Aa

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân dự án khả khi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay

Thứ Hai, 28/10/2024 - 18:36

Thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023", phiên họp ngày 28/10, một số đại biểu tiếp tục đề cập đến việc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, ở cả phía doanh nghiệp bất động sản lẫn người dân vay mua nhà.

Ngân hàng cho vay "dè dặt", doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn khó khăn

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua, ngân hàng cho vay dè dặt, trong khi mọi nhà đầu tư đều rất cần vốn, nên chấp nhận vay với lãi suất cao để triển khai dự án. Mặc dù Nhà nước có các chính sách ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất thuê, thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại, nhưng cũng chưa thu hút, khuyến khích nhà đầu tư.

Vòng tròn vốn vay cao, đẩy giá bán căn hộ lên cao, lại ảnh hưởng lớn đến khả năng tín dụng của người mua. "Họ rất khó khăn trong tiếp cận tín dụng vì không đủ nguồn tiền để chi trả hàng tháng. Vốn ưu đãi thông qua ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng vay còn nhiều thủ tục rườm rà, điều kiện vay phải là người cư trú tại chỗ, thu nhập không phải diện nộp thuế, chưa có nhà ở", ông Hòa nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân dự án khả khi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay- Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Cũng đề cập đến khó khăn trong tiếp cận tín dụng, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho biết, báo cáo giám sát đã chỉ ra, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp. Quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp. Mức cho vay tối đa đối với đối tượng chính sách xã hội thấp, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

"Đến nay, chúng ta đã triển khai 7 chương trình thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội với tổng nguồn vốn lên tới 159.000 tỷ đồng, nhưng việc tiếp nhận, giải ngân các gói tín dụng còn rất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đối với công tác phát triển nhà ở xã hội hiện nay", bà Ngọc nói, và đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp để tích cực triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Dự án khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay là có lý do

Tại phiên họp chiều 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình các vấn đề liên quan đến tín dụng mà các đại biểu đặt ra.

Trước hết, về tiếp cận tín dụng, bà Hồng nhắc đến một vấn đề đã nói đến nhiều lần. Đó là, vốn đầu tư vào bất động sản thường lớn, thời hạn dài nên cần được huy động từ nhiều kênh, vốn ngân hàng chỉ là một trong những kênh đó. Theo quy định, các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng về thời hạn, lãi suất. Nhưng khác với doanh nghiệp kinh doanh thông thường, các ngân hàng cần đảm bảo yêu cầu an toàn, sẵn sàng thu hồi vốn để trả cho người gửi tiền.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân dự án khả khi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay- Ảnh 2.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng dẫn lại và đồng tình với ý kiến của đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn nhưng nhu cầu vay của thị trường bất động sản là dài hạn. Hai nhu cầu chưa phù hợp nên đã phát sinh một số bất cập.

"Có những dự án khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay, có thể vì thời hạn vay của dự án không phù hợp với khả năng cân đối vốn của tổ chức tín dụng. Cũng có thể, các ngân hàng ưu tiên cho vay với các mục tiêu cấp bách hơn, để đảm bảo an toàn cho hệ thống", bà Hồng nói.

Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho rằng, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đã tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua, thường cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Hiện dư nợ cho vay bất động sản là 3,15 triệu tỷ đồng chiếm trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế.

Đề cập đến báo cáo của Bộ Xây dựng (tháng 2/2023) về thị trường bất động sản, chỉ ra vào nửa cuối 2022, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng rất khó khăn, dù dự án có tài sản đảm bảo; bà Hồng đã nhắc lại thời điểm sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng SCB từ ngày 6/10/2022. Sự việc quy mô lớn, chưa có tiền lệ đã ảnh hưởng lan truyền đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ giá khi đó có thể tăng lên 10%.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đảm bảo khả năng chi trả cho người gửi tiền tránh hoảng loạn tài chính. Tùy từng thời điểm mà ưu tiên mục tiêu cao nhất. Theo đó, NHNN đã tăng lãi suất trong tháng 10/2022 và chưa nới room tín dụng. Khi thanh khoản cải thiện, tháng 12/2022 thì NHNN nới room tín dụng và ổn định hệ thống ngân hàng đến nay.

Đối với các tổ chức tín dụng, trong bối cảnh đó, cũng phải rất thận trọng khi cho vay mới, đặc biệt là đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài.

"Mong Đại biểu, Quốc hội chia sẻ và ghi nhận những thành tựu mà hệ thống ngân hàng Nhà nước làm được trong thời gian qua. Trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam lại kiểm soát được và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% từ đầu năm 2022 đến nay. Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn, giảm lãi suất cũng như là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân với những con số không nhỏ.

Trong điều hành, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tiết kiệm nguồn lực cho doanh nghiệp và người dân", Thống đốc NHNN chia sẻ.

"Đã là nhà ở xã hội thì nguồn vốn phải từ ngân sách nhà nước"

Về tín dụng nhà ở xã hội, theo bà Hồng, trong Báo cáo giám sát đã chỉ ra thị trường bất động sản đang tồn tại sự mất cân đối. Đặc biệt, phân khúc nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. Thực tế, Chính phủ đang rất quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, Bộ, ngành tập trung các giải pháp để mà phát triển nhà ở xã hội. Kể cả việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng, xóa nhà tạm, dột nát.

Thống đốc cũng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực tài chính của Nhà nước. Hiện đang có một số chương trình cho vay nhà ở xã hội, như theo Nghị định 100 thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng Chính sách xã hội; hay các chương trình cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo vay thông qua ngân hàng Chính sách xã hội…

Về đối tượng được vay, bà Hồng cho rằng, việc xét duyệt hoàn toàn do bộ, ban ngành liên quan xét duyệt, ngân hàng chỉ thẩm định hồ sơ và cho vay. Nên khó khăn trong việc xét duyệt đối tượng không phụ thuộc vào các ngân hàng. Thời gian tới, bộ ngành sẽ rà soát và có chỉnh sửa về đối tượng cho vay theo góp ý của nhiều đại biểu quốc hội, thì những vướng mắc này cũng hy vọng được cải thiện hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân dự án khả khi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn từ chối cho vay- Ảnh 3.

Đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội, bà Hồng cho rằng, đã là nhà ở xã hội thì nguồn vốn phải từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, trong bối cảnh ngân sách nhà nước chưa bố trí được nhiều, các ngân hàng thương mại đã tham gia, hưởng ứng đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030, thông qua gói vay 120.000 tỷ đồng.

"Đến nay, gói này đã tăng lên 145.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn tự các tổ chức tín dụng huy động được từ người dân. Và các TCTD dùng chính nguồn lực của mình để giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho khách hàng trong 3 năm (đối với chủ đầu) và 5 năm (đối với khách hàng", Thống đốc NHNN thông tin.

Tuy nhiên, do đang trong giai đoạn đầu thực hiện nên gói này mới giải ngân được khoảng 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, nhu cầu vốn của người dân chưa cao do họ đang khó khăn trong việc trang trải chi phí cuộc sống. Thời gian tới, Thống đốc NHNN hy vọng, nhu cầu vốn vay sẽ tăng lên.

"Nhưng tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến của một số đại biểu là cần nguồn lực nhà nước để hỗ trợ người dân vay vốn. Đồng thời, cũng nên khảo sát nhu cầu của người dân là muốn sở hữu nhà ở, hay đi thuê để có giải pháp phù hợp", bà Hồng nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top