chây ỳ, vi phạm pháp luật đất đai. Đồng thời cũng cần tạo cơ chế thông thoáng nhằm tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu về nhà ở, vay vốn và chính sách xã hội khác...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top