Thị trường bứt phá, đa dạng về nguồn cung, phân khúc thấp tầng giữ vai trò chủ đạo
Mới đây, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam cùng phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức thành công Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến với chủ đề: "Hải Phòng - Tâm điểm bất động sản miền Bắc: Kịch bản 'TP.HCM thứ 2' của thị trường địa ốc".
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Hải Phòng là một thị trường đặc biệt. Giai đoạn năm 2018 - 2019, khi thị trường bất động sản cả nước đang bước vào thời kỳ bùng nổ, Hải Phòng lại im ắng, không có hoạt động sôi nổi. Nhưng đến năm 2021 - 2022, khi thị trường chung gặp khó khăn, Hải Phòng lại trỗi dậy. Đặc biệt, năm 2023 – thời điểm thị trường địa ốc cả nước chìm sâu trong khủng hoảng, Hải Phòng lại bứt tốc ngoạn mục, trở thành "vùng trũng" hút dòng tiền.
Bước sang năm 2025, đà phát triển của thị trường bất động sản Hải Phòng tiếp tục được duy trì và lan tỏa mạnh. Ghi nhận từ đầu tháng 3, thị trường sôi động mạnh nhờ hàng loạt dự án bất động sản mới ra mắt. Trong quý I/2025, toàn thành phố có 16 dự án bất động sản thấp tầng và căn hộ chung cư mở bán, cung cấp ra gần 3.400 sản phẩm, tăng gấp đôi quý trước và tăng gần 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung tăng mạnh khi nhiều dự án ra hàng nhằm đón đầu dòng tiền đầu tư.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương)
Phân tích từng phân khúc, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, phân khúc thấp tầng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đóng góp hơn 56% tổng nguồn cung mở bán trong quý I. Tỷ lệ hấp thụ đạt 61,5%, tương đương với hơn 2.000 giao dịch thành công, tăng gấp đôi so với quý trước và cao hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; thu hút nhu cầu của cả tầng lớp trung lưu Hải Phòng và nhà đầu tư khu vực phía Bắc nhờ mức giá tương đối phù hợp.
Với phân khúc biệt thự/liền kề, nhà phố, thị trường ghi nhận 8 dự án được tung ra thị trường, cung cấp khoảng 1.880 sản phẩm, tăng gấp 4 lần so với quý trước và cao hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ đạt 51,4%, tương đương gần 1.000 giao dịch, gấp 3 lần quý trước và gấp đôi so với cùng kỳ. Các dự án mở bán được đón nhận tích cực từ người dân Hải Phòng và nhà đầu tư phía Bắc nhờ sản phẩm và mức giá phù hợp, cùng tiềm năng tăng trưởng còn lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ có phần giảm nhẹ so với cả năm 2024 do một số dự án quy mô lớn mới bắt đầu ra hàng vào cuối quý.
"Bước sang quý II/2025, thị trường tiếp tục duy trì sự "sôi động" cho đến hết tháng 4, sau đó ổn định trở lại. Tính sơ bộ, nguồn cung đạt hơn 3.000 sản phẩm, tương đương khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung đa dạng, từ sản phẩm biệt thự, liền kề tới căn hộ chung cư cao cấp, nhà ở xã hội, đáp ứng cả nhu cầu ở và nhu cầu đầu tư. Trong đó, khoảng 70% nguồn cung thuộc phân khúc biệt thự, liền kề và nhà phố, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc thành phố như Thủy Nguyên, An Dương.
Tỷ lệ hấp thụ các dự án mở bán trong quý II ước đạt khoảng 65%. Một số dự án thấp tầng có mức giá cạnh tranh ghi nhận lượng quan tâm lớn, thậm chí xuất hiện chênh lệch giá khi khớp giao dịch. Giao dịch nhà và đất thổ cư tiếp tục diễn biến tích cực với mức tăng giá khoảng 10% so với đầu năm", TS. Nguyễn Văn Đính nêu rõ.
"Giới tinh hoa" đổ bộ, thị trường đón vận hội mới
Về triển vọng bất động sản Hải Phòng trong tương lai, theo TS. Nguyễn Văn Đính, nhà ở thấp tầng trong các khu đô thị được đánh giá là phân khúc tiềm năng và đáng "xuống tiền". Loại hình này bao gồm bất động sản thấp tầng, giãn xây; nhà phố trung tâm; shophouse phục vụ kinh doanh thương mại – dịch vụ và biệt thự nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài. Với lợi thế quỹ đất còn nhiều, phân khúc này đang chiếm ưu thế rõ rệt.
Động lực tăng trưởng của thị trường còn đến từ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng và kinh tế. Hải Phòng đang là đầu tàu phát triển kinh tế, với quy mô kinh tế mở rộng đáng kể sau sáp nhập. Năm 2024, GRDP của thành phố đứng thứ 5 cả nước, trong khi Hải Dương xếp thứ 11 với cơ cấu kinh tế tương đồng. Hệ thống cảng biển, cầu vượt, cao tốc, cùng các khu công nghiệp và hạ tầng logistics cũng đang được đẩy mạnh phát triển.
Song song đó, nhu cầu ở thực tiếp tục tăng cao, đặc biệt là nhu cầu nhà ở cao cấp của "giới tinh hoa" cùng các chuyên gia, kỹ sư làm việc dài hạn tại các khu công nghiệp.
"Các "ông lớn" đang tích cực rót vốn vào phát triển các khu đô thị có hạ tầng và tiện ích đồng bộ, hiện đại, góp phần định hình các cộng đồng dân cư văn minh, gia tăng sức hút đối với cả khách mua ở thực và nhà đầu tư.
Đồng thời, các chính sách quy hoạch hiện hành đang hỗ trợ mạnh mẽ mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành một thành phố hiện đại, có vị thế tầm khu vực, từ đó tiếp tục củng cố niềm tin và kỳ vọng dài hạn cho thị trường bất động sản địa phương", TS. Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. (Ảnh: Tùng Dương)
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá, điểm nổi bật trong phát triển bất động sản tại Hải Phòng nằm ở sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực của người dân và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thị trường nơi đây có đặc trưng là phát triển bao trùm, đáp ứng được cả nhu cầu của người lao động, những người đang làm ăn sinh sống tại đây; đồng thời cũng phục vụ được phân khúc có yêu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống.
Giải thích rõ về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành cho biết, đây là xu hướng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự gia tăng nhanh chóng của giới tinh hoa tại Hải Phòng. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, cộng hưởng với đề án sáp nhập Hải Phòng - Hải Dương, đang kéo theo làn sóng dịch chuyển của lực lượng lao động chất lượng cao. Đây là nhóm cư dân có thu nhập ổn định, có nhu cầu cao về nhà ở, môi trường sống, dịch vụ thương mại, đầu tư công, cơ hội việc làm…
Hải Phòng hội tụ đủ điều kiện để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe ấy. Với nền tảng sản xuất vững chắc và tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, thường xuyên đạt mức 2 con số, thành phố này giữ vững phong độ ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19, khi nhiều địa phương rơi vào tăng trưởng âm. Sức bền này đến từ cấu trúc kinh tế đa ngành và khả năng thích ứng linh hoạt của nền công nghiệp.
"Trong bối cảnh ấy, bất động sản Hải Phòng không chỉ cần là điểm đến, mà còn phải là nơi "đáng sống" – đích đến của giới tinh hoa. Họ luôn tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và đòi hỏi một môi trường sống toàn diện: từ nhà ở, giáo dục, y tế đến nghỉ ngơi, giải trí và tận hưởng các dịch vụ chất lượng cao. Muốn vậy, các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, bảo hiểm... không chỉ dừng ở mức đủ, mà phải đạt tầm đẳng cấp cả về chất lượng lẫn trải nghiệm.
Thực tế, các nhà đầu tư lớn, những "đại bàng" trong lĩnh vực bất động sản cũng đã sớm bắt nhịp vào xu thế này. Họ không còn phát triển dự án theo lối mòn mà chuyển hướng sang các khu đô thị xanh, thông minh, tích hợp đa tiện ích và giàu bản sắc; góp phần hình thành một diện mạo đô thị mới cho Hải Phòng, văn minh, hiện đại và có chiều sâu phát triển", TS. Võ Trí Thành nhận xét.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Tùng Dương)
Ngoài ra, dự báo thêm về giá, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với nhu cầu nhà ở và đầu tư ngày càng gia tăng, có thể tin tưởng rằng giá trị bất động sản tại Hải Phòng sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới.
Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng lưu ý, trong cách điều hành hiện nay, xu hướng tăng giá sẽ diễn ra theo hướng ổn định hơn thay vì các đợt "sốt nóng" như trước. Việc thị trường dần giảm bớt tính đầu cơ sẽ tạo nên sự phát triển bền vững hơn, đồng thời góp phần nâng cao tính an toàn và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản cả Hải Phòng lẫn các địa phương khác.
Đáng chú ý, chuyên gia cũng nhận định cấu trúc phân khúc thị trường tại Hải Phòng sẽ có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong tương lai.
"Nếu trước đây các phân khúc phổ thông chiếm ưu thế thì tới đây, cùng với sự phát triển về thế và lực của thành phố, sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm cao cấp hơn, hướng đến nhóm khách hàng có khả năng tài chính mạnh. Đây được xem là bước chuyển mình tất yếu của một đô thị đang trỗi dậy với tham vọng cạnh tranh mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế vùng và quốc gia", PGS.TS. Trần Đình Thiên khẳng định./.