Thiếu sân chơi do không còn quỹ đất
Do không gian vui chơi cho trẻ em khu vực phố cổ Hà Nội quá khan hiếm nên vào những ngày cuối tuần, gia đình anh Phạm Phú Tín (trú tại 93 Hàng Buồm) thường xuyên phải đưa các con ra ngoại ô để các cháu được vận động, vui chơi, giải trí. Anh Tín chia sẻ, mặc dù mất thời gian nhưng đây là cách duy nhất để các con được chơi một cách đúng nghĩa sau những giờ học căng thẳng, bởi gần nhà hầu như không có không gian ngoài trời nào dành cho tụi trẻ.
Không chỉ gia đình anh Tín mà hầu hết gia đình có trẻ con ở trong khu vực này đều rơi vào tình trạng như vậy. Khi sức ép đô thị hóa, nhà cửa, đất đai có giá từ vài trăm triệu đến một tỷ đồng một mét vuông thì để có không gian cho trẻ em chơi đùa tại khu phố cổ Hà Nội là điều vô cùng hiếm.
Theo thống kê, tại khu vực quận Hoàn Kiếm có khoảng 13 vườn hoa, với diện tích chia theo đầu người thì mỗi người dân ở đây chỉ có khoảng 0,1m2. Tại khu vực phố cổ còn hạn hẹp hơn, khi gần 7 vạn người mới có duy nhất vườn hoa Đường Thành (phường Cửa Đông) diện tích 990m2.
Tuy nhiên, vườn hoa này cũng chỉ như một đảo giao thông, khó tiếp cận vì nằm trên đường biên của khu phố cổ, bị ngăn cách bởi các đường giao thông khu vực. Sân chơi cho trẻ em hoàn toàn không có. Với dân số gần 7 vạn người, ước tính một phần tư là trẻ em (tương đương khoảng 1,6 vạn), đang sinh sống tại khu phố cổ hiện không có đủ sân chơi công cộng.
Những số liệu trên cho thấy người dân phố cổ Hà Nội, đặc biệt là trẻ em, đang sống trong một môi trường đô thị vô cùng thiếu thốn cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ các hoạt động thể chất, vui chơi, giao tiếp xã hội thường xuyên.
Về những khó khăn khi phát triển sân chơi cho trẻ em tại khu vực này, nguyên nhân chính do không có quỹ đất. Đại diện Sở QH - KT cho biết, theo đồ án quy hoạch phân khu phố cổ (H1-1A) do Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập, đã được Sở QH - KT thẩm định, sắp tới trình UBND TP phê duyệt, đất cây xanh, thể dục thể thao bao gồm vườn hoa, cây xanh, quảng trường, đường dạo... của khu vực phố cổ được xác lập trên cơ sở hiện trạng chỉ với khoảng 0,07ha, chiếm 0,09% tổng diện tích đất nghiên cứu, đạt chỉ tiêu 0,02m2/người.
Cần sự quyết tâm và sáng tạo
Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, việc cải thiện không gian công cộng trong đô thị với điều kiện quỹ đất hạn hẹp như nêu ở trên cần tư duy đổi mới, tạo nhiều không gian công cộng hơn, ví như phát triển các khu vực đa mục đích.
Ý tưởng này hoàn toàn có cơ sở vì thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai khu vực đi bộ phố cổ, xung quanh Hồ Gươm - biến khu vực đa mục đích thành không gian công cộng. Sáng tạo này của quận Hoàn Kiếm nhận được sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân, không chỉ giải quyết chỗ chơi mà còn góp phần tăng giá trị các di sản, phát triển kinh tế.
Theo KTS. Đinh Đăng Hải - cán bộ cấp cao Dự án TP sống tốt (Livable Cities) thuộc HealthBridge, việc chuyển đổi hoàn toàn hoặc tạm thời theo những khoảng thời gian nhất định, các tính năng sử dụng của không gian đường phố cho xe cộ thành những không gian công cộng phục vụ con người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân được cho là một giải pháp khả thi và hiệu quả.
TP Hà Nội nên áp dụng biện pháp chuyển đổi những đường phố phù hợp thành không gian công cộng theo hướng gọn nhẹ nhanh và rẻ hơn. Biện pháp này không tốn kém chi phí giải phóng mặt bằng, không cần đến những diện tích đất trống chưa sử dụng và hơn cả là tính khả thi cao và có thể triển khai ngay.
Cụ thể là tạo dựng các tuyến đi bộ hấp dẫn và chất lượng: Các tuyến giao thông cơ giới phù hợp có thể được đóng lại hoàn toàn hoặc đóng trong những khoảng thời gian nhất định để dành cho người đi bộ. Đường phố cần được trang trí bằng các vật liệu địa phương, thân thiện môi trường và có mục đích sử dụng rõ ràng hơn; đồng thời, tạo dựng các không gian cảnh quan, cây xanh trên vỉa hè; rà soát những khu vực có vỉa hè đủ độ rộng có thể tổ chức thành các công viên nhỏ, vườn hoa mà vẫn đảm bảo độ thông thoáng và an toàn cần thiết cho khách bộ hành. Các công viên nhỏ này được bố trí ghế ngồi, bóng mát, cùng dịch vụ cần thiết cho người dân và du khách. Đây chính là đã tạo dựng các sân chơi đi động trên phố.
Thinkplaygrounds và HealthBridge, từ năm 2015 đã phối hợp cùng Ban quản lý phố cổ Hà Nội thực hiện tạo dựng “Sân chơi trong phố” tại phố Đào Duy Từ, biến đường phố thành sân chơi di động cho trẻ em. Biện pháp này đã giải quyết bài toán thiếu chỗ chơi lành mạnh cho trẻ em khu vực phố cổ, một vấn đề được đánh giá là khó khăn. Những mô hình sân chơi di động như sân chơi trong phố có thể được nhân rộng ra nhiều tuyến phố khác trong khu vực, các ngõ rộng hoặc đoạn đường cụt, sân chung của khu nhà, sân trường học buổi ngoài giờ…
“Hà Nội chật hẹp nhưng vẫn còn rất nhiều diện tích để chúng ta có thể lo cho trẻ em những thứ tối thiểu cần nhằm phát triển thể chất và nhân cách khi chúng ta thực sự quyết tâm và sáng tạo”, KTS Đinh Đăng Hải nhìn nhận.
"Để tạo dựng, mở rộng các không gian công cộng và vận hành tốt hơn, việc huy động sự tham gia của cộng đồng là điều cần làm chứ không phải một sự lựa chọn, bởi một mình chính quyền sẽ không thể lo hết. Cần sự liên kết giữa những nhà quản lý đô thị với DN để tạo thêm nhiều hơn nữa các không gian công cộng cho người dân, đặc biệt tại khu vực phố cổ Hà Nội".
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện nghiên cứu Văn hóa - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam