Aa

Tâm thức phật, thiện vi sư

Thứ Bảy, 04/05/2019 - 06:01

Câu nói này tôi từng đọc trong một lần đến lễ ở chùa Hưng Ký, đường Minh Khai, thành phố Hà Nội. Hai câu ở gian tả hữu của chánh điện chùa.

Ngồi tụng kinh ở gian Tam bảo chúng ta thường thấy rất nhiều câu đại tự thế này treo ở giữa các gian.

Ở ngoài nhìn vào, phía bên phải gian chính có câu: "TÂM TỨC PHẬT". Có nghĩa, ngay nơi tâm ta là Phật. Không có Phật ngoài tâm. Đừng mơ hồ đi tìm Phật và cầu Phật ngoài tâm mình.

Câu phía bên tả là: "THIỆN VI SƯ". Thiện là thầy. Ta không tìm thầy ở đâu cả, ngay chính nơi điều thiện ta đang nghĩ, ta đang làm chính là thầy. Không đi tìm thầy ở đâu xa cả. Ta tưởng đến chùa để tìm thầy (sư), điều đó thật mơ hồ, vì nếu tâm ta ngay khi đến chùa mà không thiện thì cách thầy còn xa.

Ở chính nơi TÂM để tìm Phật, ở chính nơi TÂM chứa điều THIỆN chính là Người Thầy ta cần tìm.

Quá nửa đời người rong ruổi trên những nẻo đường cuộc sống. Tôi rời gia đình theo thầy học đạo từ năm lên 10 tuổi cho tới nay đã hơn 40 năm ròng. Mỗi khoảng thời gian đi qua là một bài học mà tôi phải trải nghiệm để thấy, để trưởng thành. Những vị Phật, không chỉ ở nơi Chùa, những người Thầy, không chỉ là vị thầy dạy mỗi sự đúng sai phải trái mỗi ngày bên ta.

Lục tổ Huệ năng từng nói: “Khi mê Thầy độ, khi ngộ rồi thì ta tự độ cho mình”. Mê ấy là bởi chưa thầy trong tâm mình cũng có một vị Phật. Tự độ cho mình ấy là bởi biết lấy Thiện làm Thầy.

Cuộc đời còn nhiều khổ đau ngang trái. Những khổ đau ấy xảy đến xung quanh anh chị em tôi, mẹ cha tôi, bạn bè và bản thân tôi mỗi ngày.

Suy cho cùng, gốc rễ nơi mọi vấn đề là yêu thương.

Trong tâm người có Phật, tức là có sự thấu hiểu, có sự bao dung, có lòng từ bi thì những nghịch cảnh cuộc đời không thể làm lòng người chao đảo.

Người ta không để cho tổn thương biến mình thành một con người khác và ném trả lại cuộc đời những cay đắng hận thù. Người ta để cho lòng mình ngổn ngang những dằn vặt xót xa mà không thể đi qua cũng bởi vì thực ra lòng người ấy không đủ rộng, không thấy được vị Phật trong tâm mình và người Thầy thiện lành thực sự của đời mình.

Lòng người có lúc do bởi hoàn cảnh, do bởi tập khí mà vụng về hẹp hòi, mà thủ đoạn dối gạt nhau. Người có trái tim từ bi và luôn hướng tới nẻo thiện không phải không tổn thương, không cảm thấy xót xa. Trái tim ai cũng có phần yếu mềm và chẳng có nỗi đau nào so sánh được với nỗi đau nào.

Khác một điều, người biết dừng lại trước nghịch cảnh và xót xa của bản thân để không cho những tổn thương kia kéo mình về phía bất thiện mà làm tổn hại đến bất kỳ ai. Người thiện, là người biết dừng lại để lắng nghe lòng mình và đánh thức vị Phật nơi tâm mình, để cho lòng từ bi được biểu hiện.

Mọi của cải vật chất trên đời này không gì quý giá hơn một trái tim nhân hậu, một trái tim bình yên. Nhân hậu để yêu thương và bình yên để không bị muộn phiền hay xấu ác xô ngã.

Vì nhân hậu nên chúng ta biết thương mình, thương người.

Vì nhân hậu nên biết dừng lại sau những tổn thương để không vương vãi khổ đau sang kẻ khác, không ném trả lại người khác bằng những hận thù, toan tính.

Vì nhân hậu nên chúng ta biết yêu thương nhau, học cách mỉm cười bình an và buông cái tôi của mình xuống để nâng đỡ, để học cách thấu hiểu và vun đắp cho yêu thương ấy bền sâu hơn.

Có Phật trong tâm thì tâm người luôn biết nhìn lại, biết yêu thương và học cách thấu hiểu và tâm ấy luôn hạnh phúc, bình an trước nghịch cảnh cuộc đời.

Có thiện làm thầy thì người không sợ mình lạc bước. Từ bi, thiện lành chính là mỏ neo để giữ ta lại với bình yên mà không một gió bão nào có thể làm lung lạc.

Tâm tức Phật, thiện vi sư.

Có Phật nơi tâm, có thiện làm thầy, ta sẽ đủ an yên, đủ hiền hậu, đủ bao dung mà mỉm cười bước đi trong đời. Bình yên sẽ ở lại mãi mãi bên người có trái tim từ bi, hiền thiện.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top