Aa

Thị trường trái phiếu sẽ sôi động hơn

Thứ Năm, 18/04/2024 - 06:13

Với những điểm sáng xuất hiện trong quý I/2024, các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn từ quý II.

Giao dịch sôi động hơn, ngân hàng phát hành trái phiếu trở lại

Theo số liệu của Saigon Ratings, trong quý I/2024, các doanh nghiệp đã phát hành thành công khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu, với kỳ hạn từ 3 đến 5 năm, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, song đã có những điểm tích cực mới. Theo đó, khối lượng phát hành cải thiện rõ rệt theo từng tháng. Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 3/2024 cao gấp 3 lần hai tháng trước cộng lại.

Giao dịch trái phiếu công chúng đạt 6.700 tỷ đồng trong tháng 3/2024, thanh khoản bình quân đạt 334 tỷ đồng/ngày, tăng 8,4% so với tháng 2/2024. Đây là điểm sáng của thị trường.

Phần lớn lượng phát hành mới trong quý I/2024 đến từ nhóm ngành bất động sản dân cư. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2024, ngân hàng cũng bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại với sự tham gia của MB. Tính từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2024, MB liên tiếp phát hành 7 đợt trái phiếu, với tổng trị giá gần 2.450 tỷ đồng, kỳ hạn 7-10 năm, khả năng để tăng vốn cấp 2.

Giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 3/2024 đạt 91.120 tỷ đồng, tăng 51,8% so với tháng 2/2024. Hầu hết các trái phiếu được giao dịch nhiều nhất đều do nhóm ngân hàng thương mại phát hành (chiếm hơn 55% tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp).

“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động phát hành có thể sôi động trở lại trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là từ quý II/2024”, báo cáo của FiinGroup nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Duy, chuyên gia phân tích tài chính Công ty VIS Ratings cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3 có nhiều diễn biến tích cực nhờ triển vọng tín nhiệm cải thiện, giá trị chậm trả gốc/lãi phát sinh mới giảm, tình hình tái cơ cấu nợ và giá trị phát hành mới tăng so với tháng 2/2024. Việc một số trái phiếu chậm trả trước đó đã thực hiện thanh toán cho trái chủ (như trường hợp của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Investment) cũng làm giảm nợ xấu trái phiếu.

15% trái phiếu vẫn đối mặt với rủi ro cao, thị trường sẽ sáng hơn trong nửa cuối năm

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng 3/2024, với tổng giá trị khoảng 4.851 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 27 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Hình thành kỷ luật trên thị trường

- Ông Nguyễn Đình Duy, Chuyên gia phân tích tài chính của VIS Ratings

Từ tháng 1/2024, những quy định còn lại của Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã có hiệu lực, bao gồm đăng ký giao dịch bắt buộc, quy định chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc. Chúng tôi kỳ vọng, những quy định này sẽ giúp hình thành kỷ luật chặt chẽ hơn giữa tổ chức phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư, giúp nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới phát hành.

“Chúng tôi ước tính có khoảng 10% lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 4/2024 có rủi ro cao (khoảng 3.000 tỷ đồng), thấp hơn so với tháng 3/2024. Trong 12 tháng tới, sẽ có 235.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, 15% trong số này là trái phiếu có rủi ro cao”, ông Nguyễn Đình Duy ước tính.

Thống kê của FiinGroup cho thấy, tỷ suất lợi tức đáo hạn của trái phiếu hiện dao động ở mức 6-8% đối với trái phiếu của các ngân hàng lớn, 9-12% đối với các doanh nghiệp phi tài chính. Đặc biệt, nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp được giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20%, như những lô trái phiếu của Sunshine AM (20,18%), Licogi 13 (27,6%) và Bkav Pro (26,79%). Điều này phản ánh mức giảm giá của trái phiếu các doanh nghiệp được xem là có rủi ro cao được giao dịch trên thị trường.

Tính tới cuối tháng 3/2024, vẫn còn 1,24 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, trong đó 1,1 triệu tỷ đồng là trái phiếu riêng lẻ. Nhóm trái phiếu bất động sản có số dư gần 400.000 tỷ đồng được cảnh báo nhiều nhất về độ rủi ro do tồn kho cao, giá cao, dòng tiền chưa được khơi thông.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho rằng, áp lực trả nợ các trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trên thị trường trong các tháng còn lại của năm 2024 và các năm tới là rất lớn, khoảng 210.000 tỷ đồng trong năm 2024, hơn 305.000 tỷ đồng năm 2025 và 220.000 tỷ đồng năm 2026.

“Chúng tôi kỳ vọng, việc từng bước cải thiện môi trường vĩ mô sẽ làm tăng các hoạt động đầu tư và nhu cầu huy động vốn dài hạn. Chúng tôi cũng dự báo thị trường trái phiếu trong các quý tiếp theo sẽ sôi động hơn, môi trường lãi suất thấp được duy trì sẽ hỗ trợ cho kênh đầu tư trái phiếu và việc thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển chất lượng hơn, ổn định và bền vững trong năm 2024”, ông Phùng Xuân Minh nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top