Vào một buổi tối gần ngày rằm năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc mới được vài tháng, người chèo đò ngang ở bến sông làng tôi nghe tiếng người gọi đò. Lúc đó đã gần nửa đêm. Nhưng vì tiếng gọi đò da diết và có điều gì đó rất lạ mà ông lái đò đã quyết định xuống bến chèo đò sang bên kia sông đón khách.
Trước kia, trong những đêm khuya khoắt cũng có một đôi lần nghe tiếng gọi đò nhưng chưa bao giờ ông lái đò xuống bến chèo đò sang sông đón khách. Nhưng đêm đó trăng đang tròn. Mặt sông mờ ảo ánh trăng. Khi đò cập bến bên kia, ông lái đò nhận ra một người lính khoác ba lô đang đợi đò. Ông lái đò hỏi sao người lính đi đâu mà qua đò khuya như thế. Người lính không nói gì chỉ mỉm cười và chỉ tay về phía làng tôi ở bờ bên kia sông. Khi người lính bước lên đò, ông lái đò quay mũi đò và chèo thuyền. Nhưng ông thấy lạ lùng khi nhận ra rằng: cả khi ông ngừng chèo thì con đò vẫn nhẹ nhàng lướt trên mặt sông. Ông lái đò nghĩ có lẽ do nước chảy mà con đò trôi như thế. Chỉ một loáng sau ông đã thấy con đò cập bến. Ông lái đò lại hỏi người lính về đâu. “Tôi về làng Chùa. Tôi con bà Đoán”. Người lính đáp, giọng thoang thoảng, lúc gần lúc xa. Đến lúc đó ông lái đò mới nhận ra đó là con trai bà Đoán. Ông lái đò giật mình vì ông biết rằng người ta đã báo tử anh từ năm 1970. Nhưng ông cũng biết có những người lính đã báo tử rồi vẫn trở về. Chiến tranh là như thế. Ông lái đò vừa mừng vừa hoang mang, nói: “Người ta báo tử anh rồi, thế mà anh vẫn sống”. Người lính không nói gì mà chỉ mỉm cười.
Ông lái đò lại nói: ”Cụ nhà sẽ khóc vì sung sướng mất khi thấy anh về. Từ ngày báo tử anh, thì thoảng cụ nhà vẫn ra bờ sông ngóng anh”. Người lính vẫn không nói gì và chỉ mỉm cười. Người lính bước lên bờ và thoáng một cái đã không thấy đâu nữa. Ông lái đò đứng lặng người trên bờ sông trong ánh trăng. Có điều gì đó khác thường trong nụ cười, giọng nói và bóng dáng của người lính. Nhưng ông không lý giải được.
Đêm đó ông lái đò không ngủ được. Ông nằm trằn trọc đợi cho tới sáng và đi ngay sang nhà bà Đoán để mừng cho bà vì người con trai bà còn sống trở về. Khi ông bước vào sân nhà bà Đoán thì thấy bà đang ngồi ở hiên nhà một mình. Ông nói: “Chúc mừng cụ, nhà ta phúc đức quá cụ ơi”. Nghe vậy, bà Đoán hỏi: “Chúc mừng việc gì thế ông?”. Ông lái đò nói: “Anh nhà ta vẫn sống trở về còn gì vui hơn hở cụ”. Bà Đoán ngạc nhiên hỏi: “Ai sống? Ai trở về?”. Ông lái đò vội nói: “Đêm qua, lúc nửa đêm, tôi thấy tiếng gọi đò, khi chèo đò sang đón mới biết là anh con trai cụ còn sống trở về. Lúc đầu tôi không nhận ra nhưng anh ấy nói là con trai cụ tôi mới biết”. Nghe vậy, bà Đoán nhìn ông lái đò với đôi mắt đã mờ đục và run rẩy hỏi: “Ông nhìn thấy nó về thật hở ông?”. Ông lái đò nói: “Tôi chèo đò cho anh ấy sang sông mà cụ. Lạ quá...”. Bà Đoán ứa nước mắt rồi vội vào nhà và thắp hương trên ban thờ có di ảnh người con trai chụp khi nhập ngũ. Ông lái đò nhận ra sự khác thường, ông thấy ớn lạnh. Ông như chợt hiểu ra câu chuyện người lính gọi đò trong đêm. Ông cũng thắp một nén hương và vái lạy liên tục. Lúc đó, ông hiểu rằng người lính mà ông chèo đò đưa qua sông đêm qua chỉ là linh hồn của anh ấy.
Trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều những chàng trai từ bến đò làng tôi đã đi vào mặt trận. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều người trong số họ không trở về. Những người mẹ không nhận được tin tức gì từ những đứa con của họ. Có những người mẹ thường ra bến đò trong hoàng hôn đợi những đứa con của họ. Họ tin rằng con của họ không chết và sẽ trở về. Một trong những người mẹ đó là bà Đoán.
Ngay đầu con đường đất từ bến đò lên mặt đê có một cây đa. Dưới gốc đa là một quán nhỏ bán nước chè xanh và một vài thứ quà quê như bánh khoai, bánh sắn, kẹo vừng và khoai luộc, ngô nướng theo mùa vụ ở làng tôi. Bất cứ ai khi đi xa về qua đò đều vào quán nước trước khi về nhà. Tôi thường ngồi đó uống một bát nước chè xanh trước khi về nhà. Và thực sự, quán nước lợp lá mía đó như chính ngôi nhà của mình. Trong khi tôi uống nước và ngắm nhìn xuống bãi sông vàng hoa cải cuối năm, bà bán nước kể cho tôi nghe những câu chuyện của làng mà những ngày đi làm ăn xa ở thành phố tôi chưa được biết.
Tiếng gọi đò của những người lính đã hy sinh không chỉ là tiếng gọi đò. Đó còn là một tiếng gọi khác như thức tỉnh chúng ta khi chúng ta đang đi xa những gì đẹp đẽ và thiêng liêng, đang lãng quên đi máu của bao người con đẹp và mạnh mẽ đã chảy suốt bao nhiêu năm.
Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Quán nước chè xanh này đã trở thành một trạm thông tin vô cùng quan trọng của làng. Những ngày tháng đó, sự đợi chờ lớn lao nhất của người làng tôi là đợi chờ sự trở về của những người lính. Thi thoảng lại có một người lính trở về. Con sông Đáy không phải quá rộng, vì thế ngồi trong quán, bà bán quán có thể nhận ra những người lính bởi chiếc mũ cối họ đội và cái ba lô khoác sau lưng.
Mỗi khi nhận ra có một người lính đang đợi đò qua sông thì tất cả những người đang làm việc trên cánh bãi ở bên này sông rối rít cả lên. Họ gọi nhau í ới thông báo có một người lính trở về. Họ ngừng hết mọi công việc để hướng về bên kia sông. Họ giục ông lái đò nhanh nhanh chèo đò sang đón người về. Có người còn gọi to sang bên kia sông hỏi rằng đó có phải người làng Chùa không. Sau khi đón được khách, nếu người lính đó là người làng Chùa thì ông gọi to thông báo cho những người làng đang đứng chờ trên bến sông: “Anh Bàn con bà Bất về... Anh Bàn còn bà Bất về...”; “Anh Ấm con bà Ấm Keng về, anh Ấm con bà Ấm Keng về...”. Ngay sau khi nhận được thông tin từ ông lái đò, bà bán quán ngay lập tức sai đứa cháu chạy thật nhanh vào làng thông báo cho gia đình của người lính rằng anh ấy đã trở về. Tôi đã từng chứng kiến một lần cảnh tượng ấy. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vẫn không cầm được nước mắt vì xúc động, vì những năm tháng mất mát đau thương nhưng kiêu hãnh và đẹp đẽ nhường nào.
Bà Đoán làng tôi chỉ có một người con trai. Anh đã xung phong nhập ngũ bằng được và đã hy sinh, có giấy báo tử trong thời gian chiến tranh. Nhưng bà Đoán vẫn nghĩ con mình sẽ trở về. Thi thoảng bà Đoán ghé qua quán nước bên bến sông và dặn đi dặn lại bà bán nước rằng nếu anh Đoán về thì phải sai cháu chạy vào báo cho bà ngay lập tức. Chứng kiến cảnh đó, ai cũng ứa nước mắt. Không chỉ mình bà Đoán, làng tôi còn có nhiều gia đình mà những người con của họ đã đi vào mặt trận từ bến đò quê nhưng không trở về nữa.
Sau câu chuyện về linh hồn anh Đoán trở về và gọi đò từ bờ bên kia, người làng tôi tin linh hồn những người lính đã hy sinh, họ nằm ở nghĩa trang nào đó ở các tỉnh phía Nam hoặc chưa tìm thấy hài cốt, lại trở về với mẹ mình. Sau lần chèo đò chở linh hồn anh Đoán, ông lái đò làng tôi lại chèo đò đưa linh hồn anh Tân đã báo tử từ năm 1968. Sau lần đó, cứ đến những sau chiến tranh kết thúc và đặc biệt vào ngày rằm tháng Bảy, ông lái đò lại nghe tiếng gọi đò từ bờ bên kia sông. Nhưng vì sức khỏe ông đã yếu và vì tâm chí ông xáo trộn bởi bao điều nên ông không còn thức giấc lúc nửa đêm xuống bến chèo đò sang bờ bên kia đón những người gọi đò mà ông tin chắc rằng đó là tiếng gọi của linh hồn những người lính. Ông có nói người con trai xuống bến chèo đò đưa những linh hồn về làng. Nhưng người con trai không đủ can đảm làm việc đó. Những lúc như thế, ông cũng không ngủ. Ông lặng lẽ thắp hương trên ban thờ khấn vái. Và suốt đêm đó, ông cứ nghe tiếng gọi đò thi thoảng lại vọng về trong gió. Và cũng trong những đêm như vậy, có những người làng tôi ra bờ sông ngồi để được nghe tiếng gọi đò lúc nửa đêm. Họ đợi nghe tiếng gọi đò không phải để xác nhận tiếng gọi đò của những linh hồn người lính là có thật mà để nghe tiếng gọi xem có phải giọng người nhà mình hay không.
Vào những ngày như thế, trên bến sông làng tôi hương được thắp đỏ từ lúc nửa đêm cho tới canh hai, canh ba. Có những người trong làng đã nhìn thấy ở bờ bên kia hình bóng mờ ảo của những người lính khoác ba lô trong ánh trăng. Có những người không được nhìn thấy hình bóng những người lính đứng ở bờ bên kia nhưng tiếng gọi đò lúc nửa đêm thì họ nghe thấy. Chính vì thế mà người làng tôi quyết định lập đàn làm lễ tế. Sau đó họ dùng con đò kéo tấm vải trắng từ bờ sông bên kia về tới bến sông làng mình như là bắc một chiếc cầu để các linh hồn những người lính trở về với mẹ và gia đình mình mà không phải gọi đò suốt đêm như thế. Từ sau lần làm lễ đó, ông lái đò và những người làng tôi không còn nghe thấy tiếng gọi đò trong những đêm trăng trước ngày rằm tháng Bảy nữa.
Bến đò quê bây giờ hầu như chẳng còn người qua đò. Ông lái đò đã mất từ lâu. Người con trai của ông không còn chèo đò ngang đưa khách qua sông nữa mà anh chỉ dùng con đò để thả lưới sông. Bây giờ người ta đang xây một chiếc cầu bê tông khá rộng để thuận tiện cho mọi người đi lại. Nhưng trong lòng những người làng tôi và cá nhân tôi mãi mãi còn một bến đò.
Nơi ấy là một vẻ đẹp thôn dã, là một nhớ thương da diết, là những ký ức nhiều khi đau thắt nhưng ấm áp. Và thật lạ lùng, lúc nào tôi đặt chân trên con đường dốc từ mặt đê xuống bến làng mình, tôi lại nghe thấy tiếng gọi đò. Và trong tâm trí tôi lại hiện lên một chiếc cầu vải trắng. Trên chiếc cầu vải trắng ấy là linh hồn những người lính vẫn trở về. Tiếng gọi đò của những người lính đã hy sinh không chỉ là tiếng gọi đò. Đó còn là một tiếng gọi khác như thức tỉnh chúng ta khi chúng ta đang đi xa những gì đẹp đẽ và thiêng liêng, đang lãng quên đi máu của bao người con đẹp và mạnh mẽ đã chảy suốt bao nhiêu năm. Và đôi khi tôi chợt nghe thấy tiếng tôi gọi chính tôi từ phía bờ bên kia như từ chốn chân trời.