Sau thanh tra là sự “im lặng” của cơ quan chức năng?
Trước dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của dự án Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm thuộc Khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 (hay còn gọi là dự án Khu đô thị V-Green City và New City) nằm trung tâm Phố Nối, tỉnh Hưng Yên của Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long (Công ty Cổ phần Thăng Long), UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản chỉ đạo thanh tra toàn diện đối với dự án. Mới đây, Thanh tra tỉnh đã có kết luận, nhưng điều bất thường là kết luận này lại không được công khai.
Được biết, tháng 9/2020, Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã ký Quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với dự án Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm thuộc Khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 do Công ty Cổ phần Thăng Long làm chủ đầu tư.
Việc thanh tra được thực hiện trong thời gian 45 ngày làm việc, tính từ ngày công bố quyết định thanh tra. Tuy nhiên, sau gần 1 năm cơ quan Thanh tra tỉnh Hưng Yên mới ra được kết luận, song không công khai kết luận thanh tra.
Trả lời báo chí, ông Đào Văn Sơn, Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên cho biết, “đối với kết luận này, cung cấp phải xin ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh”. Bên cạnh đó, theo ông Sơn, “lý do của sự chậm trễ này là vì sự việc phức tạp, cần tham khảo ý kiến của nhiều sở ngành”.
Trước đó, theo ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên, dự án này đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để thẩm định cơ sở hạ tầng, hiện nay còn đang vướng về pháp lý. Chủ đầu tư có nhiều tai tiếng trong quá trình thực hiện và được UBND tỉnh giao cơ quan Thanh tra tỉnh làm rõ dấu hiệu vi phạm về chấp hành pháp luật.
Tuy nhiên sau thời gian dài, UBND tỉnh Hưng Yên vẫn im lặng trước loạt sai phạm của Công ty Cổ phần Thăng Long. Trước sự chậm trễ công khai kết luận sai phạm tại dự án Khu đô thị V-Green City và New City Phố Nối, dư luận và người dân đặt dấu hỏi, Công ty Cổ phần Thăng Long sai phạm lớn thế nào mà cơ quan chức năng không dám công khai kết luận? Liệu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có đang "tạo điều kiện" cho chủ đầu tư thời gian để "chạy" các sai phạm? Sau 16 năm, giao hơn 100ha “đất vàng” cho Công ty Cổ phần Thăng Long, tỉnh Hưng Yên được gì? Người dân gần dự án được hưởng lợi gì? Tại sao không công khai kết luận thanh tra? Câu hỏi có lẽ sẽ không có hồi đáp và vẫn còn bỏ ngỏ...
Dự án từng "dính" nhiều tai tiếng
Được biết, năm 2004, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị phía Bắc đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam quốc lộ 5 (thuộc địa bàn xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ và phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào). Năm 2005, tỉnh Hưng Yên phê duyệt giá đất và mức thu tiền sử dụng đất khi giao đất cho Công ty Du lịch và Thương mại Tổng hợp Thăng Long (sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản và Thương mại Thăng Long) với số tiền sử dụng đất hơn 173 tỷ đồng. Đồng thời, dự án Khu đô thị phía Bắc đường trục được chia làm hai phân khu với tên thương mại là V-Green City và New City Phố Nối.
Dự án đã trải qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và đến ngày 26/4/2012, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Hưng Yên đã tổ chức giao hơn 100ha đất trên thực địa tại xã Liêu Xá (huyện Yên Mỹ) và xã Dị Sử (huyện Mỹ Hào) cho Công ty Cổ phần Thăng Long để thực hiện dự án. Theo đó, chủ đầu tư được giao hơn 100ha đất để đổi lấy công trình, bằng cách xây dựng tuyến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5 với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 100 tỷ đồng.
Sau khi tuyến đường này được xây dựng xong, tỉnh Hưng Yên sẽ quyết toán và đối trừ vào tiền sử dụng đất tại khu đất hơn 100ha đã giao cho công ty này. Phần tiền sử dụng đất còn dư sau đối trừ, tỉnh Hưng Yên sẽ sử dụng để đầu tư xây dựng tuyến đường trục trung tâm huyện Yên Mỹ kéo dài lên xã Giai Phạm.
Tuy nhiên, kể từ khi dự án được phê duyệt cho đến nay, hơn 16 năm đã trôi qua nhưng tuyến đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5 mới được chủ đầu tư xây dựng được khoảng 2km, đoạn chạy qua dự án. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng dự án được chủ đầu tư thực hiện một phần, vẫn chưa hoàn thiện và chưa được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu. Như vậy phải chăng làm 2km đường, doanh nghiệp được "ưu ái" giao hơn 100ha “đất vàng” xây khu đô thị?
Trái ngược với tuyến đường bên trong khu đất đối ứng của dự án, rất nhiều nhà cửa kiên cố, biệt thự đã bất chấp pháp luật được xây dựng kèm theo sự xuất hiện của các văn phòng bất động sản hoạt động sôi nổi.
Không chỉ vậy, dự án dù chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn được rao bán rầm rộ. Theo đó, ngày 19/5/2020, Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên ra văn bản số 482/STC-ĐT nêu rõ: Trong quá trình rà soát, tổng hợp báo cáo những dự án, công trình được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xây dựng cơ bản nhà nước và nguồn vốn từ quỹ đất trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính nhận thấy Công ty Cổ phần Thăng Long làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường trục trung tâm Khu đô thị phía Nam Quốc lộ 5 được sử dụng bằng nguồn vốn từ quỹ đất đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa thực hiện công tác quyết toán dự án theo quy định.
Sở Tài chính đề nghị Công ty Cổ phần Thăng Long cùng nhà thầu xây lắp và các đơn vị tư vấn có liên quan phối hợp rà soát, tổng hợp lập báo cáo quyết toán, hồ sơ quyết toán theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/2/2020 của Bộ Tài chính để Sở thẩm tra, trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt quyết toán dự án công trình theo quy định. Thời gian báo cáo quyết toán, hồ sơ quyết toán chậm nhất trước ngày 31/5/2020. Trước đó, đại diện Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện chủ đầu tư Công ty Cổ phần Thăng Long mới quyết toán hơn 30 tỷ đồng đối với phần thực hiện xây dựng 2km đường chạy qua dự án.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phú cho biết, công trình 2km đường chạy qua dự án do chủ đầu tư làm theo giá trị kiểm toán là hơn 30 tỷ đồng, Sở Giao thông Vận tải làm đại diện chủ đầu tư, Sở Tài chính thẩm định. Đến nay, chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nên Sở TN&MT vẫn chưa giao đất.
Ngược lại, phân khu mang tên V-Green City đã cơ bản hoàn thiện xong cơ sở hạ tầng, một số căn nhà đã có người ở. Còn phần phía New City Phố Nối đang trong giai đoạn hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện 2 phân khu đều đang được rao bán rầm rộ trên các sàn môi giới, mạng xã hội… được quảng cáo là đất nền dự án khu đô thị kiểu mẫu Phố Nối quy mô 100,455ha, hạ tầng đồng bộ về cảnh quan thiên nhiên kiến trúc của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Thăng Long. Khu A: 30ha đầu tên thương mại V-Green City hạ tầng hoàn thiện đường nhựa vỉa hè, cây xanh cảnh quan thiên nhiên, hồ điều hòa, công viên… Cư dân đã về định cư ở nhiều tạo thành khu dân cư văn minh. Khu B: 70ha sau hạ tầng cơ bản hoàn thiện đường, base cây xanh các tuyến đang hoàn thiện vỉa hè cảnh quan… Đã có một số cư dân xây dựng ở những tuyến đầu khu B. Mặc dù dự án chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra khi chưa bàn giao đất có hạ tầng cho tất cả khách hàng. Thời gian tới, chủ đầu tư sẽ đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng đất nền và kế hoạch xây các tòa căn hộ để biến New City Phố Nối thành đô thị phồn vinh nhất trong khu vực. Các nhà đầu tư đã có quyết định đầu tư vào đất nền New City Phố Nối trong thời gian vừa qua, giá thị trường của đất nền tại dự án đã tăng 30% đến 100% tùy vị trí so với thời điểm cách đây 1 - 2 năm.
Trên các sàn môi giới, giá đất nền tại 2 khu vực trên được rao bán giao động từ 10 - 20 triệu đồng/m2.
Với việc ồ ạt xây dựng và rao bán rầm rộ thì số tiền Công ty Cổ phần Thăng Long thu lợi từ bán đất sẽ không hề nhỏ. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, căn cứ vào đâu Công ty Cổ phần Thăng Long tự ý xây dựng hạ tầng và rao bán khi chưa đủ điều kiện pháp lý, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy, ảnh hưởng xấu tới năng lực quản lý của chính quyền sở tại?
Đồng thời, với việc Công ty Cổ phần Thăng Long chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, liệu doanh nghiệp có đủ năng lực để triển khai dự án hay đang cố tình bất chấp pháp luật nhằm “ôm đất” chờ thời? Điều này không chỉ gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, lãng phí đất đai, hạ tầng xã hội, mà còn dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật, khi các doanh nghiệp biết sai nhưng vẫn "cố đấm ăn xôi".
Trước hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng vẫn còn loay hoay chưa tìm ra được hướng xử lý vụ việc, khi sai phạm quá rõ ràng. Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, tạo môi trường đầu tư được minh bạch, tuân thủ pháp luật…, cần có sự vào cuộc của UBND tỉnh Hưng Yên. Có lẽ đã đến lúc, UBND tỉnh Hưng Yên cần phát huy vai trò, trách nhiệm, mạnh tay xử lý dứt điểm các sai phạm của Công ty Cổ phần Thăng Long./.