Thị trường nhà phố TP.HCM: Giao dịch ế ẩm, giá vẫn cao ngất ngưởng
Việc giao dịch nhà phố hay đất nền sụt giảm không phải diễn ra manh mún từng khu vực, mà là tình trạng chung ở 12 quận trung tâm trên địa bàn TP.HCM hiện nay. Điều đáng nói, giao dịch sụt giảm nhưng giá phân khúc này trên thị trường vẫn “trên trời”.
Phân tích hiện tượng này, anh Mai Huy cho rằng, thị trường đang ở ngưỡng rất nhạy cảm, giá biến động quá nhanh nên những người có nhà cần bán tiếp tục hô giá rất cao, cao hơn từ 20 - 40% so với vụ giao dịch trước đó trong khu vực, như vậy giá nhà cứ từng nấc leo thang lên đỉnh. Tâm lý người bán là cứ ra giá cao, không bán được thì từ từ điều chỉnh xuống dần cho đến khi bán được. Nghĩa là không có cán cân mặt bằng chuẩn giá đối với nhà phố. Còn các nhà đầu tư cá nhân, khi bỏ ra số tiền lớn trên 10 tỷ đồng trở lên họ cũng hết sức thận trọng nên giao dịch chậm lại.
Về vấn đề này, chuyên gia bất động sản Trần Quang Khánh cũng cho biết, ông đã thực hiện một cuộc thăm dò về thị trường BĐS thông qua tình hình làm ăn thực tế của các môi giới nhà đất trên toàn địa bàn TP, đã có 168 phản hồi từ các môi giới. Nhìn chung, toàn thị trường đã chuyển sang trạng thái ế ẩm, nhà đất khó bán. Một vài khu vực có thông tin hỗ trợ tốt, tình hình giao dịch có khả quan hơn.
Ông Khánh cho rằng, việc đầu tư vào nhà phố hiện nay là một bài toán khó khăn cho các nhà đầu tư cá nhân có nguồn vốn không mạnh, phải đi vay ngân hàng để đầu tư - lướt sóng. Nếu nhà đầu tư mua một căn nhà tầm 10 tỷ đồng trở lên trong vòng 6 tháng không bán được hoặc bán không có lời trên 10% thì xem như làm không công vì phải trả lãi vay.
Xem chi tiết tại đây.
Lần đầu tiên doanh nghiệp bán nhà không có bảo lãnh bị phạt
UBND TP.HCM đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2753/QĐ-XPVPHC, ngày 3/7/2018, đối với Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Tân Bình, do đã có nhiều sai phạm tại dự án tổ hợp nhà ở - nhà xã hội (tên thương mại Tân Bình Apartment) do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư tại 32 Huỳnh Bật Đạt, phường 15, Quận Tân Bình.
Trong đó, văn bản chỉ rõ, chủ đầu tư không có hợp đồng bảo lãnh của Ngân hàng về bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng, khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ cam kết với khách hàng, là trái với quy định tại Khoản 1, Điều 56, Luật Kinh doanh Bất động sản.
Với vi phạm này, Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Tân Bình bị phạt tiền 300.000.000 đồng và buộc khắc phục hậu quả bằng cách buộc hoàn trả kinh phí, buộc bồi thường thiệt hại theo quy định.
Cũng theo quyết định xử phạt của UBND TP.HCM, Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Tân Bình bị xử phạt tổng cộng 19 lỗi vi phạm hành chính, với tổng số tiền lên đến 1,64 tỷ đồng. Đây là số tiền phạt kỷ lục đối với một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM.
Xem chi tiết tại đây.
"Mượn" vốn từ cổ đông, các ông chủ địa ốc đang bế tắc?
Hai Sở Giao dịch chứng khoán đang tiếp nhận nhiều hồ sơ đăng ký niêm yết, trong đó có không ít doanh nghiệp bất động sản.
Trong danh sách đăng ký, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp còn xa lạ với thị trường như CTCP Viettienson Địa ốc, hay CTCP Địa ốc Sài Gòn, thì có sự xuất hiện của những doanh nghiệp “tên tuổi” như CTCP Bất động sản Netland (Netland), CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest), CTCP Bất động sản Thế kỷ (CENLand), CTCP Địa ốc First Real (First Real)...
Nếu Netland được biết đến với tên tuổi gắn liền cùng Danh Khôi Việt, đơn vị hàng đầu trong việc phát triển, tư vấn giải pháp, phân phối và tiếp thị bất động sản tại phía Nam, thì CENLand và First Real lại là 2 “ông trùm” phân phối tại miền Trung và miền Bắc, đang hợp tác phát triển nhiều dự án bất động sản lớn trong vai trò chủ đầu tư thứ cấp.
Trong khi đó, Hải Phát Invest là một nhà phát triển bất động sản đang lên tại khu vực Đông Nam Hà Nội, với các dự án lớn như The Pride, Roman Plaza, Nhà phố 24h.
Thị trường chứng khoán đang có diễn biến không thuận lợi, vì sao nhiều doanh nghiệp chủ động đăng ký niêm yết đến vậy?
Có nhiều câu trả lời cho vấn đề này, tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa và được xem là trọng yếu nhất liên quan đến vấn đề tín dụng đang dần bị siết lại đối với thị trường địa ốc.
Xem chi tiết tại đây.
Vĩnh Phúc: Chính quyền “làm ngơ” cho sai phạm tại KĐT Thương mại Vĩnh Tường?
Liên quan tới việc kiểm tra vi phạm tại dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và KĐT Thương mại Vĩnh Tường, chiều ngày 30/7, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Việt Cường - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay, tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra dự án trên. Ngày thứ 6 vừa qua (ngày 27/7-PV) Sở TTMT đã mời các đơn vị liên quan, công bố quyết định thanh tra dự án tại xã Tân Tiến. Trên cơ sở đó, Sở này sẽ có kết luận, công bố và báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
“Hiện nay, về mặt chỉ đạo của huyện, huyện đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu nhà đầu tư dừng mọi hoạt động thi công trong quá trình kiểm tra. Văn bản chỉ đạo này được thực hiện ngay sau khi có văn bản yêu cầu kiểm tra của UBND tỉnh (ngày 18/7/2018). Văn bản chỉ đạo đã bàn giao ngay cho công ty”, ông Cường thông tin.
Tuy nhiên, khi PV phản ánh tình trạng thi công vẫn diễn ra tại các lô đất trên mặt đường Nguyễn Thái Học, vị lãnh đạo huyện này cho biết sẽ giao cho các bộ phận kiểm tra.
Trước đó, sau khi phản ánh thực trạng Công ty bất động sản Thăng Long đã “lách luật” bán đất tại dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khi mới chỉ được giao GPMB, ngày 18/7/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo yêu cầu kiểm tra ngay dự án này.
Xem chi tiết tại đây.
GP.Invest huy động vốn khi giấy phép xây dựng dự án hết hạn?
UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản số 1956 ngày 12/11/2015 về việc chấp thuận đầu tư dự án khu nhà ở thấp tầng riêng lẻ tại số 609 Trương Định, phường Hoàng Liệt do công ty CP Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP.Invest) làm chủ đầu tư. Văn bản chấp thuận cho chủ đầu tư có giá trị hiệu lực trong vòng 12 tháng kể từ ngày ký.
Dự án gồm 15 căn hộ thấp tầng, chiều cao công trình là 5 tầng, dân số khoảng 60 người. Thời gian khởi công xây dựng công trình là quý 1.2016 và hoàn thành vào quý 4/2016.
Thế nhưng, tới ngày 11/7/2016, GP.Invest mới được UBND quận Hoàng Mai cấp Giấy phép xây dựng cho dự án. Giấy phép này có hiệu lực khởi công xây dựng trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp; quá thời hạn trên thì phải xin ra hạn thêm.
Đáng nói, ngoài việc không thực hiện theo các quy định UBND quận Hoàng Mai ban hành, GP.Invest còn thực hiện sai, thiếu phối hợp với cơ quan chức năng. Từ tháng 3/2018, cơ quan chức năng chuyên môn đã nhiều lần “tuýt còi” về hành vi tổ chức thi công khi chưa đủ pháp lý, giấy phép xây dựng hết hạn.
Xem chi tiết tại đây.
Cấp phép cho 26 biệt thự Khai Sơn sai phạm, Bộ Xây dựng lên tiếng
Về vấn đề này, trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ (chiều 27/7), lãnh đạo Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: “Về nguyên tắc, theo Nghị định 139 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đối với công trình sai phép, không phép, doanh nghiệp có 60 ngày để xin phép. Sau thời gian này nếu không có giấy phép thì công trình sẽ bị phá dỡ”.
“Gần đây nhất, Thủ tướng đã giao Hà Nội kiểm tra toàn diện dự án, trong đó có cả việc đổi đất lấy hạ tầng (BT) và vấn đề cấp phép xây dựng cho 26 căn biệt thự tại dự án Khai Sơn. Sau khi Hà Nội kiểm tra đầy đủ sẽ có báo cáo với Bộ Xây dựng và thông tin lại với báo chí”, Thanh tra Bộ Xây dựng cho hay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết thêm, việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng phải bám sát tinh thần của Nghị định 139.
“Theo quy định của Nghị định này, sau ngày Nghị định 139 có hiệu lực (tức ngày 15/1/2018), tất cả các công trình vi phạm xây dựng đều phải dỡ bỏ. Trường hợp hành vi sai phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì khi đó mới xem xét cho 60 ngày để doanh nghiệp bổ sung xin giấy phép. Do đó, đề nghị các báo tiếp cận với UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội để tìm hiểu cụ thể hơn về tính pháp lý của dự án này”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Xem chi tiết tại đây.