Aa

Tiền đầu tư chứng khoán "bốc hơi", doanh nghiệp bất động sản nhận "trái đắng"

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 25/02/2025 - 05:53

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải đối mặt với những khoản lỗ không nhỏ từ hoạt động đầu tư này. Thậm chí, có doanh nghiệp đã chi hàng trăm tỷ đồng vào chứng khoán và giờ đây đang phải nếm "trái đắng".

Kênh đầu tư chứng khoán chưa "dễ ăn"

Theo thống kê, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau đã sử dụng một phần vốn nhàn rỗi để đầu tư vào thị trường chứng khoán với hy vọng kiếm thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, do yếu tố biến động trên thị trường, không lường trước được những rủi ro, nhiều doanh nghiệp đã phải gánh chịu những khoản lỗ nặng nề, trong đó có cả các doanh nghiệp bất động sản.

Một số doanh nghiệp bất động sản đã phải trích lập dự phòng hàng chục tỷ đồng cho các khoản đầu tư chứng khoán bị thua lỗ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Báo cáo tài chính quý IV/2024 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN) cho thấy những dấu hiệu kém tích cực trong hoạt động đầu tư chứng khoán của công ty. Tính đến cuối năm 2024, NDN đã rót 549,4 tỷ đồng vào chứng khoán, chiếm 43% tổng tài sản. Danh mục đầu tư của công ty chủ yếu bao gồm cổ phiếu VHM (165,4 tỷ đồng), HPG (103,7 tỷ đồng), TCB (97,4 tỷ đồng), PVT (30,97 tỷ đồng) và STB (30,4 tỷ đồng).

Tiền đầu tư chứng khoán "bốc hơi", doanh nghiệp bất động sản nhận "trái đắng"- Ảnh 1.

Tính đến cuối năm 2024, NDN đã rót 549,4 tỷ đồng vào chứng khoán, chiếm 43% tổng tài sản.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư này lại mang về kết quả không mấy khả quan. Tổng chi phí tài chính của NDN lên tới hơn 78 tỷ đồng, trong đó, lỗ từ đầu tư chứng khoán chiếm phần lớn với hơn 61 tỷ đồng. Không chỉ vậy, công ty còn tiếp tục ghi nhận dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tăng gần gấp đôi so với năm trước, lên hơn 47 tỷ đồng. Trong khi đó, hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh lại âm hơn 35,6 tỷ đồng. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính đang sụt giảm, việc NDN "mạnh tay" đầu tư vào chứng khoán tiềm ẩn không ít rủi ro cho các nhà đầu tư.

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã: TDH) cũng lỗ nặng khi "vung tiền" đầu tư chứng khoán. Tại thời điểm cuối năm 2024, danh mục chứng khoán kinh doanh của TDH có giá trị hơn 28,7 tỷ đồng song phải trích lập dự phòng hơn 25 tỷ đồng.

Danh mục đầu tư của TDH chủ yếu gồm 2 cổ phiếu PPI của CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương và SC5 của CTCP Xây dựng số 5. Đáng chú ý, TDH đã nắm giữ cổ phiếu PPI từ lâu và từng nhiều lần tìm cách bán hết khoản đầu tư này nhưng không thành công.

Tiền đầu tư chứng khoán "bốc hơi", doanh nghiệp bất động sản nhận "trái đắng"- Ảnh 2.

CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã: TDH) cũng lỗ nặng khi "vung tiền" đầu tư chứng khoán.

Tương tự như nhiều doanh nghiệp bất động sản khác, Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã: NTL) cũng tham gia vào thị trường chứng khoán với khoản đầu tư 143 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty phải trích lập dự phòng lỗ hơn 11,2 tỷ đồng, cho thấy yếu tố rủi ro từ hoạt động đầu tư này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường biến động.

Còn với Công ty cổ phần Licogi 14 (mã: L14), là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và xây lắp, đầu tư tài chính cũng là thế mạnh của doanh nghiệp này. Trong báo cáo tài chính mới nhất, doanh nghiệp này cho biết, đầu năm 2024, họ chỉ đầu tư 13,5 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán và trích lập 0,55 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm, giá trị đầu tư chứng khoán của công ty đã tăng lên tới 69,7 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 18,48 tỷ đồng, tương ứng 26,5% tổng danh mục đầu tư chứng khoán. Đáng chú ý, trong văn bản giải trình, Licogi 14 cho biết, lợi nhuận của công ty trong quý IV/2024 đã giảm sút đáng kể, chủ yếu do hoạt động đầu tư tài chính ghi nhận lỗ 10,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 8,5 tỷ đồng.

Lý giải về điều này, Licogi 14 cho biết thị trường chứng khoán thế giới và khu vực đã giảm sâu trong quý IV/2024, khối ngoại bán ròng liên tục, các khu vực Trung Đông và xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn diễn ra. Thêm vào đó, thị trường bất động sản cũng gặp khó khăn do các dự án bị ảnh hưởng bởi thủ tục pháp lý, vướng mắc cơ chế, thể chế chưa được tháo gỡ, dòng vốn, dòng tiền chưa khai thông, dẫn đến các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản thua lỗ, kém hiệu quả và gặp nhiều khó khăn, làm cho giá cổ phiếu các doanh nghiệp bất động sản giảm sâu, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư tài chính của Licogi 14.

Điểm chung của nhóm doanh nghiệp trên là hoạt động kinh doanh bất động sản cốt lõi của họ suy yếu, cộng với khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán đã kéo kết quả kinh doanh năm 2024 xuống thấp, thể hiện ở cả doanh thu và lợi nhuận. Đơn cử như, nhà Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt 55,62 tỷ đồng, giảm 87,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 36,17 tỷ đồng, giảm 83,4% so với cùng kỳ năm trước. Hay Licogi 14 ghi nhận doanh thu đạt 136,03 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 17,17 tỷ đồng, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm trước…

Tối ưu hóa dòng vốn nhưng doanh nghiệp cần cẩn trọng

Việc doanh nghiệp sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán không còn là chuyện lạ trên thị trường. Bởi lẽ, chứng khoán luôn được xem là một kênh đầu tư với tiềm năng sinh lời hấp dẫn, đặc biệt khi so sánh với các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản hay tiền gửi tiết kiệm. Ưu điểm vượt trội của chứng khoán nằm ở tính thanh khoản cao, nguồn vốn linh hoạt và điều kiện tham gia dễ dàng, khiến không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả doanh nghiệp cũng "say mê".

Ở góc nhìn tích cực, các chuyên gia kỳ vọng dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ phân hóa và "rót" vào nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, duy trì được đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp rằng, nếu muốn đầu tư vào cổ phiếu, hãy lựa chọn một quỹ ủy thác thay vì tự mình mua bán trên thị trường.

Lời khuyên này xuất phát từ thực tế rằng, thị trường chứng khoán biến động không ngừng và rất khó lường. Việc theo sát và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn đòi hỏi doanh nghiệp phải có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm dày dặn và thời gian nghiên cứu thị trường. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được những yêu cầu này.

Tiền đầu tư chứng khoán "bốc hơi", doanh nghiệp bất động sản nhận "trái đắng"- Ảnh 3.

Đầu tư vào chứng khoán luôn tiềm ẩn rủi ro, và không có gì đảm bảo rằng cổ phiếu sẽ sinh lời mãi. (Ảnh minh họa).

Đầu tư vào chứng khoán luôn tiềm ẩn rủi ro, và không có gì đảm bảo rằng cổ phiếu sẽ sinh lời mãi. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp không có kinh nghiệm và kiến thức về chứng khoán, rủi ro này còn tăng lên gấp bội. Đáng chú ý, nhóm các doanh nghiệp bất động sản vốn dĩ đang gặp khó khăn về kinh doanh lại tiếp tục tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán nếu thua lỗ thì đó là một bài học đắt giá về quản lý tài chính và quản lý rủi ro của họ. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận lại chiến lược đầu tư của mình, đồng thời tăng cường kiến thức và kinh nghiệm về lĩnh vực này.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính chứng khoán cho hay, một số doanh nghiệp tham gia vào thị trường chứng khoán nhưng chưa thu được kết quả tốt. Nguyên nhân là thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về đầu tư chứng khoán. Một vấn đề khác doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc xây dựng và áp dụng các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng trong một thị trường biến động và đầy rủi ro như chứng khoán.

"Doanh nghiệp tối ưu hóa dòng vốn là một mục tiêu quan trọng để tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, để giải quyết những thách thức tồn tại, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đầu tư rõ ràng dựa trên mục tiêu và nguồn lực tài chính để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho hoạt động đầu tư của mình", ông Khánh cho hay.

Từ tình hình thực tế, PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia Kinh tế cho hay hiện nay nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản là rất lớn, việc thiếu vốn sẽ gây khó khăn cho quá trình vận hành. Tuy nhiên, khi có vốn thôi là chưa đủ, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng tối ưu vốn, tức là nâng cao năng lực sử dụng vốn một cách hiệu quả, tạo ra giá trị và thúc đẩy tăng trưởng.

"Rót vốn vào chứng khoán cũng là một kênh giúp gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp nhưng bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực quản trị dòng tiền và tìm cách sử dụng nguồn vốn tốt nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh", PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Chuyên gia cho biết thêm, bối cảnh thị trường bất động sản đang phục hồi và khởi sắc như hiện nay là cơ hội tốt để hấp thụ các nguồn vốn khác nhau. Trong đó, bao gồm quỹ đầu tư bất động sản (REIT), quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản, cũng như các kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Việc đa dạng hóa nguồn vốn sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản cải thiện dòng tiền, kinh doanh có hiệu quả giúp thị trường bền vững và tích cực hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top